Tin tức - Sự kiện

Giải ngân đầu tư công - Bài 2: Lấy thách thức làm động lực

Năm 2023 sắp qua đi, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nêu cao tinh thần vượt khó, lấy khó khăn, thách thức là động lực để phấn đấu vươn lên, quyết tâm giải ngân ít nhất 95% kế hoạch được giao về giải ngân vốn đầu tư công, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2023.

Sử dụng rượu bia, dắt xe máy qua chốt kiểm tra nồng độ cồn bị phạt không? / Tầm soát hiện đại và điều trị toàn diện ung thư vú cho người trẻ

Đến nay, nhiều địa phương đã vượt kế hoạch để trở thành điểm sáng của cả nước và một số địa phương chưa đạt tiến độ giải ngân vốn đầu tư công như kỳ vọng đang tăng tốc khắc phục khó khăn để hoàn thành.

Chú thích ảnh
Đường ĐT857 đi qua 3 huyện Thanh Bình, Cao Lãnh và Tháp Mười,tỉnh Đồng Tháp đang được đầu tư xây dựng. Ảnh: Nhựt An/TTXVN

Động lực từ những công trình

Đến thời điểm này, tỉnh Tiền Giang là địa phương nằm trong Top đầu giải ngân vốn đầu tư công của cả nước. Thành quả này là sự nối tiếp trong nhiều năm cho thấy sự quyết tâm của tỉnh trong việc phát huy vốn đầu tư công để tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với các dự án quan trọng Trung ương triển khai trên địa bàn, việc tỉnh Tiền Giang đầu tư các công trình, dự án trọng điểm mang tính động lực có ý nghĩa như chiếc đòn bẩy để cụ thể hóa mục tiêu này.

Với tổng nguồn vốn đầu tư công hơn 6.111 tỷ đồng, năm 2023 Tiền Giang có nguồn vốn đầu tư công cao nhất. Thực hiện các khâu đột phá của nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh đã tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, thông qua triển khai nhiều dự án mang tính động lực.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Tiền Giang, một trong những dự án giao thông trọng điểm của tỉnh là dự án Đường tỉnh 864 với tổng mức đầu tư hơn 3.262 tỷ đồng. Từ việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đến nay, dự án đã triển khai xây dựng các gói thầu gồm: thi công cầu Vàm Giồng, cầu Chợ Gạo, đoạn tuyến từ cầu Chợ Gạo đến Đường tỉnh 877B, đoạn tuyến từ Quốc lộ 50 đến cầu Chợ Gạo. Xác định tầm quan trọng của dự án, chủ đầu tư đã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án.

Tại tỉnh Đồng Tháp, tính đến cuối tháng 11/2023, tỉnh giải ngân vốn đầu tư công trên 5.000 tỷ đồng, đạt trên 77%. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương làm việc với nhà thầu, rà soát, đánh giá từng công trình, đẩy nhanh giải ngân gần 23% vốn đầu tư công còn lại của năm để đạt 100%.

 

Hiện tại, hoạt động thi công công trình kè bờ chống sạt lở, xử lý cấp bách sạt lở bờ sông tại tỉnh Đồng Tháp có tiến độ nhanh. Trong tổng số gần 547 tỷ đồng vốn đầu tư công kế hoạch vốn năm 2023 bố trí cho 5 dự án, Đồng Tháp giải ngân được gần 482 tỷ đồng, đạt 88,16% kế hoạch. Không vướng mặt bằng, thời tiết thuận lợi, các nhà thầu đang dồn lực thi công để sớm cán đích.

Theo đó, dự án xử lý cấp bách sạt lở sông Tiền khu vực xã Tân Mỹ, Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò có tổng mức đầu tư trên 399 tỷ đồng là công trình cán đích giải ngân sớm nhất. Năm 2023, dự án được bố trí kế hoạch vốn trên 289 tỷ đồng và đến thời điểm này, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp đã giải ngân 100% kế hoạch vốn. Cả hai gói thầu xây lắp của dự án đã thực hiện được 98% giá trị hợp đồng.

Tại tỉnh Long An, các dự án thuộc Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được tập trung triển khai thực hiện. Đại diện đơn vị thi công dự án Kè chống sạt lở xâm nhập mặn sông Vàm Cỏ Đông (huyện Bến Lức) cho biết, đơn vị tập trung nguồn nhân lực, máy móc để bảo đảm tiến độ dự án. Hiện tại, đơn vị thi công đóng cọc, cọc khoan nhồi với khoảng 50 nhân công làm việc. Năm 2023, dự án được bố trí vốn 200 tỷ đồng, đơn vị phối hợp chặt chẽ chủ đầu tư, địa phương trong quá trình thực hiện cũng như giải ngân vốn đầu tư theo kế hoạch và bảo đảm hoàn thành giải ngân 100% nguồn vốn trong năm.

Gỡ khó cho từng dự án

Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Tiền Giang Trần Minh Trung, khối lượng các công trình trung hạn còn lại nhiều. Để hoàn thành việc này, đơn vị sẽ tiếp tục bố trí, sắp xếp lại cán bộ cho phù hợp. Tại công trường, chủ đầu tư sẽ tăng giám sát, tháo gỡ kịp thời khó khăn của nhà thầu; nhà thầu cũng khắc phục những khó khăn về thời tiết, nguyên vật liệu, tăng cường nhân lực, vật lực để đẩy nhanh thi công nhằm đảm bảo tiến độ công trình.

 

Sở Xây dựng Đồng Tháp cho biết, do vướng mặt bằng, ảnh hưởng lũ nên có 8 công trình phải tạm ngừng thi công. Trước tình hình này, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu các đơn vị rà soát, có kế hoạch hỗ trợ để công trình thi công trở lại. Các chủ đầu tư khẩn trương làm việc với nhà thầu, rà soát, đánh giá từng công trình để có lộ trình thực hiện đến cuối tháng 12/2023, hướng tới mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công. Đồng thời, Sở Kế hoạch và Đầu tư theo dõi sát tình hình giải ngân vốn, điều hòa vốn theo Nghị quyết của HĐND tỉnh về việc điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, phối hợp tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư và nhà thầu thi công…

Tính đến cuối tháng 10/2023, các dự án thuộc Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Long An đã giải ngân số tiền trên 370 tỷ đồng, đạt 68,44% kế hoạch. Mặc dù chủ đầu tư nỗ lực triển khai, thực hiện nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn còn thấp (hai dự án thuộc lĩnh vực y tế). Nguyên nhân do hai dự án này cuối tháng 7/2023, Trung ương mới giao vốn và đầu tháng 8/2023, UBND tỉnh giao vốn cho các chủ đầu tư.

Để bảo đảm việc triển khai, thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật và giải ngân hết số vốn được Trung ương giao, UBND tỉnh Long An giao Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng hai tổ công tác đôn đốc giải ngân, theo dõi tiến độ thực hiện và giải quyết các khó khăn, vướng mắc ngay cho chủ đầu tư trong quá trình thực hiện.

Còn tại thành phố Cần Thơ, giá nguyên vật liệu tăng cao cùng với phát sinh tăng chi phí giải phóng mặt bằng dẫn đến vượt tổng mức đầu tư dự án được duyệt, trong điều kiện nguồn vốn thuộc kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của thành phố chưa kịp thời đáp ứng nhu cầu. Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu cho biết đã yêu cầu Ban cán sự Ðảng UBND thành phố có các giải pháp tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư lớn, được bố trí nhiều vốn nỗ lực giải ngân. Bên cạnh đó, lãnh đạo Ban cán sự Ðảng, UBND thành phố cùng các sở, ngành, các chủ đầu tư, địa phương tăng cường kiểm tra thực tế để qua đó, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc pháp lý cho từng dự án.

Bài cuối: Linh hoạt cơ chế vốn đầu tư công

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm