Thủ tướng: Các địa phương không được ra quy định trái với Trung ương
Cần Thơ: Dự kiến nhiều dịch vụ sẽ được hoạt động trở lại / Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Đôn đốc việc hỗ trợ, đánh giá thực chất tình hình lao động
Sáng 17/10, chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc với các địa phương về những kết quả bước đầu của công tác phòng chống COVID-19 trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận xét, khi thực hiện quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, một số địa phương vẫn chưa làm đúng quy định chung, thực hiện khác nhau, tạo ách tắc, vướng mắc không cần thiết, gây phiền hà cho người dân.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần chung là các địa phương áp dụng linh hoạt, sáng tạo nhưng không được quy định trái với quy định của Trung ương; nếu thực hiện các biện pháp cao hơn, sớm hơn quy định chung thì phải báo cáo cấp trên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc với các địa phương. (Ảnh: VGP)
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, đợt dịch với biến chủng Delta này lây lan nhanh, mạnh, diễn biến hết sức phức tạp, kéo dài ở nhiều địa phương; các ca nhiễm tăng nhanh trong thời gian ngắn gây quá tải hệ thống y tế và làm tăng các ca tử vong, nhất là tại TP.HCM và một số tỉnh thành phía Nam. Các biện pháp phòng chống dịch cơ bản là đúng hướng, kịp thời nên từng bước khống chế được dịch bệnh ở tâm dịch là TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, không để dịch bệnh lan rộng ra toàn quốc.
Mặc dù kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, đợt dịch lần thứ 4 tác động hết sức nghiêm trọng đến sinh mạng, sức khỏe, đời sống người dân.
Trong quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện, Ban Chỉ đạo Quốc gia và các địa phương kế thừa những nguyên tắc, biện pháp được áp dụng trong các đợt dịch trước; đúc kết bài học kinh nghiệm từ thực tiễn, bổ sung và hình thành công thức trong phòng, chống dịch: 5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của Nhân dân với các trụ cột: Xét nghiệm, cách ly, điều trị; kết hợp hài hòa giữa phòng ngự và tấn công.
Nhiều biện pháp chuyên môn chưa có tiền lệ lần đầu tiên được áp dụng trên thực tiễn để ứng phó với diễn biến mới của dịch bệnh, nhất là đối với sự lây lan nhanh của biến chủng Delta, như trạm y tế lưu động, xét nghiệm nhanh hơn tốc độ lây lan của virus, cách ly F0 tại nhà.
Việc kết hợp đồng bộ, hiệu quả các biện pháp trong điều trị người bệnh góp phần giảm tử vong, tránh được cuộc khủng hoảng y tế xã hội như đã diễn ra ở một số quốc gia khác trên thế giới.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết thêm, đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận 92,5 triệu liều vaccine và tiêm được hơn 61 triệu liều. Đến ngày 16/10, 60,2% dân số trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều và 24,7% tiêm đủ 2 liều.
Mặc dù xuất phát chậm song tỷ lệ tiêm ít nhất một mũi của Việt Nam gia tăng nhanh chóng, nhanh hơn một số nước trong khu vực và mức trung bình của thế giới do tổ chức hiệu quả chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng tại Việt Nam.
End of content
Không có tin nào tiếp theo