Chủ tịch tỉnh Bình Dương đề xuất 5 nhóm giải pháp trọng tâm phục hồi kinh tế
Bình Dương: Siêu thị, cửa hàng tiện lợi phân luồng cho khách mua sắm an toàn / Bình Dương: Shipper phải có phù hiệu nhận dạng, chỉ được vận chuyển hàng hóa thiết yếu
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho rằng, việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2021 chủ yếu phụ thuộc vào kết quả phòng, chống dịch bệnh và khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Trên cơ sở nhận định tình hình, việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong những tháng cuối năm là rất khó khăn. Tuy nhiên, đây là tình hình chung của cả nước, nên tỉnh Bình Dương thống nhất không điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.
“Qua đó để giữ quyết tâm cao nhất nhằm huy động sức mạnh tổng lực của toàn bộ hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp cùng chung sức, đồng lòng phấn đấu thực hiện từng chỉ tiêu, lĩnh vực ở mức cao nhất trong điều kiện khó khăn. Đây là cơ sở quan trọng làm tiền đề, động lực cho giai đoạn phát triển tiếp theo của cả nhiệm kỳ”, ông Võ Văn Minh chia sẻ.
Trước mắt, tỉnh Bình Dương sẽ thực hiện kế hoạch khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới sau thời gian giãn cách xã hội sau ngày 15/9.
Để phục hồi kinh tế của tỉnh trong năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đưa ra 5 nhóm giải pháp trọng tâm. Trong đó, thứ nhất, thực hiện các giải pháp mở cửa trở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh theo lộ trình; tổ chức lưu thông trên địa bàn trong trạng thái bình thường mới.
Xây dựng các chính sách thuộc thẩm quyền để hỗ trợ doanh nghiệp. Tạo mọi điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp. Bảo đảm nguyên vật liệu đầu vào và phương án tổ chức sản xuất, phân phối, lưu thông, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên vật liệu.
Thứ hai, tập trung khơi thông dòng vốn đầu tư phát triển. Sớm triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư và bố trí vốn để khởi công mới các công trình đủ điều kiện tại các "vùng xanh" trên địa bàn.
Tiếp tục thực hiện tốt công tác xúc tiến đầu tư, kêu gọi, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tiếp tục đầu tư, hoạt động tại tỉnh. Thường xuyên theo dõi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Thứ ba, tạo đột phá trong cải cách hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch và hoạt động sản xuất kinh doanh. Đổi mới cách thức giải quyết thủ tục hành chính thông qua việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Thành lập các tổ công tác đặc biệt để nhanh chóng giải quyết các khó khăn trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và đời sống người lao động.
Thứ tư, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Kịp thời hỗ trợ tạo việc làm mới cho người lao động. Triển khai nhanh các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, phục vụ đời sống người dân.
Thứ năm, cung cấp thông tin chính thống, công khai, minh bạch, khách quan để ổn định tâm lý, tạo đồng thuận xã hội. Đẩy mạnh tuyên truyền các giải pháp phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh và tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, trước mắt, tỉnh sẽ điều hành bám sát theo kế hoạch khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới sau thời gian giãn cách xã hội (sau 15/9), với những mục tiêu, giải pháp và lộ trình hợp lý, phù hợp với thực tiễn phòng, chống dịch của từng địa phương.
“Nhiệm vụ trong thời gian tới rất nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu và đồng lòng của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Để công tác chỉ đạo, điều hành được kịp thời, có hiệu quả, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo