Gần 21.890 tỷ đồng hỗ trợ đối tượng khó khăn do đại dịch COVID-19
Thủ tướng: Các địa phương không được ra quy định trái với Trung ương / Miền Trung mưa to và lốc xoáy, 3 người mất tích
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội của 63 tỉnh, thành phố, đến thời điểm này, tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ là gần 21.890 tỷ đồng, hỗ trợ cho 24,26 triệu lượt đối tượng. Một số địa phương có tổng kinh phí hỗ trợ cao là Bình Dương, Hà Nội, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu.
Đối với việc triển khai Nghị quyết 116 và Quyết định số 28 về việc hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy đã giải quyết hưởng hỗ trợ cho 428.894 lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 111.212 người đã dừng tham gia với tổng số tiền hỗ trợ là 1.251 tỷ đồng. Tổng số tiền đã chi trả là 999,5 tỷ đồng cho 425.117 người lao động.
Về tình hình hỗ trợ gạo cho người dân, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 5 Quyết định xuất cấp tổng cộng 137.090 tấn gạo hỗ trợ cho trên 2,41 triệu hộ với gần 9,14 triệu nhân khẩu ở 31 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bị thiếu đói do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Theo báo cáo của các địa phương, có 2.184 trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã phối hợp với 27 tỉnh, thành phố hỗ trợ 7,83 tỷ đồng cho 1.541 trẻ em mồ côi mất cha, mẹ do COVID-19 với mức 5 triệu đồng/trẻ em và 124 trẻ em sơ sinh là con của sản phụ bị nhiễm COVID-19 với mức 1 triệu đồng/trẻ em.
"Từ Nghị quyết 42 tới Nghị quyết 68, Nghị quyết 116, các chính sách đều thể hiện tinh thần nhân văn, thể hiện sự chung sức chung lòng để chăm lo cho người lao động, chia sẻ với người lao động để vượt qua đại dịch", Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Kết quả được ghi nhận dù khá tích cực và kịp thời. Tuy nhiên trong quá trình triển khai nghị quyết và quyết định, có một số quy định chưa thực sự phù hợp với thực tiễn. Bởi vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 126 về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68. Đồng thời, Bộ đang dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 23.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong thời gian tới, Bộ sẽ khẩn trương quán triệt Nghị quyết số 126 để ngay khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định sửa đổi Quyết định số 23 sẽ triển khai thực hiện ngay các chính sách, đề cao tính chủ động, linh hoạt của từng địa phương.
Ngoài các chính sách hỗ trợ của Trung ương, các địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ đặc thù, phù hợp với điều kiện của địa phương, để có thêm nguồn hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn và công nhân lao động nhằm đảm bảo cho người dân duy trì cuộc sống. Đề cao công tác giám sát, đánh giá việc rà soát, lập danh sách, phê duyệt và chi trả hỗ trợ, đảm bảo việc thực thi chính sách công khai, dân chủ, minh bạch, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động, không để xảy ra trường hợp trục lợi chính sách.
Cùng với việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã và đang nỗ lực thực hiện các giải pháp khôi phục và phát triển thị trường lao động.
Dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến thị trường lao động. Cụ thể, lực lượng lao động Quý 3 là 49,1 triệu người, giảm 2 triệu người so với quý trước và giảm 2,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông thôn giảm 1,4 triệu người và ở khu vực thành thị giảm 583.000 người; giảm nhiều nhất ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, tiếp đến là vùng Đông Nam Bộ và sau là Bắc Trung Bộ. Trong Quý 3, tỷ lệ thiếu việc làm là 4,46% (với hơn 1,8 triệu người), tăng 1,86% so với quý trước. Tiền lương và thu nhập giảm, đời sống công nhân lao động gặp nhiều khó khăn. Thu nhập bình quân tháng của người lao động chỉ còn 5,2 triệu đồng/người/tháng trong Quý 3, giảm 877.000đồng so với quý trước và giảm 606.000đồng so với cùng kỳ năm trước.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, vấn đề cần tập trung giải quyết lúc này là thiếu hụt nguồn nhân lực, nhất là ở khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ.
Bộ Trưởng nhấn mạnh, nếu để đứt gãy thị trường lao động thì rất tốn kém, hệ quả phải khắc phục nặng hơn rất nhiều lần. Nhưng thực tế vừa qua, hầu hết các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn duy trì trả lương để giữ chân công nhân.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, Chính phủ đang xây dựng chương trình phục hồi nền kinh tế. Với đề án xây dựng kế hoạch phục hồi thị trường lao động của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có khớp nối với chương trình chung của Chính phủ. Trong đó, kế hoạch của ngành lao động hướng mạnh vào 3 việc: giữ chân người lao động; thu hút người lao động đã về quê quay trở lại; đào tạo, phát triển thêm lực lượng lao động bổ sung cho những lĩnh vực, ngành nghề, khu vực có nhu cầu rất cao cho khôi phục phát triển kinh tế./.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ phát triển nông nghiệp bền vững
Đà Nẵng: Phẫu thuật laser bóc u tuyến tiền liệt nặng 120g cho cụ ông 95 tuổi
Đường hoa xuân Menas Mall 2025: Hành trình gắn kết, khơi nguồn thịnh vượng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với WEF về đổi mới sáng tạo
Bên lề WEF Davos 55: Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh