Giải ngân vốn đầu tư công mới đạt hơn 52% kế hoạch
Siêu lợi nhuận từ đa dạng hóa sản phẩm từ sen / Vốn FDI là cơ hội nhưng không phải động lực chính cho kỷ nguyên vươn mình
Theo Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2024 từ đầu năm đến ngày 31/10/2024 là 355.616,1 tỷ đồng, đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tỷ lệ này dù có tăng nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (đạt 52,03% kế hoạch và đạt 56,74% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Trong đó, chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân đạt 16.127,2 tỷ đồng, đạt 59,25% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ước giải ngân 10 tháng vốn ngân sách trung ương là 54,9%, cao hơn cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, vốn ngân sách địa phương giải ngân còn thấp, đạt 50,8%.
Bộ Tài chính cho biết, trong 10 tháng qua, có 15/44 bộ, cơ quan trung ương và 41/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt. Tuy nhiên, có 29/44 bộ, cơ quan trung ương và 22/63 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước.
Việc một số địa phương kế hoạch lớn nhưng tỷ lệ giải ngân không cao nên ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước. Điển hình như TPHồ Chí Minh được giao 79.263,78 tỷ đồng, chiếm 11,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao cả nước nhưng chỉ mới giải ngân 19,63%; TP. Hà Nội được giao 81.033 tỷ đồng, chiếm 12,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao nhưng chỉ giải ngân 44,62%.
Bộ Tài chính cũng cho biết, lũy kế giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đến hết tháng 9/2024 đạt 41,2% tổng kế hoạch vốn giao trong năm 2024. Trong số đó, vốn đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia từ nguồn ngân sách trung ương đạt 48,6% (khoảng 13,242 tỷ đồng). Bộ Tài chính nhận định, bên cạnh những nội dung thành phần, dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia đạt cao, vẫn còn một số nội dung thành phần, dự án có tỷ lệ giải ngân đạt thấp.
Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm đã được Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong các báo cáo định kỳ hàng tháng, tập trung vào các vướng mắc ảnh hưởng đến quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, lập, phân bổ kế hoạch; tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó, nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vẫn chưa được giải quyết dứt điểm như: vướng mắc về cơ chế chính sách (thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất trồng lúa; thiếu các định mức chi phí đối với các dự án không có cấu phần xây dựng; vướng mắc trong các quy định về quản lý đầu tư công, cơ chế đấu thầu...); vướng mắc về giải phóng mặt bằng, quy hoạch sử dụng đất và nguồn cung ứng nguyên vật liệu; vướng mắc ở các khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư, quy trình giải ngân của các dự án ODA...
Ngoài ra, một số địa phương (Quảng Nam, Bình Phước, Hưng Yên, Tây Ninh) gặp khó khăn khi nguồn thu tiền sử dụng đất đạt tỷ lệ thấp so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Nguyên nhân là do đấu giá quyền sử dụng đất các dự án khối tỉnh chưa kịp thời huy động vào ngân sách nhà nước; ngân sách cấp huyện, ngân sách cấp xã đã giao chi tiết kế hoạch vốn, nhưng chưa có nguồn thu thực tế. Do vậy, tại các địa phương này chưa có nguồn để bố trí và giải ngân cho các dự án đầu tư.
Do đó, để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân, Bộ Tài chính đang đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ quy định tại Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 8/8/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC những tháng cuối năm 2024, Công điện số 104/CĐ-TTg ngày 8/10/2024 về đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024, Quyết định số 1006/QĐ-TTg ngày 19/9/2024 về thành lập các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công hàng năm tại các bộ, ngành, địa phương.
Đặc biệt đối với các dự án có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, trải dài trên nhiều địa phương, thời gian thi công gấp rút, điều kiện địa hình, thời tiết khó khăn, thiếu thốn nguyên vật liệu... Bộ Tài chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát, phân công rõ trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành đảm bảo khoa học, hiệu quả công việc...
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương cần chủ động, kịp thời điều chuyển vốn giữa các dự án không có khả năng giải ngân hoặc chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, có nhu cầu bổ sung vốn, đảm bảo thời gian điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các dự án trong nội bộ trước ngày 15/11/2024.
Đối với những vướng mắc kéo dài liên quan đến nguồn nguyên vật liệu cho các dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông vận tải và các địa phương chủ quản quyết liệt chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu chủ động trong việc tìm kiếm nguồn vật liệu cát để bù đắp phần công còn thiếu hụt; phối hợp chặt chẽ với các địa phương có mỏ vật liệu để khẩn trương hoàn thiện thủ tục cấp phép mỏ, đảm bảo đủ khối lượng, công suất, đáp ứng tiến độ các dự án.
Bộ Tài chính đề nghị các địa phương thực hiện bố trí vốn đối ứng ngân sách địa phương, rà soát và phân bổ vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia theo đúng tỷ lệ vốn đối ứng ngân sách địa phương và mục tiêu, đối tượng, địa bàn, nội dung hỗ trợ, đảm bảo thực hiện theo đúng quy định tại các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/01/2024 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kết tinh cảm xúc đêm chung kết cuộc thi ‘Thước phim Đà Lạt’
Dalat Spring Concert mang huyền thoại âm nhạc thế giới biểu diễn thường niên tại Đà Lạt
Đà Nẵng khai mạc lễ hội đón giáng sinh, chào năm mới
Hàng trăm cây dừa được trồng, bãi biển Đà Nẵng thêm sức sống
Kiên Giang vận hành hệ thống camera giám sát giao thông