Tin tức - Sự kiện

Cần hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế dưới tán rừng

DNVN - Tại Hội nghị “Phát triển kinh tế dưới tán rừng các tỉnh vùng trung du miền núi phía Bắc”, các ý kiến cho rằng kinh tế dưới tán rừng có nhiều tiềm năng lớn nhưng cần hành lang pháp lý cho sự phát triển.

Ngành lâm nghiệp phấn đấu xuất khẩu 10,5 tỉ USD năm 2019 / Lâm nghiệp, thủy sản sẽ “cứu cánh” tăng trưởng nông nghiệp

Chưa được khai thác và sử dụng theo hướng đa mục đích
Hội nghị “Phát triển kinh tế dưới tán rừng các tỉnh vùng trung du miền núi phía Bắc”, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu tổ chức ngày 3/12. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo của các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Điện Biên, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai và trực tuyến tới 12 điểm cầu các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc.
Trung du miền núi phía Bắc gồm 17 tỉnh có diện tích diện tích rừng lớn với tổng diện tích khoảng 5,5 triệu ha, chiếm 39,6 % tổng diện tích rừng toàn quốc. Trong đó, rừng tự nhiên khoảng 3.962 nghìn ha, bằng 38,6% diện tích rừng tự nhiên toàn quốc. Diện tích rừng trồng là 1.796 nghìn ha, bằng 40,8% diện tích rừng trồng toàn quốc.
Chia sẻ tại Hội nghị, đa số các địa phương đều nhận định, hiện nay việc phát triển kinh tế dưới tán rừng khu vực trung du miền núi phía Bắc còn gặp một số khó khăn do chính sách về phát triển lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng chưa được triển khai đồng bộ và triệt để.
Việc nghiên cứu khoa học chưa áp dụng nhiều vào thực tiễn, chưa thương mại hóa thành sản phẩm lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng từ các công trình nghiên cứu. Chưa áp dụng đúng mức thành tựu của khoa học, công nghệ vào việc hiện đại hóa sản xuất thuốc từ dược liệu. Chưa có quy hoạch tổng thể để bảo tồn, phát triển cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng bền vững.
Với sự đa dạng về tài nguyên rừng, địa hình, khí hậu, văn hóa… các tỉnh trung du miền núi phía Bắc có nhiều tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế dưới tán rừng. Tuy nhiên, những tiềm năng này vẫn chưa được khai thác sử dụng theo hướng đa mục đích.
Phát triển kinh tế dưới tán rừng khu vực trung du miền núi phía Bắc còn gặp khó khăn.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, phát triển kinh tế lâm nghiệp tại các tỉnh trung du miền núi phía Bắc trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả. Với sự đa dạng về tài nguyên rừng, địa hình, khí hậu, văn hóa… các tỉnh trung du miền núi phía Bắc có nhiều tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế dưới tán rừng như: cung cấp gỗ, lâm sản ngoài gỗ; các giá trị dịch vụ môi trường rừng gồm cung ứng điều hòa nguồn nước, đa dạng sinh học, hấp thụ các bon, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng.
Tuy nhiên, những tiềm năng này vẫn chưa được khai thác sử dụng theo hướng đa mục đích. Diện tích rừng trồng mặc dù trữ lượng gỗ lớn, nhưng số lượng cơ sở chế biến sâu còn ít. Chi phí vận chyển logistics tăng, giảm giá trị cạnh tranh.
Lâm sản ngoài gỗ đã hình thành một số vùng trồng nguyên liệu tập trung như quế, hồi với diện tích và sản lượng lớn và các loài lâm sản ngoài gỗ khác (dược liệu)… nhưng còn manh mún, thiếu quy hoạch, sản lượng thấp, thiếu các cơ sở chế biến bảo đảm chất lượng, chế biến sâu. Thiếu các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm tinh chế có giá trị giá tăng cao mà chủ yếu là các sản phẩm thô.
“Là khu vực có nhiều hệ sinh thái rừng đặc trưng, đa dạng sinh học cao, gắn với đa dạng về văn hóa, bản sắc của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, du lịch sinh thái trong rừng còn hạn chế và chưa thu hút được khách du lịch. Chưa tạo được nguồn thu cho các chủ rừng”, ông Tiến nói.
Đề nghị ban hành hướng dẫn thực hiện
Chia sẻ tại Hội thảo, bà Giàng Páo Mỷ- Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu nhận định, những kết quả đạt được trong bảo vệ, phát triển rừng và kinh tế rừng của khu vực trung du miền núi phía Bắc nói chung và của tỉnh Lai Châu nói riêng còn rất khiêm tốn so với tiềm năng và lợi thế của vùng.
Nguồn lợi từ phát triển kinh tế dưới tán rừng rất lớn xong chưa có hành lang pháp lý đầy đủ cho phát triển và triển khai thực hiện. Mô hình phát triển kinh tế dưới tán rừng còn nhỏ lẻ, tự phát và chưa được nhân rộng.
Sản phẩm khai thác từ rừng có nhưng khó truy xuất nguồn gốc và thiếu các chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Việc liên kết sản xuất, tạo sản phẩm có quy mô lớn còn khó khăn. Thiếu sức hấp dẫn và chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đa số người chưa có sinh kế bền vững với việc khai thác nguồn lợi từ rừng để có thể sinh sống bằng nghề rừng, làm giàu từ nghề rừng.
Ông Lê Minh Hoan- Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu tại Hội thảo.

Để kinh tế dưới tán rừng phát triển, đáp ứng với yêu cầu đổi mới của đất nước, tương xứng với tiềm năng của rừng và đất rừng đặc biệt đối với những tỉnh có diện tích đất lâm nghiệp lớn, nhiều ý kiến cho rằng, cần đổi mới tổ chức quản lý ngành, tăng cường năng lực quản lý nhà nước về lâm nghiệp từ Trung ương đến địa phương. Cần cải cách hành chính và đổi mới chính sách phù hợp, kịp thời bảo đảm cho người dân ở trong và gần rừng thu nhập ổn định từ diện tích đất lâm nghiệp của mình.
Khẩn trương hoàn thành việc qui hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia. Lập phương án kế hoạch sử dụng đất lâm nghiệp chi tiết, cụ thể đến cơ sở theo chức năng của từng loại rừng. Rà soát thực hiện việc giao đất gắn với giao rừng để cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài.
Đại diện Sở NN&PTNT Bắc Kạn đề nghị Bộ NN&PTNT ban hành hướng dẫn cụ thể đối với việc thực hiện các mô hình phát triển kinh tế dưới tán rừng tự nhiên để làm cơ sở triển khai thực hiện. Đồng thời, tiếp tục quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện cho tỉnh Bắc Kạn được hưởng các chính sách, các chương trình dự án hỗ trợ phát triển lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng.
Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Lê Minh Hoan- Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, sẽ quan tâm tháo gỡ những vấn đề về thể chế và có chương trình, đề án riêng về phát triển kinh tế dưới tán rừng cho vùng Trung du miền núi phía Bắc.
Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm