Cần Thơ: Bỗng dưng mất đất vì… quyết định “ma”
Hoãn phiên xử phúc thẩm vụ sai phạm đất đai tại Đồng Tâm (Mỹ Đức) đến 17/8 / Hà Nội: Hàng loạt cán bộ Sóc Sơn bị kiểm điểm do sai phạm đất đai
Quyết định “ma” cùng ngày, cùng nội dung nhưng… khác số
Ông Nhan Thuỷ Phúc (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) cho biết, vào năm 1956, mẹ của ông là bà Lê Thị Kiêu đã mua và được chính quyền chế độ cũ cấp sổ địa bộ đứng tên 2 thửa đất thuộc bằng khoán số 424 và 185 với diện tích 6,4ha tại ấp Thạnh Hòa, xã Phú An, huyện Châu Thành, tỉnh Cần Thơ (cũ), nay thuộc phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ.
Gia đình ông Nhan Thủy Phúc điêu đứng suốt 41 năm qua vì hai quyết định cùng ngày, cùng tháng, cùng năm, cùng nội dung nhưng... khác số (ảnh TM).
Năm 1973, mẹ ông Phúc, bà Kiêu qua đời, để lại toàn bộ diện tích đã được cấp sổ địa bộ nói trên cho ông Phúc.Đùng một cái, ngày 29/3/1978, UBND tỉnh Hậu Giang ra quyết định số 192/QĐ.UBT.78 cấp cho Công ty Xây dựng Hậu Giang 26ha đất để xây dựng xí nghiệp gạch ngói. Điều bất ngờ, trong số 26ha này có cả 6,4ha đất của gia đình ông Phúc mà không hề có quyết định thu hồi đất hay thỏa thuận, thương lượng gì với gia đình ông Phúc (?).
Theo tìm hiểu của PV, cùngngày 29/3/1978 này, cũng chính Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trần Minh Sơn (lúc bấy giờ) ban hành quyết định 182/QĐ.UBT.78. Và lấy làm lạ là cả hai quyết định cùng ngày, tháng, năm, cùng nội dung y chang nhưng lại… khác số (?).
Điều ngạc nhiên hơn cả, đó là Quyết định 192 dù ban hành ngày 29/3 nhưng lại được ký sao y vào ngày… 28/3, tức trước khi ký ban hành một ngày (?).
Sau khi thấy sự bất hợp lý này, ông Phúc làm đơn khiếu nại đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của tỉnh, trung ương liên tục từ đó đến nay. Thế nhưng hơn 41 năm trôi qua, sự việc trên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Quyết định không có thực vẫn… thu hồi đất của dân
Ông Phúc cho biết, hơn 41 năm qua, chính quyền tỉnh Hậu Giang, rồi TP Cần Thơ sau này, trong nhiều văn bản, quyết định, luôn bác bỏ việc khiếu nại của ông, vì cho là họ đúng.
Thế nhưng, theo ông Phúc, trên thực tế, quyết định này hoàn toàn trái với quy định của pháp luật.
Cụ thể, trong quá trình thực hiện quyết định này, ông Phúc phát hiện, các cơ quan chức năng chỉ đưa ra bản… sao y quyết định 192 do Phó Văn phòng UBND tỉnh ký, ngày sao y là ngày 28/3/1978. Trong khi đó, quyết định nói trên lại được ký ngày 29/3.
“Nói cách khác, bản sao y đã có trước ngày ban hành quyết định 1 ngày. Đây rõ ràng là sự vô lý”, ông Phúc nói.
Thêm vào đó, việc ban hành quyết định số 192/QĐ.UBT.78 sai thẩm quyền, trình tự, thủ tục. Bởi vì thẩm quyền giao đất phải là UBND tỉnh chứ không phải là Chủ tịch UBND tỉnh.
“Như vậy, rõ ràng quyết định số 192/QĐ.UBT.78 là một quyết định không có thực, không được ban hành theo trình tự, thủ tục mà pháp luật đã quy định mà đã được sử dụng để tiến hành giao đất cho Công ty Xây dựng Hậu Giang. Về tính pháp lý thì việc sao y một quyết định từ trước đến nay không hề tồn tại để yêu cầu các cơ quan chức năng và người dân thi hành là việc làm vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp về tài sản của gia đình tôi. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì mà các ngành chức năng của TP Cần Thơ trong nhiều năm qua lại dựa vào một Quyết định không có thật đó làm căn cứ để bác bỏ yêu cầu trong đơn khiếu nại của tôi, gây khó khăn cho chúng tôi trong suốt nhiều năm trời”, ông Phúc nói.
Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra
Thế là, bằng một quyết định trái pháp luật, UBND tỉnh Hậu Giang đã cấp cho Công ty xây dựng Hậu giang 26ha đất từ năm 1978 nhưng không nêu rõ đất của ai và ở vị trí nào? Tuy nhiên, công ty này không sử dụng hết, bỏ hoang gần 3ha, trong khi các hộ gia đình bị thu hồi đất (riêng gia đình ông Nhan Thủy Phúc bị thu hồi 6,4ha) không có đất canh tác và không có nơi để cư trú trong rất nhiều năm, phải vào chùa tá túc.
"Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra. Trong khi gia đình ông Phúc không có mảnh đất cắm dùi thì chủ đầu tư lại đem đất cho doanh nghiệp khác thuê xưởng đóng tàu và phân lô bán nền kiếm lợi nhuận (ảnh TL)
Trải qua nhiều đời lãnh đạo, 18 năm sau, ngày 9/12/1996, ông Bùi Hữu Trí – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ – ký Quyết định số 2599/QĐ.CT.HC.96 với nội dung: “Nay thu hồi một phần đất chưa sử dụng có diện tích 29.996m2 nằm trong diện tích 26ha của Xí nghiệp gạch ngói số 1 Cái Sâu tỉnh Cần Thơ… để xây nhà máy gạch Tuynen Cái Sâu theo dự án được duyệt”.
Bảy năm sau, ngày 17/6/2003, UNND tỉnh Cần Thơ lại ban hành quyết định số 2044/QĐ-UB quy hoạch đất xây dựng khu tái định cư – dân cư do Công ty Xây dựng công trình 507 - thuộc Tổng Công ty Xây dựng CTGT 5 - làm chủ đầu tư và giao cho đơn vị này một quỹ đất lớn trong phần đất mà xí nghiệp gạch ngói Tuynen kinh doanh không hiệu quả.
Thế rồi, đến ngày 9/1/2007, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, ký quyết định 50/QĐ-UBND “thu hồi tiếp khu đất có tổng diện tích 55.876m2 tọa lạc tại phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ do Xí nghiệp gạch Tuynen thuê của nhà nước để giao cho Công ty XDCTGT 586 (nay đã cổ phần hóa - PV) làm chủ đầu tư xây dựng khu dân cư Phú An thuộc Khu đô thị mới Nam sông Cần Thơ”.
Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra. Trong khi gia đình ông Nhan Thủy Phúc bị thu hồi 6,4ha đất vô duyên vô cớ hơn 41 năm qua, liên tục đi khiếu nại đòi đất thì Công ty Cổ phần 586 “bỗng dưng” lại được giao thêm 5,5ha đất (coi như là phần đất của nhà ông Phúc) để xây dựng, kinh doanh kiếm lợi nhuận, mà gia đình ông Phúc lại không được gì. Thấy những bất hợp lý này, các cơ quan chức năng ở trung ương đã vào cuộc, làm rõ khiếu nại trên.
DNVN sẽ thông tin tiếp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kết tinh cảm xúc đêm chung kết cuộc thi ‘Thước phim Đà Lạt’
Dalat Spring Concert mang huyền thoại âm nhạc thế giới biểu diễn thường niên tại Đà Lạt
Đà Nẵng khai mạc lễ hội đón giáng sinh, chào năm mới
Hàng trăm cây dừa được trồng, bãi biển Đà Nẵng thêm sức sống
Kiên Giang vận hành hệ thống camera giám sát giao thông