Tin tức - Sự kiện

Dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi): Quy định tổ chức tự vệ trong DN còn nhiều bất cập

DNVN - Đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định vấn đề tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp trong Dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) còn nhiều vấn đề vướng mắc, bất cập đặt ra cho việc tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài...

Hà Tĩnh: Phát hiện bom dưới đáy sông, quân đội cắm phao cảnh báo / Lạng Sơn: Ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển sản phẩm chủ lực địa phương

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, sáng 13/6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi). Tại buổi thảo luận, nhiều ĐBQH đề cập đến điều 17 của dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi).
Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) phát biểu: Điều 17 có quy định vấn đề tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp, tuy nhiên đang còn nhiều vấn đề đặt ra cho việc tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn, tính bắt buộc phải thành lập, đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy đảng ở những doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài chưa có hoặc không có tổ chức đảng thì việc đảm bảo này như thế nào, như cấp chỉ huy, ban chỉ huy được tổ chức ra sao, đảm bảo vừa có chỉ huy trưởng, chính trị viên, chính trị viên phó là bí thư hoặc phó bí thư cấp ủy.
Vì quy định chỉ huy trưởng, chỉ huy phó là chính trị viên trưởng, chính trị viên phó phải là bí thư cấp ủy. Trong các doanh nghiệp này chưa có thì xử lý thế nào. Những vấn đề trên chưa được xác định rõ tại các điều 18, 19 và 21. Do đó, ĐB đoàn Kon Tum đề nghị xem xét, quy định rõ hơn để đảm bảo tính khả thi của quy định này.
ĐB Bùi Quốc Phòng (đoàn Thái Bình) cho biết: Khoản 2 Điều 17 về tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp thay cho Khoản 2 Điều 19 của luật hiện hành đã được luật hóa quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 03/2016 của Chính phủ về điều kiện tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp.
Đại biểu Bùi Quốc Phòng, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu. (Ảnh: VPQH)

Đại biểu Bùi Quốc Phòng, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu. (Ảnh: VPQH)

"Qua nghiên cứu cho thấy, dự thảo luật đã xây dựng được nhiều nội dung sát với thực tế tình hình hiện nay, quy định như vậy là phù hợp. Tuy nhiên, quá trình thực hiện có thể sẽ nảy sinh một số khó khăn trong quá trình tổ chức. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần có quy định chi tiết việc thực hiện khi luật có hiệu lực", ông Bùi Quốc Phòng
Cùng chung quan điểm, ĐB Đào Tú Hoa (đoàn Hà Nội) phát biểu: Đối với quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Dân quân tự vệ năm 2009 đã quy định nội dung này tại Điều 19. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Quốc phòng, tổng kết thực hiện Luật Dân quân tự vệ năm 2009 thì trên thực tế, việc triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập. Hầu hết các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài không tổ chức được tự vệ do không bảo đảm nguyên tắc tổ chức hoạt động của dân quân tự vệ, nhất là về thực hiện cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý chỉ huy tự vệ trong doanh nghiệp.
Đối chiếu với Luật Dân quân tự vệ năm 2009, tại khoản 2 Điều 19 có quy định doanh nghiệp chưa tổ chức lực lượng tự vệ thì chủ doanh nghiệp hoặc người đại diện hợp pháp của chủ doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức cho người lao động của doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ ở địa phương, nơi doanh nghiệp hoạt động.
Nhưng theo báo cáo nêu trên của Bộ Quốc phòng, thực tế các doanh nghiệp và địa phương không thực hiện được quy định này do nội dung không phù hợp với tổ chức hoạt động và sản xuất công nghiệp có tính chuyên môn của các doanh nghiệp.
"Vì vậy, tôi đồng tình với Ban soạn thảo đã bỏ quy định này tại dự thảo luật. Đối với khoản 2 Điều 17 dự thảo luật quy định, về điều kiện doanh nghiệp tổ chức tự vệ, quy định các điều kiện thành lập tự vệ là rất cần thiết", bà Đào Tú Hoa chia sẻ.
Liên quan tới quy định doanh nghiệp phải đáp ứng 4 điều kiện để được thành lập tự vệ, Đại biểu Bùi Thanh Tùng (đoàn Hải Phòng) đồng ý với các quy định 1,3 và 4 và đề nghị cân nhắc điều kiện 2 đã hoạt động từ đủ 12 tháng trở lên, vì tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định phát triển sản xuất, kinh doanh và có khả năng về kinh phí thì nên quy định thời hạn là 24 tháng trở lên. Về đảm bảo công bằng cho việc tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp, dự thảo luật giao địa phương và cấp có thẩm quyền quyết định, khi doanh nghiệp có đủ điều kiện nên trên và khi có yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, khu vực phòng thủ của địa phương, kinh phí cho tự vệ do doanh nghiệp đảm bảo được trừ khi xác định chịu thuế của doanh nghiệp.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang) đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 17 dự án luật về tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp theo hướng quy định rõ nghĩa vụ bắt buộc của doanh nghiệp thành lập đơn vị tự vệ khi doanh nghiệp có đầy đủ các yếu tố được liệt kê chứ không phải quyền của doanh nghiệp được thành lập đơn vị tự vệ khi đáp ứng đủ điều kiện về việc tổ chức lực lượng tự vệ là nhu cầu, yêu cầu nhà nước chứ không phải nhu cầu tự thân của doanh nghiệp.
"Đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung các yếu tố được liệt kê theo tinh thần này và trình tự, thủ tục, hồ sơ thành lập và giải thể đơn vị tự vệ được quy định tại dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành dự án luật này cũng cần sửa đổi, bổ sung tương ứng", đại biểu nêu.
Ngoài ra, đại biểu đoàn Tiền Giang đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc yếu tố có số lượng người thực hiện hợp đồng lao động từ đủ 12 tháng trở lên để tổ chức ít nhất 01 tiểu đội tự vệ. Đại biểu băn khoăn rằng, 10 lao động ký hợp đồng lao động đủ 12 tháng trở lên có gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp không; có bảo đảm tính khả thi không nhất là khi dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã sửa đổi khái niệm "hợp đồng lao động" để bao phủ các dạng hợp đồng có bản chất là hợp đồng lao động nhưng sử dụng tên gọi khác như hợp đồng dịch vụ, hợp đồng cộng tác viên, hợp đồng tư vấn, hợp đồng đại lý...
Minh Thu (Tổng hợp)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm