Bí thư Bình Dương đưa ra "tối hậu thư" cho doanh nghiệp, nếu không đáp ứng được phải ngừng sản xuất
Doanh nghiệp Bình Dương kích hoạt hơn 5.000 Tổ An toàn COVID-19 / Bình Dương: Lao động tự do được hỗ trợ 1,5 triệu đồng
Bảo vệ thành quả "vùng xanh"
Ngày 13/8, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương Nguyễn Văn Lợi đã có cuộc họp trực tuyến với các huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng và thị xã Bến Cát về sơ kết việc thực hiện kế hoạch xây dựng "vùng xanh" trên bản đồ COVID-19, đưa Bình Dương trở về trạng thái bình thường mới.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh Bình Dương, tính đến nay, huyện Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Phú Giáo không còn "vùng đỏ", đủ điều kiện công bố "vùng xanh".
Riêng huyện Bắc Tân Uyên còn 11/54 ấp thuộc "vùng đỏ", 2 xã (Hiếu Liêm, Lạc An) được đánh giá "Bình thường mới", 3 xã (Đất Cuốc, Tân Thành, Tân Bình) được đánh giá "nguy cơ cao". Đến nay, huyện cũng đã hoàn thành việc xét nghiệm sàng lọc lần 2 để bảo vệ "vùng xanh" với 11.000 mẫu gộp và test nhanh diện rộng cho 17.000 người tại 10 xã, thị trấn.
Tỉnh Bình Dương huy động cả hệ thống chính trị bảo vệ thành quả "vùng xanh" trong phòng chống dịch COVID-19.
Huyện đã huy động nguồn nhân lực với gần 200 đoàn viên, giáo viên, cán bộ công chức tham gia 8 Tổ test nhanh diện rộng; thành lập 90 Tổ an toàn COVID-19 trong các doanh nghiệp có 300 thành viên; 209 doanh nghiệp ký cam kết thực hiện phương án "3 tại chỗ".
Ngay trong ngày 13/8, huyện tiến hành rà soát khu vực nguy cơ cao, tiếp tục thực hiện song song test nhanh và lấy mẫu PCR. Sau khi có kết quả xác định khu vực an toàn gắn bảng "vùng xanh", huy động Tổ COVID-19 cộng đồng quản lý nghiêm giữa "vùng xanh" và "vùng đỏ", thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, trên tinh thần "quét" tới đâu khóa chặt tới đó.
Trong khi đó, theo ông Bùi Duy Hiền – Bí thư Thị ủy Bến Cát, trên địa bàn thị xã còn 7/44 ấp, khu phố thuộc "vùng đỏ"; 7/44 ấp, khu phố "vùng cam"; 2 phường được đánh giá "Bình thường mới" (Thới Hòa, Tân Định).
Thị xã xác định rõ từng khu vực với nguy cơ tương ứng 4 mức: "Nguy cơ rất cao", "Nguy cơ cao", "Nguy cơ", "Bình thường mới" cho từng địa bàn đến từng khu phố, xóm, ấp. Đồng thời phát huy hiệu quả hoạt động của 700 Tổ COVID-19 cộng đồng, 136 doanh nghiệp thành lập 440 Tổ an toàn COVID-19; 90 đội lấy mẫu trong doanh nghiệp và 100 đội lấy mẫu tại xã, phường.
Hiện thị xã đã tiến hành dỡ bỏ phong tỏa 160 khu vực có ổ dịch, 375 khu vực phong tỏa đang xét nghiệm đợt 2 nếu đủ điều kiện sẽ dỡ bỏ. Tổ chức tiêm vaccine cho 43.000 người, tuy nhiên nhu cầu thực tế là 280.000 người, do đó kiến nghị tỉnh tăng cường phân bổ vaccine để tiến hành tiêm cho "vùng xanh", vùng nguy cơ .
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi đánh giá cao những nỗ lực cố gắng của các địa phương trong việc thực hiện kế hoạch xanh hóa. Đồng thời yêu cầu trong thời gian tới, các địa phương không được chủ quan, lơ là, làm tới đâu phải chắc chắn có phương án trên từng lĩnh vực, huy động cả hệ thống chính trị để bảo vệ thành quả.
"Nhà máy xanh, công nhân xanh và nhà trọ xanh"
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Dựt – Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, cho biết, đang tham mưu ban hành cấp Giấy chứng nhận công dân "vùng xanh", nhằm kiểm soát bảo vệ "vùng xanh", ngăn ngừa dịch lây lan dịch.
Công an tỉnh cũng đã giao Công an huyện, thị, thành phố tham mưu Chủ tịch UBND cấp huyện căn cứ tình hình dịch bệnh địa phương để triển khai. Quy trình cấp sử dụng giấy chứng nhận, sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể theo hướng đơn giản, nhanh gọn và chỉ sử dụng trong thời gian tỉnh đang áp dụng Chỉ thị 16.
Về vấn đề tiêm vaccine phòng COVID-19, Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bình Dương cho biết, sẽ tiêm hết cho người lao động các doanh nghiệp trong "vùng xanh" đang thực hiện "3 tại chỗ".
“Tính đến thời điểm này đã tiêm xong cho 4 KCN có doanh nhgiệp thực hiện "3 tại chỗ", các khu còn lại đạt 70%. Sắp tới sẽ triển khai tiêm cho KCN Bàu Bàng, nơi có khoảng 7.000-8.000 công nhân đang thực hiện "3 tại chỗ", Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương cho biết thêm.
Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương Nguyễn Văn Lợi (bên phải), đến thăm, làm việc và kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Công ty TNHH Minh Long I.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bí thư tỉnh uỷ Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho rằng, để đưa "vùng xanh" trở lại trạng thái bình thường trong điều kiện mới, các địa phương cần lưu ý hai vấn đề quan trọng đó là tổ chức lại sản xuất, từng bước mở rộng dịch vụ thương mại. Doanh nghiệp muốn hoạt động phải có phương án phòng, chống dịch.
Theo đó, doanh nghiệp trong KCN do Trưởng Ban Quản lý các KCN phê duyệt, doanh nghiệp trong cụm công nghiệp (CCN) do Giám đốc Sở Công Thương phê duyệt; doanh nghiệp ngoài khu, CCN do Chủ tịch UBND huyện, thị, thành phố phê duyệt. Thương mại, dịch vụ, siêu thị, cửa hàng tiện ích giao Giám đốc Sở Công Thương phê duyệt. Còn lại các chợ, các cửa hàng do Chủ tịch UBND cấp huyện, xã theo phân cấp phê duyệt.
“Nơi nào thực hiện đúng chỉ đạo, đủ điều kiện mới cho mở lại, ngược lại kiên quyết yêu cầu dừng hoạt động. Về tổ chức sản xuất, đảm bảo nhà trọ phải "xanh", công nhân phải "xanh", nhà máy phải "xanh", không đủ 3 yếu tố này yêu cầu ngừng sản xuất”, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Lợi cũng đề nghị lãnh đạo tỉnh và các địa phương "vùng xanh" tiến hành chọn một số doanh nghiệp thí điểm tổ chức sản xuất theo mô hình công nhân một công ty ở cùng một địa điểm trọ đủ điều kiện an toàn và khi vào nhà máy được xét nghiệm sàng lọc theo quy định. Hoặc một nhà trọ có công nhân làm nhiều công ty, nhưng phải bảo đảm công ty “xanh”, khi đó nhà trọ sẽ được đánh giá “xanh”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo