Tin tức - Sự kiện

Đào tạo giáo viên theo đề xuất của địa phương

Tại phiên họp giải trình của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, ngày 24/9, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho từ năm 2018, việc quản lý và giao chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm dựa trên cơ sở nhu cầu thực tế các địa phương đề xuất.

Năm 2018 không xét công nhận tiêu chuẩn chức danh GS, PGS / Vẫn chưa phân rõ trách nhiệm để xảy ra thừa, thiếu giáo viên

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Tại phiên họp, các đại biểu đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ giải trình về những tồn tại trong việc tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên; nhất là tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ và hợp đồng giao viên tại các địa phương trong thời gian qua.

Tính đến thời điểm ngày 15/8/2018, số lượng đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông toàn quốc có 1.161.143 giáo viên mầm non, phổ thông (công lập 858.772, ngoài công lập 23.691). Trong đó, mầm non:309.770 (công lập 262.155, ngoài công lập 47.615); tiểu học: 395.848 (công lập 390.873, ngoài công lập 4.975); THCS: 305.815 (công lập 300.990, ngoài công lập 4825); THPT: 149.710 (công lập 135.819, ngoài công lập 13.891).

So với nhu cầu sử dụng theo định mức quy định, số giáo viên còn thiếu sau khi đã được giao thêm biên chế để tuyển dụng là: 75.989 người (mầm non: 43.732 người; tiểu học: 18.953 người; THCS:10.143 người; THPT:3161 người.

Riêng cấp THCS, hiện nay có tình trạng thừa, thiếu cục bộ giữa các môn học ở một số cơ sở giáo dục, giữa các địa phương trong một tỉnh mà không điều tiết được và giữa các tỉnh/thành phố,nên đến thời điểm hiện tại mặc dù toàn quốc thiếu 10.143 giáo viên THCS nhưng vẫn thừa 12.165 giáo viên THCS.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, nguyên nhân của tồn tại này là do: việc biến động về quy mô trường/lớp do dồn dịch, cơ cấu lại các trường hoặc do tăng dân số cơ học (tăng trưởng nóng) tại các khu vực trung tâm, thành phố lớn, khu công nghiệp dẫn tới việc thừa/thiếu cục bộ tại một số địa phương, khu vực. Đối với mầm non, việc huy động trẻ ra lớp tăng cao, tốc độ nhanh do nhu cầu, cũng như việc thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.

 

Tổng biên chế của các tỉnh có xu hướng giảm (do thực hiện tinh giản biên chế), do đó không còn biên chế để tuyển giáo viên cho các cấp học, đặc biệt là cấp học mầm non. Bên cạnh đó, công tác xây dựng quy hoạch, dự báo nhu cầu về đội ngũ của các địa phương chưa kịp thời hoặc không hiệu quả dẫn đến bị động trong bố trí số lượng giáo viên.

Để khắc phục kịp thời tình trạng thiếu giáo viên ở các địa phương trong năm học 2018-2019, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương rà soát hiện trạng giáo viên theo từng môn học, cấp học gắn với quy hoạch, cơ cấu lại hệ thống các cơ sở giáo dục để sắp xếp, bố trí, sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên hiện có và thực hiện chính sách tinh giản biên chế, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tuyển dụng, sử dụng giáo viên.

Đồng thời, chỉ đạo nghiên cứu, dự báo nhu cầu đào tạo giáo viên; giao chỉ tiêu tuyển sinh sát với nhu cầu sử dụng. Bắt đầu từ năm 2018, Bộ GD&ĐT quản lý và giao chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm trên cơ sở nhu cầu thực tế các địa phương đề xuất, khắc phục tình trạng đào tạo không gắn với nhu cầu sử dụng nhằm giảm tỉ lệ thất nghiệp của sinh viên sư phạm khi ra trường.

Bộ GD&ĐT cũng đã phối hợp với Bộ Nội vụ thống nhất chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành rà soát vấn đề biên chế, hợp đồng lao động đối với giáo viên trong các đơn vị sự nghiệp công lập ngành Giáo dục; rà soát, tổng hợp về dân số, số học sinh trên địa bàn từ năm 2015 đến năm 2018 nhằm làm rõ việc tăng, giảm về dân số và tăng, giảm học sinh tại các cấp học, bậc học, trong đó tập trung làm rõ việc tăng, giảm học sinh cơ học tại các cấp học, bậc học ở các địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị để thống nhất phương án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định giải quyết những khó khăn, bất cập của các địa phương nhằm bảo đảm không để xảy ra tình trạng có trường, lớp, học sinh mà không có giáo viên giảng dạy.

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình nêu rõ: Mặc dù hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tuyển dụng, sử dụng giáo viên khá nhiều, gần trên 20 văn bản dưới luật, nhưng vẫn còn nhiều điểm chồng chéo, chưa thống nhất với nhau. Trong thời gian tới, Ủy ban sẽ kiến nghị tăng cường giám sát tối cao để có đánh giá sâu hơn về lĩnh vực này.

 

Theo Báo Chính phủ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm