Chuyên gia quốc tế: “Việt Nam có cơ sở để tự tin chiến thắng đại dịch Covid-19”
Trưa 7/7: Thêm 400 ca mắc COVID-19 mới, riêng TP. Hồ Chí Minh 347 ca / Một thí sinh ở TP.HCM ngất xỉu, test nhanh dương tính với nCoV
Ông Anthony Costello, giáo sư y tế toàn cầu và phát triển bền vững tại Đại học London, cựu giám đốc mảng sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 6/7 đăng trên Twitter biểu đồ thống kê số ca tử vong vì đại dịch Covid-19 của Việt Nam, Trung Quốc, Mỹ và Anh kèm bình luận: “Bạn không thể nhìn thấy đường cong tử thần của Việt Nam và Trung Quốc vì chúng quá thấp”.
Theo ông Costello, Anh đã phải thực hiện biện pháp phong tỏa toàn quốc kéo dài, gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế và sức khỏe tinh thần của người dân. Trong khi đó, các quốc gia châu Á không phải phong tỏa đất nước trong thời gian dài, sau đó là thực hiện việc phong tỏa từng địa phương, khu vực bùng phát dịch. “Nền kinh tế của họ (các nước châu Á) thiệt hại ít hơn [Anh-ND] 10 lần”.
Trong khi đó, bài viết của tiến sĩ Emma Willoughby đăng tải trên trang web của Viện Brookings đánh giá, trong bối cảnh các phản ứng nhanh chóng và nghiêm ngặt của Chính phủ Việt Nam đã thu hút được sự chú ý thì ít người biết rằng phản ứng này có được là do những nỗ lực lâu dài và nghiêm túc của Chính phủ đối với sức khỏe cộng đồng.
Việt Nam có nhiều tổ chức khoa học duy trì quan hệ đối tác với các nhà nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới để mở rộng năng lực giám sát bệnh lao, HIV/AIDS và cúm gia cầm, bên cạnh một mạng lưới rộng khắp các trung tâm kiểm soát dịch bệnh có liên hệ với đối tác Mỹ.
Có sự quan tâm nhất quán đối với các loại bệnh truyền nhiễm và năng lực của hệ thống y tế công cộng nên Việt Nam luôn ưu tiên các biện pháp y tế dự phòng. Bài viết đánh giá, để thực hiện được chiến lược kiểm dịch đồng loạt, có sự phối hợp nhịp nhàng của các cơ quan liên quan đòi hỏi nguồn nhân lực lớn, Chính phủ Việt Nam đã huy động cả các sinh viên y khoa, nhân lực từ các tổ chức xã hội... Phương tiện truyền thông xã hội vốn phổ biến rộng rãi ở Việt Nam cũng được sử dụng để quảng bá thông điệp về sức khỏe cộng đồng và xóa tan những thông tin sai lệch.
Các biện pháp y tế công cộng dự phòng Việt Nam áp dụng được cho là đã phát huy hiệu quả để Việt Nam không phải chứng kiến thảm họa bùng phát dịch bệnh trên diện rộng mà nhiều nước khác đã phải đối mặt. Chỉ đến gần đây, Việt Nam mới trải qua đợt bùng phát Covid-19 mạnh nhất (có ngày số ca mắc lên hơn 1.000), liên quan đến biến thể Delta. Tuy nhiên, quy mô của đợt bùng phát lần này vẫn nhỏ hơn rất nhiều nếu so sánh với các nước láng giềng như Indonesia (hàng chục nghìn ca/ngày), Philippines, Malaysia, Thái Lan (5.000 – 6.000 ca/ngày) và Việt Nam vẫn kiên trì thực hiện nghiêm các quy định kiểm dịch, truy vết, cách ly...
Việt Nam không thể chọn cách làm như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), hay Singapore phòng chống dịch dựa trên tỷ lệ xét nghiệm cao hay thế mạnh từ cơ sở vật chất y tế. Chính phủ Việt Nam hiểu rõ và dám nhìn thẳng vào những hạn chế về nguồn lực y tế để có đối sách phù hợp, chủ động. Việt Nam cũng đã phát triển một ứng dụng nhằm truy vết tiếp xúc và cảnh báo người nhiễm Covid-19 bằng cách sử dụng giao thức BLE để công khai, minh bạch thông tin, giúp người dân chủ động tự bảo vệ bản thân.
Bài viết đánh giá, cách tiếp cận y tế công cộng của Chính phủ Việt Nam rất ấn tượng. Chính phủ Việt Nam đã chứng tỏ có thể triển khai các chính sách và nguồn lực công đối với chiến lược đề ra, để bảo vệ sức khỏe người dân trong đại dịch toàn cầu.
Trường hợp của Việt Nam đã chứng minh rằng chính sách ban đầu của chính phủ cực kỳ hiệu quả nhằm giữ các ca bệnh ở mức rất thấp. Xu thế toàn cầu hóa khiến các nước không thể đóng cửa biên giới vĩnh viễn và cần triển khai chiến lược tiêm chủng vaccine. Chính phủ Việt Nam đã chứng minh rằng, thực thi mô hình y tế dự phòng hiệu quả giúp ứng phó với mọi đại dịch. Đây có thể là kinh nghiệm cho các quốc gia khác học hỏi khi chuẩn bị ứng phó với các đại dịch trong tương lai.
End of content
Không có tin nào tiếp theo