Đồng Tháp bàn giải pháp phát huy giá trị của hội quán
Nghề làm tôm khô, lễ vía Bà Thủy Long ở Cà Mau là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia / Xuất hiện chiêu giả tổng đài BHXH TP Hồ Chí Minh để lừa đảo
Góp phần phát triển kinh tế
Ngày 19/11, trong khuôn khổ của ngày hội Hội quán Đất Sen hồng lần I năm 2023, tỉnh Đồng Tháp tổ chức tọa đàm “Hội quán đồng hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương” nhằm đánh giá, tôn vinh những đóng góp của các hội quán vào sự phát triển kinh tế, xã hội, qua đó khẳng định vị trí, vai trò và trách nhiệm của các hội quán trong quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa nhìn nhận vai trò của hội quán đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của tỉnh.
Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong những năm qua, nông nghiệp đã giữ vững vai trò nền tảng của nền kinh tế với mức tăng trưởng hơn 4,5 %/năm, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của tỉnh và duy trì tốc độ tăng trưởng khá ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và cả nước.
Để đạt được những thành quả trên, là nhờ sự nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân, trong đó, có vai trò của hội quán, đây được xem là một nỗ lực lớn trong thiết chế cộng đồng với mô hình tự nguyện, tự quản. Từ mô hình hội quán đầu tiên được thành lập vào năm 2016, đến nay Đồng Tháp đã có 145 hội quán với hơn 7.500 thành viên.
“Mô hình hội quán ở Đồng Tháp đã khẳng định được vai trò quan trọng trong tham gia thiết lập cộng đồng dân cư theo xu hướng tự lực, bền vững, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc lấy người dân làm gốc, phát huy tối đa vai trò chủ thể của người dân tham gia quản trị địa phương, tự bàn bạc, giải quyết câu chuyện của chính mình, của xóm làng mình thay vì thụ động trông chờ vào chính sách và sự can thiệp quản lý của Nhà nước.
Đặc biệt, trong bối cảnh vô vàn khó khăn do đại dịch COVID-19, hội quán đã phát huy tốt vai trò tập hợp thành viên, vận động đối mới tư duy làm kinh tế nông nghiệp, đến công tác khuyến học, đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ môi trường”, Chủ tịch Đồng Tháp nhấn mạnh.
Là người khởi xướng mô hình hội quán, người đứng đầu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, hội quán ra đời đã phát huy tối đa hiệu quả tập hợp bà con nông dân, ngồi lại với nhau để cùng thay đổi tư duy, thay đổi cách làm ăn từ sản xuất manh mún nhỏ lẻ sang hợp tác cùng nhau và liên kết với doanh nghiệp để hình thành vùng sản xuất quy mô lớn nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường và tăng giá trị trên đơn vị diện tích.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, hội quán góp phần phát triển mạnh mô hình kinh tế tuần hoàn, gắn kết với phong trào khởi nghiệp, tạo ra sản phẩm nông nghiệp đa giá trị.
Bên cạnh đó, hội quán góp phần phát triển mạnh mô hình kinh tế tuần hoàn, gắn kết với phong trào khởi nghiệp, tạo ra sản phẩm nông nghiệp đa giá trị, góp phần cải thiện đời sống nhân dân và thay đổi bộ mặt nông thôn.
“Hội quán đã thu hút được sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, các viện trường, các tổ chức quốc tế. Đây là tiền đề để hội quán và các thành viên bước ra không gian rộng lớn hơn, tự tin tiếp cận, trải nghiệm những điều mới mẻ. Hội quán không chỉ là nơi bàn bạc về phát triển kinh tế, mà hơn hết là xây dựng không gian cộng đồng cùng sống hạnh phúc, hài hòa từ ngôi nhà mỗi người dân đến làng xóm”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Cần phát huy đúng nghĩa
Trong buổi hội thảo về việc phát huy giá trị cộng đồng từ mô hình hội quán ở tỉnh Đồng Tháp vào chiều 18/11, ông Huỳnh Quang Huy - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát huy cộng đồng cùng tái tạo nguồn lợi thủy sản tại tỉnh nhà.
Theo ông Huy, thuỷ sản là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh Bình Thuận. Trong đó, khai thác hải sản đã gắn với đời sống sinh kế, văn hoá, xã hội của hàng chục ngàn lao động tại 35 xã, phường, thị trấn và 7 huyện, thị xã, thành phố ven biển. Toàn tỉnh có 7.726 tàu cá có chiều dài từ 6 mét trở lên, tàu cá hoạt động vùng ven bờ là 1.884 chiếc.
Thời gian qua, nghề khai thác hải sản của tỉnh đang gặp những thách thức lớn, bao gồm: nguồn lợi thuỷ sản suy giảm, sinh kế người dân thiếu ổn định, dẫn đến phát sinh nhiều vấn đề xã hội. Một trong những nguyên nhân chính đó là tình trạng đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) tại vùng biển ven bờ chưa được ngăn chặn triệt để.
Bình Thuận hiện đang duy trì hoạt động của 4 tổ chức cộng đồng tham gia đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, với 538 thành viên hộ gia đình. Trong đó, có 3 tổ chức cộng đồng tại huyện Hàm Thuận Nam được công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, với diện tích vùng biển áp dụng là 43,4 km2.
Tại mỗi tổ chức cộng đồng đều hình thành và xây dựng các đội tuần tra/giám sát, đội tuyên truyền. Đặc biệt, tại xã Tân Thuận, thuộc huyện Hàm Thuận Nam đã vận hành được mô hình "Đội giám sát cộng đồng IUU" do UBND xã phê duyệt thành lập, có nội quy tự quản, hoạt động bài bản, với sự tham gia rộng rãi của nhiều thành phần người dân tại địa phương.
Các chuyên gia "bàn" giá trị, giải pháp phát huy mô hình hội quán.
Có thể thấy, việc chống khai thác IUU ở vùng biển ven bờ sẽ mang hiệu quả cao ở những nơi có hoạt động của các "Tổ chức cộng đồng tham gia đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản". Bởi vì người dân ở nơi này được giao "Quyền quản lý và khai thác" tại vùng biển ven bờ của địa phương họ. Việc chống khai thác IUU sẽ gắn liền với việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, tức là gắn liền với thu nhập và sinh kế của ngư dân nên sẽ được họ hưởng ứng.
Ông Chang Dong Hee - Chủ tịch Quỹ toàn cầu Saemaul (SGF) nhận xét, tinh thần của mô hình hội quán tỉnh Đồng Tháp rất giống phong trào làng mới Saemaul Undong ở Hàn Quốc, đó là “cần cù, hợp tác và tự lực”.
“Đây là mô hình khá độc đáo, được lên kế hoạch và quản lý rất tốt, là công cụ để tạo cuộc cách mạng thay đổi nông thôn. Để hội quán có sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa, ông cho rằng cần có sự hỗ trợ đồng hành, định hướng của chính quyền địa phương. Đồng Tháp cần duy trì, phát huy tốt hơn nữa tinh thần hợp tác của bà con, không chỉ được tạo ra bằng cách đơn giản là tuyên truyền vận động mà còn thông qua tạo việc làm để bà con cùng làm với nhau, từ đó gắn kết, xây dựng tinh thần đoàn kết, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con”, Chủ tịch SGF đánh giá.
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Điều phối viên Quốc gia Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu (thuộc Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc UNDP/GEF SGP) thì cho rằng, 145 hội quán là một tài sản quý và cần được giữ gìn phát huy. “Đồng Tháp hãy sử dụng tài sản quý này để tiếp cận, thu hút thêm nhiều nguồn lực quốc tế về cho địa phương. Các hội quán hãy mở rộng cửa đón các bạn trẻ vào để có một thế hệ kế cận trong thời gian tới. Bởi tất cả các chương trình quốc tế đều hướng về nông dân, những người yếu thế”, bà Huyền góp ý.
Về định hướng để mô hình hội quán thực sự phát triển bền vững, theo đúng nghĩa là một tổ chức xã hội của người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa khẳng định, thời gian tới, cần thống nhất quan điểm, người dân tự thành lập các hội quán, chính quyền là “cầu nối” để các hội quán tiếp xúc với chuyên gia để được tư vấn về kỹ thuật, quản trị, phát triển cộng đồng hoặc liên kết với doanh nghiệp đề tiêu thụ sản xuất chứ không “nghĩ thay”, “làm thay” hay “chỉ đạo” hoạt động của các hội quán.
End of content
Không có tin nào tiếp theo