Tin tức - Sự kiện

Đề xuất ngân sách chi hơn 1.800 tỷ đồng để bỏ hai trạm thu phí BOT trên quốc lộ 91 B

DNVN - Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Thủ tướng đề xuất giải pháp xử lý bất cập các trạm thu phí thuộc dự án BOT cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 đoạn qua Cần Thơ theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành.

'Ngọn hải đăng' hay khách sạn trá hình ? / Ngừng đón khách tại Resort chắn biển Ana Mandara Nha Trang từ ngày 30/6

Trong đó Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có đề xuất với Chính phủ hai phương án để giải quyết vướng mắc thu phí tại hai trạm thu phí BOT trên tuyến quốc lộ 91 (đoạn qua Cần Thơ).

Theo đó, phương án một là bỏ trạm thu phí số hai (trạm T2) và tiếp tục thu phí tại trạm thu phí số một (trạm T1) trên quốc lộ 91. Theo phương án này, Nhà nước không phải bỏ tiền thanh toán cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc thu bằng một trạm thu phí còn lại (trạm T1) sẽ không khả thi về phương án tài chính cho nhà đầu tư theo hợp đồng, không thể đủ hoàn vốn, không xử lý dứt điểm tồn tại của dự án.

Phương án hai, Bộ GTVT đề xuất chấm dứt hợp đồng trước hạn, Nhà nước bố trí vốn ngân sách khoảng 1.879 tỷ đồng để thanh toán cho nhà đầu tư, xóa bỏ cả hai trạm thu phí trên tuyến quốc lộ 91. Phương án này giải quyết triệt để các tồn tại, vướng mắc của dự án, đáp ứng các quy định của hợp đồng và quy định liên quan tới hợp tác công - tư, khả thi để thực hiện. Tuy nhiên, Nhà nước phải bỏ tiền ngân sách để trả nhà đầu tư.

Qua phân tích, Bộ GTVT ưu tiên chọn phương án hai, đảm bảo khía cạnh pháp lý, lợi ích Nhà nước - nhà đầu tư - người dân, giải quyết các vướng mắc của dự án.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đề xuất người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp chặt chẽ để nghiên cứu cân đối nguồn vốn phù hợp, khả thi trong quá trình thực hiện theo quy định của pháp luật. Trình tự, thủ tục thanh toán vốn Nhà nước thực hiện theo các quy định pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP, pháp luật về đầu tư công và pháp luật khác có liên quan.

Trạm BOT T2 trên QL 91B

Trạm BOT T2 trên tuyến QL 91B.


Theo Bộ GTVT, Dự án BOT cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 đoạn km14 đến km50+889 trên địa phận TP Cần Thơ và An Giang được nhà đầu tư là liên danh Tổng công ty phát triển Khu công nghiệp và Công ty cổ phần đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO thực hiện.


Sau khi cải tạo, nâng cấp khoảng 30km từ nền đường rộng 6 - 7m lên 12m với tổng mức đầu tư khoảng 1.588 tỷ đồng. Đến tháng 4/2016, dự án hoàn thành và nhà đầu tư tổ chức thu phí tại trạm T1 (km16+905 quốc lộ 91) để hoàn vốn đầu tư, thời gian thu phí (15 năm, 9 tháng, 25 ngày).

Tuy nhiên, đến tháng 7/2017, người dân dừng xe phản đối tại trạm thu phí T1 và T2, gây mất an ninh, trật tự, ách tắc giao thông. Trước tình hình bất khả kháng, nhà đầu tư đã phải dừng thu phí tại trạm T2 từ ngày 25/5/2019.

 

Tổng cục Đường bộ đánh giá, từ khi dừng thu phí tại trạm T2, chỉ thu phí tại trạm T1, doanh thu dự án BOT quốc lộ 91 sụt giảm rất lớn, năm 2020 đạt 50% và năm 2021 còn 36% doanh thu so với phương án tài chính và tiếp tục giảm do các tuyến đường khác được đầu tư, khiến cho nhà đầu tư có nguy cơ phá sản. Hiện ngân hàng đã đưa khoản vay của dự án vào nhóm nợ có khả năng mất vốn, nợ xấu.

Do đó, theo Bộ GTVT, việc không được thu phí tại trạm thu phí T2 và ảnh hưởng đến việc thu phí tại trạm T1 hoàn vốn cho dự án được xem là trách nhiệm giải quyết của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và là tình huống bất khả kháng do các bên không thể lường trước và không thuộc về lỗi của nhà đầu tư…


Hòa Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm