Tin tức - Sự kiện

Chủ tịch Quốc hội: Chính phủ phải lên tiếng giải thích về tăng giá điện

DNVN - Tại phiên họp thứ 34 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vào sáng ngày 8/5, vấn đề tăng giá điện - điều mà dư luận cử tri bức xúc hiện nay - đã được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập và đề xuất giải pháp.

Những điểm mới của Nghị định 34/2019/NĐ-CP về cán bộ, công chức cấp xã / Bài viết của Thủ tướng nhân kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp thứ 34 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 8/5 về tình hình phát triển kinh tế xã hội, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, việc tăng giá điện, giá xăng dầu, giá dịch vụ y tế… là những rủi ro lạm phát, có thể ảnh hưởng bất lợi đến ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định, ra khung giá từ năm này tới năm này, cơ chế tính giá điện đã có. Giờ xem lại điều hành đó có đúng cái này hay không để công bố cho nhân dân yên tâm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. (Ảnh: Quochoi.vn)

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. (Ảnh: Quochoi.vn)

"Tôi đi tiếp xúc cử tri, cử tri hỏi tôi, tôi nói là chắc chắn tất cả những việc tăng giá này Bộ Công Thương phải thực hiện đúng cơ chế và báo cáo Chính phủ, chứ làm sao Bộ Công Thương dám làm hay EVN tự làm được. Chính phủ phải lên tiếng giải thích chứ không phải chỉ công bố lập đoàn thanh tra, phải giải thích cái đó làm đúng hay không, vì họ đang làm theo lộ trình của Chính phủ, quyết định của Chính phủ", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Trong khi đó, bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp phát biểu: Xung quanh vấn đề tăng giá điện chúng tôi cũng rất hoan nghênh Thủ tướng đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ để chỉ đạo kiểm tra, Bộ Công Thương cũng đã lập các đoàn kiểm tra. Nhưng dư luận lâu nay vẫn có hoài nghi về tính minh bạch của quản lý điện và hoạt động của Tập đoàn điện

"Người ta có hoài nghi thì chúng ta phải kiểm tra để giải đáp cho dư luận cử tri. Ở đây cần phải giải quyết thứ nhất là vì sao tăng và trong cơ cấu của giá thành điện như vậy thì cái nào hợp lý, cái nào không hợp lý. Thứ hai là phương pháp tính giá điện bậc thang và biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt", bà Nga nói.

Theo bà Nga, dư luận cử tri cũng có ý kiến là nếu với biểu giá bán điện sinh hoạt bậc thang từ bậc 1 đến bậc 6 chỉ phù hợp với những giai đoạn ngày xưa, còn bây giờ không nhà nào dùng từ 50 kw trở xuống nữa. Một số người nói có một số hộ gia đình chỉ có hai ông bà già, chỉ lúc nào nóng mới bật quạt thì cũng không thể dùng ở mức 50kw/1 tháng hoặc là loại 100 kw trở xuống cũng rất khó.

Bà Nga cũng đề cập tới thời điểm tăng giá điện. Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực cũng chọn thời điểm tăng vào thời điểm nóng nhất và người tiêu dùng dùng điện nhiều nhất, cộng với việc càng dùng điện cao, giá của mức dùng điện chứ không phải là giá của sản lượng cho nên dư luận cũng đặt câu hỏi là phải trả lời được vấn đề tại sao chúng ta chọn tăng vào thời điểm người dân dùng điện nhiều nhất. Qua đó, bà Nga đề nghị cần phải kiểm tra để trả lời, để giải tỏa bức xúc của dư luận. Còn nếu tăng là cần thiết thì cũng phải có căn cứ, nếu cái gì chưa phù hợp thì có điều chỉnh.

Hôm 03/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua; làm rõ đúng, sai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2019.
Sau đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá - cũng đã có ý kiến về đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá điện. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Tổng cục Thống kê và các cơ quan liên quan tiếp tục theo dõi, đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá điện ngày 20/3/2019 đến sản xuất và đời sống nhân dân theo đúng chỉ đạo.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chủ động phối hợp với các Bộ, ngành để tiếp tục tổ chức triển khai tốt công tác tuyên truyền, chủ động cung cấp thông tin về công tác điều hành giá nhất là các mặt hàng có tính chất nhạy cảm đến người dân; thực hiện công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát để ngăn ngừa, hạn chế những thông tin thất thiệt gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường theo đúng chỉ đạo.
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm