Tin tức - Sự kiện

Sẽ xây cầu vượt biển nối Cần Giờ - Vũng Tàu

DNVN - Chiều 7-5, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho biết Hiệp hội nhất trí với Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ đề xuất dự án cầu vượt biển nối Cần Giờ - Vũng Tàu (chiều rộng cửa biển 12km).

Clip: Siêu cầu vượt biển dài nhất thế giới, kinh phí xây dựng 20 tỷ USD / Cầu vượt biển dài nhất Việt Nam bị rải đinh dày đặc

Theo ông Châu, việc này nhằm bổ sung vào quy hoạch Vùng thành phố Hồ Chí Minh, vừa phục vụ giao thông liên vùng, vừa phục vụ du lịch, cảnh quan, để mời gọi đầu tư.

Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các Sở, ngành sớm hoàn thành quy hoạch chi tiết phân khu tỷ lệ 1/2000 đối với quỹ đất thuộc hành lang sông, rạch.

Phối cảnh dự án cầu vượt biển nối huyện Cần Giờ (TPHCM) với TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) dài 12km (ảnh TL)

Phối cảnh dự án cầu vượt biển nối huyện Cần Giờ (TP.HCM) với TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) dài 12km (ảnh TL).

Trong đó, đề xuất bổ sung quy hoạch đường ven sông Sài Gòn, để xây dựng các dự án mời gọi đầu tư trong thời gian tới. Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh rất hoan nghênh Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào thành phố năm 2019, với 210 dự án mời gọi đầu tư trên nhiều lĩnh vực, tạo cơ hội làm ăn cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp bất động sản.

Trong danh mục 210 dự án mời gọi đầu tư lần này, Hiệp hội và các doanh nghiệp bất động sản rất quan tâm và mong muốn được tham gia đầu tư vào nhiều dự án trong số 85 dự án hạ tầng giao thông, 36 dự án cơ sở hạ tầng đô thị, 29 dự án chỉnh trang đô thị, 09 dự án thương mại dịch vụ…

Đồng thời, Hiệp hội đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo bổ sung thêm các dự án mời gọi đầu tư như: Dự án đô thị sáng tạo phía đông thành phố Hồ Chí Minh, Dự án Bình Qưới - Thanh Đa, Dự án Nam Kênh Đôi, Dự án Rạch Xuyên Tâm, các dự án cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ...

Qua nghiên cứu danh mục các dự án mời gọi đầu tư, Hiệp hội có ý kiến đề xuất, như sau:Đối với các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, nhất là chỉnh trang đô thị, gian nan nhất đó là công tác giải phóng mặt bằng. Hiệp hội được biết Ủy ban nhân dân thành phố đã kiến nghị Chính phủ cơ chế và giải pháp để rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng còn hơn 100 ngày, để sớm giao quỹ đất cho nhà đầu tư.

Về hành lang pháp lý, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định về dùng tài sản công, trong đó có quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).

 

Đồng thời, Hiệp hội kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các đơn vị chủ trì dự án khẩn trương rà soát, hoàn thiện, đảm bảo tính khả thi của các dự án mời gọi đầu tư, nhất là các dự án chỉnh trang đô thị, ví dụ như dự ánchỉnh trang đô thị quận 8.

Theo HoREA, các doanh nghiệp bất động sản cũng đã tích cực tham gia các dự án phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, chỉnh trang - tái phát triển đô thị, xây dựng lại các chung cư cũ, chỉnh trang, di dời tái định cư nhà trên và ven kênh rạch trên địa bàn thành phố.

Hiện nay, Vingroup đang hỗ trợ thành phố để thực hiện quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 khu vực Nam Kênh Đôi; Công ty Cổ phần Hà Nội Ngàn Năm đang nghiên cứu dự án cải tạo, xây dựng khu vực Rạch Xuyên Tâm, quận Bình Thạnh... Tuy nhiên, doanh nghiệp bất động sản đang đối diện với nhiều rủi ro, thách thức. Trong hơn 2 năm qua, thành phố Hồ Chí Minh có hơn 150 dự án bị rà soát, thanh tra. Vừa qua, thành phố Hồ Chí Minh đã cho phép 124 dự án, chiếm 78% số dự án bị rà soát, được hoạt động trở lại bình thường.

Vĩnh Yên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm