Tin tức - Sự kiện

Cảnh giác với biến tướng hợp đồng "Sở hữu kỳ nghỉ du lịch"

Bộ Công an mới đây đã phát đi thông tin cảnh báo về hoạt động mua bán "Sở hữu kỳ nghỉ du lịch" có nhiều chiêu thức để lừa đảo, trục lợi.

Từ mạch nguồn di sản đến sản phẩm du lịch - Bài 1: Bảo tồn và phát triển / Từ mạch nguồn di sản đến sản phẩm du lịch - Bài 2: Hình thành nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc

Thực chất, hoạt động mua bán "Sở hữu kỳ nghỉ du lịch" (Timeshare) đã xuất hiện từ lâu và phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động tại Việt Nam, lợi dụng nhu cầu du lịch của người dân tăng cao, đồng thời tâm lý muốn đi du lịch giá rẻ của một bộ phận người dân, các đối tượng đã gia tăng hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân dưới nhiều hình thức, trong đó có sự biến tướng của các hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ du lịch.

Sau khi ký kết các hợp đồng mua bán sản phẩm kỳ nghỉ lên đến hàng trăm triệu đồng, hàng chục nạn nhân tá hỏa khi công ty bán hợp đồng cho mình bỗng chốc "biến mất". Trụ sở của công ty, ghi trong giấy phép đăng ký kinh doanh, là nhà ở của người dân, không có nhân viên nào làm việc tại đây.

Tiếp nhận phản ánh của nhiều người dân về việc bị các công ty du lịch chiếm đoạt tài sản thông qua ký kết các hợp đồng mua bán sản phẩm kỳ nghỉ, qua điều tra, Công an TP Hồ Chí Minh nhận thấy đối tượng bị tố giác lợi dụng tư cách pháp nhân để ký kết hợp đồng kinh tế, sau đó không thực hiện nhằm chiếm đoạt tài sản, với số tiền trên 500 triệu đồng, do đó đã chuyển đơn tố giác tội phạm cùng tài liệu kèm theo đến Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an thành phố để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Cảnh giác với biến tướng hợp đồng Sở hữu kỳ nghỉ du lịch - Ảnh 1.

Bộ Công an khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác với hoạt động "Sở hữu kỳ nghỉ du lịch".

"Chiếm đoạt tài sản có giá trị trên 500 triệu đồng thì có thể bị phạt tù cao nhất là 20 năm tù hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt lên đến 100 triệu đồng hoặc bị cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề từ 1 - 5 năm", Luật sư Trần Thị Vân Anh, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, cho biết.

Hoạt động mua bán "Sở hữu kỳ nghỉ du lịch" quảng cáo với nhiều thông tin hấp dẫn như: chi phí tiết kiệm hơn, chỉ vài trăm nghìn đồng một đêm nghỉ tại khách sạn cao cấp bất kỳ trong hệ thống bất động sản doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi hợp đồng với nhiều trang giấy A4 được ký, cũng là lúc khách hàng "sập bẫy" của các đối tượng lừa đảo.

"Khi ký hợp đồng hứa hẹn nhiều để thuyết phục nhà đầu tư ký hợp đồng, thanh toán tiền, nhưng khi thực hiện dịch vụ, tìm đủ mọi cách từ chối, không cung cấp như thỏa thuận. Bản thân tôi chưa sử dụng bất kỳ dịch vụ nào", chị Bùi Thị Thu Trang, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh, chia sẻ.

Bộ Công an khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác với hoạt động "Sở hữu kỳ nghỉ du lịch", tìm hiểu kỹ về tư cách pháp lý và khả năng cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp trước khi mua gói dịch vụ "Sở hữu kỳ nghỉ du lịch". Đồng thời, Bộ đề nghị các cơ quan chức tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh "Sở hữu kỳ nghỉ du lịch" đúng quy định pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm