Tin tức - Sự kiện

Giải pháp nào để tiếp tục đảm bảo ổn định các cân đối vĩ mô?

7-7,5% là dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay của các tổ chức quốc tế. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất được IMF nâng dự báo tăng trưởng GDP trong năm nay.

Hậu Giang: Vẫn chưa tìm được nhà thầu cung ứng thuốc cho các cơ sở y tế / Những tỉnh thành nào có nhiều nhà ở xã hội nhất trong thời gian tới?

Câu nói "Dĩ bất biến, ứng vạn biến" lại lần nữa được nhắc tới tại Hội nghị diễn ra chiều 12/9 về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì. Đây cũng là cuộc làm việc thứ hai trong vòng hơn 1 tháng của người đứng đầu Chính phủ, trong bối cảnh toàn cầu đang không ngừng có những diễn biến khó dự báo.

Giải pháp nào để tiếp tục đảm bảo ổn định các cân đối vĩ mô? - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế - Ảnh: VGP.

Kể từ hội nghị của Thủ tướng Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô vào tháng 7 đến nay, tức là chỉ trong hơn 1 tháng, tình hình thế giới đã xuất hiện nhiều yếu tố mới. Có thể kể đến như:

- Nguy cơ suy thoái của 1 số nền kinh tế lớn trở nên rõ ràng hơn, thất nghiệp tại Mỹ đã tăng so với đầu năm.

- Nguồn cung khí đốt trở thành thách thức chưa từng có tại EU.

- Còn với giá dầu, dù có xu hướng yếu đi, nhưng vẫn rất khó dự đoán.

- Hạn hán kéo dài diện rộng tại Trung Quốc

 

- Căng thẳng địa chính trị tại 1 số khu vực

Theo nhận định chung của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những thay đổi như thế này đã chuyển nhiều vấn đề ngắn hạn trở thành vấn đề trong trung và dài hạn tại nhiều nền kinh tế thế giới, là thách thức lớn nhất trong điều hành chính sách vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo các cân đối lớn của Việt Nam thời điểm này.

Diễn biến quốc tế - Thách thức lớn nhất trong cân đối kinh tế vĩ mô

Một trong những thách thức lớn nhất vẫn là vừa đảm bảo nguồn cung vốn cho nền kinh tế nhưng vẫn kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá.

Giải pháp nào để tiếp tục đảm bảo ổn định các cân đối vĩ mô? - Ảnh 2.

Ông Trần Hoàng Ngân, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, cho biết: "Chúng ta tăng thu ngân sách rất cao, 8 tháng thu tới trên 1,2 triệu tỷ đồng trong khi kế hoạch thu năm nay là 1,4 triệu tỷ đồng. Như vậy, chúng ta đạt được mục tiêu. Thu ngân sách năm nay rất lớn, từ đó chúng ta có dư địa tiếp tục hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ nhân dân".

 

Phối hợp chính sách tài khoá và tiền tệ thời gian sẽ càng khó khăn hơn bao giờ hết khi bối cảnh kinh tế tiếp tục khó dự báo, thậm chí là không thể dự báo.

Ông Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia kinh tế - tài chính, nói: "Ba tháng qua Mỹ không bán được trái phiếu, cho thấy lạm phát còn kéo dài, tăng lãi suất còn kéo dài".

Bài toán kìm hãm lạm phát để đảm bảo tăng trưởng, hay kìm hãm tăng trưởng để kiểm soát lạm phát cũng được đặt ra. Giải được bài toán này, tức là tiếp tục đảm bảo được sự tự cường của nền kinh tế.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam (ADB), nhận định: "Việt Nam đã có sự tự cường rất cao, đảm bảo được cân đối cho nền kinh tế. Nhu cầu thị trường trong nước cũng đang được tăng lên. Tiếp tục duy trì được sự thành công này sẽ mở ra triển vọng hứa hẹn với môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam".

Ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân, nói: "Có lẽ năm nay Việt Nam sẽ thể hiện rõ mình đang đi ngược với vòng xoáy của kinh tế thế giới. Điều này không phải ngẫu nhiên mà đây là một kết quả tất nhiên của việc chúng ta điều hành kinh tế, kiên định trong ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện nhiều biện pháp điều hành linh hoạt, gần như "nghệ thuật" điều hành".

 

Cùng với đó, sự cân đối của thị trường vốn, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới, với sự ra đời của Nghị quyết 153.

Hướng về giai đoạn tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chính sách tiền tệ cần tiếp tục thận trọng, linh hoạt, hiệu quả. Đặc biệt, dòng vốn tín dụng cần đảm bảo đúng và trúng vào 3 động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, gồm tiêu dùng, đầu tư, và xuất khẩu.

Còn chính sách tài khoá cần mở rộng hợp lý, có trọng tâm trọng điểm, đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng với chính sách tiền tệ. Hiệu quả, nhất quán để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn và an sinh xã hội, không khuất phục trước khó khăn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nói: "Một là đi tìm sự ổn định trong sự bất định; đi tìm sự chủ động trong thế bị động; đi tìm ổn định và nhất quán trong chuyển đổi và xáo trộn; thiết lập công cụ quản lý rủi ro trong suy thoái và khủng hoảng là thuộc tính không thể thiếu trong trong kinh tế thị trường; thiết lập phòng tuyến hợp tác và cạnh tranh kinh tế quốc tế trong hội nhập".

Các chuyên gia kiến nghị giải pháp

 

Giải pháp nào để tiếp tục đảm bảo ổn định các cân đối vĩ mô? - Ảnh 3.

Đánh giá cao những kết quả điều hành vĩ mô của Việt Nam thời gian qua cũng như thấu hiểu được cái khó trong công tác điều hành thời gian tới, các tổ chức quốc tế, đặc biệt là các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam có mặt tại hội nghị hôm nay, có thể kể đến như Mỹ, EU, Nhật Bản hay Hàn Quốc đều bày tỏ cam kết mạnh mẽ trong tiếp tục đồng hành và đầu tư tại Việt Nam.

Cùng với đó, các chuyên gia cả trong và ngoài nước thẳng thắn đưa ra những kiến nghị giải pháp:

Ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh: Linh hoạt tín dụng vào sản xuất kinh doanh, 2 là bất động sản nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, bất động sản khu công nghiệp.

Ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Văn phòng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam: Chính sách tiền tệ cần tiếp tục tập trung vào lạm phát và chưa nên nới lỏng. Đảm bảo sự thống nhất giữa các công cụ lãi suất, trần tăng trưởng tín dụng và ngoại hối.

Ông Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia: Có nhiều ý kiến cho rằng năm 2023 thế giới là "mùa Đông kinh tế 2023", những cái chúng ta tạo được trong tăng trưởng từ xuất khẩu, thu ngân sách… tất cả cái đó năm 2023 sẽ còn cỡ nào để phát triển. Tôi cho rằng, bây giờ đã đến lúc chúng ta chuẩn bị kịch bản cho năm 2023 trên tất cả các lĩnh vực.

 

Cũng tại hội nghị ngày 12/9, Thủ tướng chỉ rõ, cần tiếp tục tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát thị trường, giá cả; phát triển thị trường nội địa; đa dạng hóa các thị trường quốc tế; thúc đẩy thương mại, xuất khẩu; hoàn thiện thể chế, khơi thông, huy động hiệu quả các nguồn lực; cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, cải cách hành chính, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng xanh. Thủ tướng khẳng định Chính phủ luôn trân trọng, cầu thị, lắng nghe các ý kiến xác đáng để chủ động phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả trong mọi tình huống.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm