Công đoàn Việt Nam sẽ xây dựng khoảng 340.000 căn hộ giá từ 150 triệu
Theo Tổng liên đoàn Lao động VN, ngay trong năm 2017 - 2018 sẽ có 10.000 căn, đến 2023 có khoảng 50.000 căn và năm 2030 là 340.000 căn.
Long An: Công ty Lộc Thành bị phạt 40 triệu đồng vì xây công trình không phép / Quảng Ninh: “Điểm danh” 4 doanh nghiệp vi phạm trong chỉ định thầu
Tổng liên đoàn Lao động VN cho biết Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” với mục tiêu cụ thể đến năm 2030 tổ chức công đoàn VN sẽ xây dựng khoảng 340.000 căn hộ giá từ 150 triệu đồng/căn.
Gần 1,4 triệu công nhân sẽ có nhà giá rẻ
Ông Trần Văn Khải, Trưởng ban Quản lý dự án thiết chế công đoàn thuộc Tổng liên đoàn Lao động VN, giải thích thêm các khu căn hộ này sẽ gắn với 340 siêu thị, 340 nhà đa năng, 340 nhà trẻ và các dịch vụ thiết yếu khác tạo chỗ ở có chất lượng cho gần 1,4 triệu công nhân, người lao động đang làm việc tại các KCN, KCX. Mỗi tổ hợp công trình xây dựng đồng bộ trên diện tích từ 3 - 5 ha, gồm nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, công trình văn hóa, thể thao, cây xanh... Một khu nhà sẽ có khoảng 1.000 căn hộ, diện tích từ 30 - 45 m2/căn, giá bán 150 triệu đồng/căn trở lên, đáp ứng chỗ ở có chất lượng cho khoảng 4.000 đoàn viên là công nhân, người lao động đang làm việc tại các KCN, KCX có khó khăn về nhà ở.
Người mua nhà có thể trả tiền toàn bộ hoặc trả góp tới 15 năm, theo chính sách hỗ trợ lãi suất tín dụng mua nhà ở xã hội nếu Chính phủ còn nguồn với lãi suất năm 2018 là 5%/năm hoặc các gói tín dụng thương mại mà các ngân hàng thương mại nhà nước hợp tác đồng hành cùng với Tổng liên đoàn Lao động VN với lãi suất hiện nay là 7,5%/năm.
Sở dĩ căn hộ có mức giá thấp như vậy, theo ông Khải bởi đây là chương trình hỗ trợ công nhân là đoàn viên công đoàn, chương trình phi lợi nhuận nên tối giản tất cả các chi phí. Ví dụ, tất cả các khu nhà đều có chung một mẫu thiết kế, doanh nghiệp xây dựng không phải đóng thuế về xây dựng, các địa phương cấp đất không thu tiền và đảm bảo đất sạch, san lấp mặt bằng, đủ hạ tầng về giao thông, thoát nước, điện, thông tin. Phía công đoàn hỗ trợ phần chi phí hạ tầng nên các công trình văn hóa thể thao, công viên, cây xanh... không tính vào giá thành căn hộ. Đồng thời, công đoàn kêu gọi sự trợ giúp của các nhà cung cấp vật liệu theo hướng là mua nhiều giảm giá nên giá thành sẽ là thấp nhất trong xây dựng. “Các địa phương có trách nhiệm bố trí quỹ đất sạch từ 3 - 5 ha, nguồn vốn để giải phóng mặt bằng và san nền, đồng thời đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào dự án", ông Khải nói.
Căn hộ cho công nhân với giá rẻ
Ảnh: Tân Định - Đồ họa: Hồng Sơn. |
|
Theo tiến độ dự kiến, quý 1/2019 các căn hộ trên sẽ mở bán và hết quý 4/2019 những căn nhà đầu tiên sẽ được bàn giao cho công nhân, người lao động. Tổng liên đoàn Lao động VN đã thương thảo, đàm phán và nhận được cam kết chính thức bằng văn bản của các ngân hàng cho công nhân vay tới 70% giá trị căn hộ, lãi suất cho vay năm đầu là 7,5%/năm, thời gian cho vay tối đa là 20 năm, tài sản bảo đảm là căn hộ hình thành từ nguồn vốn vay. Theo đó, nếu mua căn hộ có diện tích 30 m2 với giá 150 triệu đồng, công nhân vay 70% giá trị căn hộ để mua nhà với thời gian vay 20 năm, thì tháng đầu tiên, công nhân sẽ phải trả 1,028 triệu gồm cả tiền gốc và lãi. Tại năm cuối cùng của kỳ trả gốc và lãi, mỗi tháng công nhân chỉ phải trả 588.000 đồng/tháng.
Theo kế hoạch của Tổng liên đoàn Lao động VN, trong giai đoạn 2017 - 2018 sẽ đầu tư khoảng 10.000 căn hộ, đến năm 2023 sẽ xây dựng khoảng 50.000 căn và phấn đấu đến năm 2030, tổ chức công đoàn VN sẽ xây dựng khoảng 340.000 căn hộ, tạo chỗ ở có chất lượng cho khoảng 1,34 triệu công nhân, người lao động đang làm việc tại các KCN, KCX.
Chung tay giải bài toán vốn
Nhà ở xã hội cho công nhân được Becamex IDC xây dựng với giá rẻ, đầy đủ tiện ích.Ảnh: Tân Định |
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nhận xét bản chất của đề án này giống với chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhưng chỉ phục vụ riêng cho công nhân, không giải quyết cho các đối tượng khác. Để thực hiện đề án này, Chính phủ đã bố trí vốn riêng cho chương trình này khoảng 200 tỉ đồng và thí điểm làm ở Hà Nam, Tiền Giang và Đồng Nai. Tuy nhiên, với số vốn này thì rất khó thực hiện. Không chỉ đề án này, chương trình nhà ở xã hội cũng đang gặp khó khăn về nguồn vốn. Để giải quyết bài toán vốn, theo ông Châu về lâu dài, phải có vốn mồi từ ngân sách, vốn ODA và quan trọng là xã hội hóa từ các doanh nghiệp.
Tổng liên đoàn Lao động VN cho biết nguồn vốn đầu tư xây dựng khái toán 10.307 tỉ đồng. Để giải quyết bài toán về vốn, Tổng liên đoàn Lao động VN sẽ dành 3.570 tỉ đồng (chiếm tỷ lệ 30%) từ nguồn vốn của tổ chức công đoàn (từ việc giảm chi hành chính và hoạt động phong trào ở các cấp công đoàn) và huy động hơn 6.737 tỉ đồng (chiếm tỷ lệ 70%) từ vốn vay, vốn huy động khách hàng. Hiện đề án đã được một số ngân hàng thương mại đồng ý hỗ trợ với lãi suất 7,5% trong thời hạn 20 năm cho người mua. Ngoài ra, Tổng liên đoàn Lao động VN sẽ trích nguồn vốn tích lũy của tổ chức công đoàn và các nguồn vốn hợp pháp khác đầu tư từ 300 - 500 tỉ đồng để xây dựng các hạng mục công trình nhà ở, nhà trẻ, siêu thị và các công trình văn hóa, thể thao tại mỗi dự án. Đến nay đã có 22/50 tỉnh, thành đồng ý chủ trương đầu tư và giới thiệu địa điểm đất, đang tích cực chuẩn bị các thủ tục đầu tư, đảm bảo đủ điều kiện khởi công trong quý 2/2019 sẽ tổ chức xây dựng và hoàn thành đưa vào sử dụng trong quý 4/2020.
Theo Thanh niên
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ phát triển nông nghiệp bền vững
Đà Nẵng: Phẫu thuật laser bóc u tuyến tiền liệt nặng 120g cho cụ ông 95 tuổi
Đường hoa xuân Menas Mall 2025: Hành trình gắn kết, khơi nguồn thịnh vượng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với WEF về đổi mới sáng tạo
Bên lề WEF Davos 55: Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh
Cột tin quảng cáo