Tin tức - Sự kiện

Đề nghị cân nhắc mở rộng đối tượng kiểm toán

DNVN - Sáng 11/3, tại phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN). Nội dung đề nghị cân nhắc mở rộng đối tượng kiểm toán đã được nhiều thành viên UBTVQH quan tâm.

Việt Nam đặt mục tiêu trong 100 người thì có 3 người đầu tư chứng khoán / Tiền Giang: Có của ăn của để nhờ làm giống loài cá to như tai voi

Trình bày Tờ trình về dự án Luật Kiểm toán sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước, ông Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết: Chỉ sau 3 năm thực hiện, Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN) năm 2015 đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập. Quá trình tổng kết 3 năm thi hành Luật cho thấy, nhiều vấn đề mới phát sinh cần phải giải quyết, một số quy định bất hợp lý như phạm vi, đối tượng kiểm toán và đơn vị được kiểm toán chưa đồng bộ, thống nhất; hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, chưa đảm bảo sự tương thích giữa Luật KTNN với các luật khác có liên quan; tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong công tác kiểm toán và thanh tra, kiểm tra, làm ảnh hưởng tới hoạt động của cơ quan, tổ chức liên quan.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về dự án Luật Kiểm toán sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước. (Ảnh: TTXVN)

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về dự án Luật Kiểm toán sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước. (Ảnh: TTXVN)

Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng cần quy định làm rõ đơn vị được kiểm toán tại luật hiện hành. Cụ thể, ông Phớc kiến nghị bổ sung đơn vị được kiểm toán gồm: người nộp thuế; tổ chức sử dụng, khai thác đất đai, tài nguyên, khoáng sản và những tổ chức khác có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (UBTCNS) Nguyễn Đức Hải cho biết: Vấn đề gây nhiều băn khoăn nhất là đề xuất của cơ quan soạn thảo về đơn vị được kiểm toán.
Dự thảo về đơn vị được kiểm toán, KTNN đề xuất bổ sung đơn vị được kiểm toán vào khoản 13 Điều 55: “Người nộp thuế; tổ chức sử dụng, khai thác đất đai, tàỉ nguyên, khoáng sản; tổ chức khác có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Tổng KTNN quy định cụ thể mục tiêu, nội dung và phương pháp kiểm toán đối với các đối tượng quy định tại Khoản này”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải. (Ảnh: VPQH)

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải. (Ảnh: VPQH)

Theo Chủ nhiệm UBTCNS, nội dung đề xuất của KTNN về bản chất là mở rộng đơn vị được kiểm toán so với quy định của Luật hiện hành. Đa số ý kiến đề nghị giữ như quy định của Luật hiện hành vì theo quy định của Luật Quản lý thuế, khái niệm “người nộp thuế” bao gồm cả tổ chức, hộ gia đình và cá nhân.
Do đó, quy định như dự thảo Luật sẽ có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, không chỉ các tổ chức mà còn cả hộ gia đình và cá nhân có nghĩa vụ nộp thuế đều thuộc diện đơn vị được kiểm toán. Như vậy chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ với cơ quan quản lý thuế, không bảo đảm thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Đồng thời, người nộp thuế chỉ góp phần tạo lập, không tham gia vào quy trình quản lý, sử dụng tài chính công nên chỉ có vai trò phối hợp cung cấp thông tin trong quá trình kiểm toán.
Ông Hải nêu rõ: Một số nội dung thể hiện trong Tờ trình lý giải cho việc bổ sung đối tượng được kiểm toán chưa thực sự thuyết phục vì các khó khăn, vướng mắc này chủ yếu phát sinh từ thực tiễn hoạt động, do công tác tuyên truyền, phối hợp của các cơ quan liên quan, không xuất phát từ bất cập của Luật hiện hành, không đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung Luật.
Đề xuất của KTNN cũng nhận được nhiều ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: “Việc sửa đổi Luật KTNN tôi đồng tình nhất trí, nhưng những nội dung trong Luật KTNN khi đề cập kiểm toán người nộp thuế; tổ chức sử dụng, khai thác đất đai, tàỉ nguyên, khoáng sản; tổ chức khác có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công… thì cần cân nhắc để phù hợp với phạm vi hoạt động của kiểm toán”.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu, hiện nay hoạt động kiểm toán vẫn chưa bao quát được hết các địa phương trong cả nước, nay lại mở rộng đối tượng là người nộp thuế thì tính khả thi khó có thể đảm bảo được.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh: Theo quy định hiện nay, cơ quan kiểm toán có thể vào làm việc với các đối tượng người nộp thuế, cần phải bổ sung làm rõ các đối tượng này là cần thiết vì yêu cầu đặt ra là thu đúng, thu đủ, chống chuyển giá, trốn thuế, lậu thuế.
Trong quá trình cơ quan kiểm toán làm việc với cơ quan thuế, nếu thấy có dấu hiệu ở đối tượng nộp thuế cần phải làm rõ thì lúc đó mới phải kiểm toán, không phải là mở rộng tất cả các đối tượng bởi điều này ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thêm thủ tục hành chính.
Ông Vũ Hồng Thanh cho rằng, đối với những đối tượng có dấu hiệu thì nên cho phép kiểm toán vào để làm rõ hành vi này, không đại trà tất cả đối tượng là người nộp thuế. Kiểm toán không đủ sức kiểm toán đại trà khi có tới hàng trăm doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể.
Phát biểu giải trình, Tổng kiểm toán Hồ Đức Phớc cho biết, KTNN chỉ kiểm tra các cơ quan quản lý thuế nhưng muốn đối chiếu các nộp thuế để đánh giá cơ quan quản lý thuế có làm đúng trách nhiệm hay không chứ không phải kiểm toán người nộp thuế vì KTNN cũng không đủ sức để làm.
Phát biểu kết luận tại phiên họp cho ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định: Chúng ta thống nhất cần sửa đổi Luật KTNN, nhưng cũng cần rà soát lại, bám sát tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Về hồ sơ của luật, KTNN cần hoàn chỉnh, phải có ý kiến của Chính phủ. Đối tượng kiểm toán không mở rộng so với Điều 4 của Luật KTNN hiện hành, mà chỉ làm rõ những người có liên quan trong việc kiểm toán.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm