Tin tức - Sự kiện

Còn nhiều vướng mắc trong phát triển nhà ở cho công nhân

Hiện cả nước mới có khoảng 2,5 triệu m2 nhà ở cho công nhân, đủ bố trí cho khoảng 330.000 người. Con số này vẫn còn rất thấp so với nhu cầu của hàng chục triệu công nhân.

Chính phủ ưu tiên cao nhất cho xây dựng và hoàn thiện thể chế, tăng cường công khai, minh bạch / Bộ Chính trị cảnh cáo, miễn nhiệm chức vụ của bà Nguyễn Thị Kim Tiến

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện cả nước mới có khoảng 2,5 triệu m2 nhà ở cho công nhân, đủ bố trí cho khoảng 330.000 người. Con số này vẫn còn rất thấp so với nhu cầu của hàng chục triệu công nhân. Thực trạng này đã được chỉ ra tại Tọa đàm “Phát triển nhà ở cho công nhân - Thực trạng và giải pháp” do Báo Xây dựng tổ chức sáng 19/11.

Còn nhiều vướng mắc trong phát triển nhà ở cho công nhân - Ảnh 1.

Hiện nay, nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp còn thiếu. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, Việt Nam hiện có 575 khu công nghiệp được thành lập trên 61 tỉnh, thành phố, chủ yếu tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm. Hệ thống khu công nghiệp của Việt Nam đang là điểm đến của hàng ngàn doanh nghiệp, từ 122 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tuy nhiên, các khu công nghiệp chủ yếu thiên về tạo ra quỹ đất và kêu gọi các doanh nghiệp thuê để tổ chức sản xuất, chưa thực sự quan tâm đến đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội. Nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp còn thiếu, nhiều thiết chế văn hóa, hạ tầng xã hội như: nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, phòng khám… chưa được đầu tư, xây dựng.

Hiện nay, Việt Nam có trên 16 triệu công nhân, hàng năm đang trực tiếp sản xuất, tạo ra trên 60% tổng sản phẩm trong nước và đóng góp 70% ngân sách Nhà nước. Là lực lượng có đóng góp lớn cho xã hội, nhưng đời sống người lao động còn nhiều khó khăn, nhiều khu công nghiệp chưa có nhà ở cho công nhân.

Vấn đề đảm bảo an sinh xã hội cho công nhân là yếu tố quan trọng để mang lại hiệu quả sản xuất, đem đến sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Cùng với đó, môi trường kinh doanh khép kín sẽ đảm bảo duy trì cho việc sản xuất trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Hà Quang Hưng cho biết, tính đến năm 2020, cả nước đã dành khoảng 600 ha đất làm nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp. Theo báo cáo của các địa phương, đến nay cả nước có 214 dự án nhà ở dành cho công nhân với quy mô sử dụng đất khoảng 600 ha; trong đó, đã hoàn thành 116 dự án với diện tích đất hơn 250 ha và đang tiếp tục triển khai 98 dự án với diện tích đất hơn 350 ha. Như vậy, việc dành quỹ đất làm nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đã cơ bản đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, mới chỉ có khoảng 41% diện tích đất được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng.

 

Mặc dù có nhiều chủ trương, biện pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở dành cho công nhân, điển hình là việc Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở xã hội. Tuy nhiên các chính sách này chưa đủ mạnh, thiếu hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư, thực tế thực hiện còn nhiều vướng mắc, còn độ vênh giữa quy định và thực tiễn.

Một trong những vướng mắc hiện nay là Luật Nhà ở 2014 và Luật đất đai 2013 đang có những quy định khác nhau về quy hoạch quỹ đất xây dựng nhà ở công nhân.

Bên cạnh đó, quy định "lợi nhuận định mức của toàn bộ dự án nhà ở xã hội không vượt quá 10% tổng kinh phí đầu tư" khiến doanh nghiệp không mặn mà tham gia. Ngoài ra, nguồn vốn tín dụng ưu đãi dành cho lĩnh vực này cũng còn hạn chế dẫn đến nhiều dự án bị chậm tiến độ hoặc không thể triển khai.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm