Đà Nẵng: Thu ngân sách địa phương có khả năng hụt thu 1.331 tỷ đồng
'Ngọn hải đăng' hay khách sạn trá hình ? / Phong tỏa toàn TP Đà Nẵng cao hơn Chỉ thị 16 từ 18h ngày 31/7
Các phương án tăng trưởng kinh tế TP Đà Nẵng năm 2021
Ngày 12/8, báo cáo tại kỳ họp thứ 2 HĐND TP Đà Nẵng khóa X về tình hình kinh tế - xã hội của TP, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Kỳ Minh cho hay, phương án tăng trưởng năm 2021 của TP Đà Nẵng được xây dựng dựa trên những dự báo chung về tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2021, kết quả thực hiện năm 2020, 6 tháng đầu năm 2021 của TP Đà Nẵng và khả năng không chế dịch bệnh của thế giới, Việt Nam và TP Đà Nẵng trong thời gian tới.
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Đà Nẵng dự báo trong những tháng cuối năm 2021, với ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì các hoạt động kinh tế trên địa bàn tiếp tục còn khó khăn.
Với phương án này, dự kiến tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Đà Nẵng 6 tháng cuối năm 2021 là -0,14%. Trong đó các khu vực dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, nông lâm nghiệp và thủy sản có tốc độ tăng trưởng lần lượt là -2,7%, +3,2% và +3,9%.
Theo đó, tốc độ tăng GRDP năm 2021 của Đà Nẵng sẽ đạt 2,33; quy mô GRDP tương đương gần 94% so với năm 2019 và gấp 1,023 lần năm 2020. Các khu vực dịch vụ, công nghiệp – xây dựng, nông lâm nghiệp và thủy sản có tốc độ tăng trưởng lần lượt là +1,5%, +3% và +1,8%.
Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, với phương án này thì thu nội địa cả năm 2021 ước đạt 18.104 tỷ đồng, đạt 101,2% dự toán HĐND TP giao; nếu không kể tiền sử dụng đất 3.304 tỷ thì ước thu nội địa là 15.100 tỷ đồng, đạt 101,4% dự toán được giao, bằng 96,8% so với cùng kỳ.
Với phương án ít thuận lợi, UBND TP Đà Nẵng đưa ra kịch bản dịch COVID-19 chưa được kiểm soát trong quý 3/2021 và các hoạt động kinh tế chưa được trở lại bình thường trong quý 4/2021, quá trình tiêm vaccine được triển khai nhưng vẫn còn chậm do thiếu nguồn cung cũng như năng lực của hệ thống y tế.
Với phương án này, tốc độ tăng GRDP 6 tháng cuối năm 2021 của TP Đà Nẵng dự kiến -2,2%; trong đó các khu vực dịch vụ, công nghiệp – xây dựng, nông lâm nghiệp và thủy sản có tốc độ tăng lần lượt là -5,14%, +3,2%, +3,7%. Theo đó, tốc độ tăng GRDP năm 2021 của Đà Nẵng sẽ ở mức 1 – 1,5%. Khi đó quy mô GRDP năm 2021 của TP tương ứng bằng 93,2% năm 2019 và gấp 1,012 lần năm 2020.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, với phương án này, thu nội địa cả năm 2021 của TP Đà Nẵng ước đạt 17.514 tỷ đồng, đạt 96,27% dự toán HĐND TP giao; nếu không kể tiền sử dụng đất thì ước thu nội địa là 14.210 tỷ đồng, đạt 95,4% dự toán giao, bằng 91% so với cùng kỳ, hụt thu so với dự toán là 683 tỷ đồng.
"Trong điều kiện hiện nay, phương án có thể xảy ra nhất đối với TP Đà Nẵng là tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 sẽ đạt mức 2,33%, phù hợp với tình hình thực tế, có tính khả thi cao và có tính phấn đấu!” – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh nói.
Thu ngân sách địa phương năm 2021 có khả năng hụt 1.331 tỷ đồng
Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Đà Nẵng trình tại kỳ họp cũng cho hay, theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê thì GRDP ước tính năm 2021 của TP Đà Nẵng chỉ tăng ở mức 2,33%. Tuy nhiên Ban Kinh tế - Ngân sách dự báo con số hụt thu ngân sách lớn hơn nhiều so với dự báo của UBND TP Đà Nẵng.
Theo Phó Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Đình Tuấn, trước diễn biến dịch bệnh đang hết sức phức tạp và ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến tình hình KT-XH, thực tế hiện nay TP Đà Nẵng đã và đang triển khai nhiều biện pháp thắt chặt hơn nhằm khống chế, ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 với phương châm đặt mục tiêu sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết, hy sinh lợi ích kinh tế ngắn hạn để chống dịch.
Qua thẩm tra, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Đà Nẵng dự báo trong những tháng cuối năm 2021, với ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì các hoạt động kinh tế tiếp tục còn khó khăn. Do vậy dự kiến thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 20.079 tỷ đồng, chỉ đạt 92,22% dự toán. Trong đó thu nội địa (không kể tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết) chỉ đạt 83,85% dự toán.
Ông Nguyễn Đình Tuấn lưu ý: “Thu ngân sách địa phương được hưởng có khả năng hụt 1.331 tỷ đồng. Đề nghị UBND TP có phương án xử lý cân đối ngân sách trong trường hợp hụt thu. Chủ động điều hành ngân sách nhà nước năm 2021 phù hợp với tình hình thực tế. Tổ chức chi ngân sách theo dự toán và khả năng thu ngân sách một cách chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả”.
Ban Kinh tế - Ngân sách TP Đà Nẵng cũng kiến nghị UBND TP rà soát, cắt giảm chi thường xuyên theo chỉ đạo của Quốc hội tại Nghị quyết 30/2021/QH15. Thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách tập trung cho công tác phòng, chống dịch.
Đồng thời tổng kết, đánh giá và xây dựng quy định phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách địa phương thời kỳ ổn định ngân sách 2022-2025; xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên, chi đầu tư; tỷ lệ phần trăm (%) phân chia giữa các cấp ngân sách thời kỳ ổn định ngân sách mới, trình HĐND TP Đà Nẵng tại kỳ họp cuối năm; nâng cao chất lượng xây dựng và thẩm định dự toán ngân sách.
End of content
Không có tin nào tiếp theo