Giải pháp nào để tự chủ nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi?
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tỉnh Cà Mau đạt gần 40% / Cần có sự trợ lực về tài chính để doanh nghiệp duy trì hoạt động và phục hồi sau đại dịch COVID-19
Ngành chăn nuôi phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu nhập khẩu
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hàng năm, Việt Nam cần khoảng 35 triệu tấn nguyên liệu thức ăn cho chăn nuôi nhưng lại chỉ tự chủ được khoảng 13 triệu tấn (chiếm 37%), gần 22 triệu tấn còn lại phải nhập khẩu từ nước ngoài (chiếm 63%).
Cuộc khủng hoảng lương thực trên toàn cầu do xung đột Nga - Ukraine gây ra, cùng với giá cước vận chuyển tăng do giá xăng dầu tăng cao đã khiến giá các loại nông phẩm để làm thức ăn chăn nuôi tăng theo.
Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi trong 7 tháng đầu năm nay lên tới trên 3 tỷ USD, trong đó gần 2,7 tỷ USD để nhập khẩu 2 nguyên liệu chính là ngô, đậu tương.
Hai nguyên liệu trên trong nước mới chỉ đáp ứng khoảng 37% nhu cầu của ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, nên suốt nhiều năm qua nước ta phải nhập khối lượng rất lớn 2 nguyên liệu này. Ngoài ra, Việt Nam còn tốn hơn 400 triệu USD để nhập khẩu các nguyên liệu khác: khô dầu các loại; lúa mỳ; bột cá, bột xương, đạm động vật, hỗn hợp các chất vi lượng…
Đến nay, Việt Nam đã chủ động được công nghệ, có năng lực sản xuất thức ăn chăn nuôi đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Ngành công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam đã tăng trưởng ngoạn mục, bình quân từ 13 - 15%/năm.
Kết quả trên đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 10 thế giới và số 1 khu vực Đông Nam Á về sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp. Nhưng sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu vẫn là vấn đề đau đầu đối với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Việt Nam cần khoảng 35 triệu tấn nguyên liệu thức ăn cho chăn nuôi nhưng lại chỉ tự chủ được khoảng 13 triệu tấn. Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí.
Giải pháp để có nền chăn nuôi tự chủ
Thức ăn chăn nuôi ảnh hưởng rất lớn đến giá thành sản phẩm chăn nuôi, khi chiếm tới 65 - 70% giá thành. Chính vì thế, bằng mọi cách phải chủ động được nguồn nguyên liệu ngay trong nước, giảm thiểu tác động từ bên ngoài tới chi phí, từ đó giá thành sản phẩm không bị tăng cao ngoài kiểm soát. Hiện ngành nông nghiệp đang đặt mục tiêu phải phấn đấu chủ động được khoảng 50% nguồn nguyên liệu.
"Chúng ta phải có một nền chăn nuôi tự chủ, chuyển một số diện tích đất trồng trọt không hiệu quả sang trồng cây thức ăn, đặc biệt vừa rồi Bộ đã chỉ đạo Cục Trồng trọt và Chăn nuôi xây dựng hợp tác xã trồng sắn và ngô ở Tây Nguyên đảm bảo thu mua khép kín phục vụ trực tiếp cho sản xuất thức ăn chăn nuôi. Đây là biện pháp sẽ đem lại hiệu quả.
Ngoài ra, chúng ta sẽ tập trung trồng ngô sinh khối, chế biến 1,5 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp chuyển làm thức ăn cho đại gia súc. Đây chính là cái chúng ta tiết kiệm ngoại tệ nhập khẩu thức ăn và là giải pháp có hiệu quả ngay", ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.
Thức ăn chăn nuôi ảnh hưởng rất lớn đến giá thành sản phẩm chăn nuôi, khi chiếm tới 65 - 70% giá thành. Ảnh minh họa.
Ngành nông nghiệp luôn là trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh dịch COVID-19 và khủng hoảng lương thực trên thế giới từ đầu năm đến nay thì trụ đỡ này càng tiếp tục được khẳng định nhưng nếu không có một chiến lược nghiêm túc và bài bản cho vấn đề tự chủ nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia vẫn chưa được bảo đảm toàn diện và sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi chưa thể được nâng lên.
Cuộc khủng hoảng lương thực thế giới hiện nay có thể sẽ sớm qua đi và Việt Nam sẽ không còn phải bỏ ra chi phí quá cao để nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Nhưng nỗi lo vẫn cứ còn đó và nghịch lý là nước có thế mạnh về nông nghiệp nhưng lại phải nhập khẩu tới 2/3 nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn là một món nợ đối với ngành nông nghiệp.
Vậy làm thế nào để Việt Nam có thể tự chủ nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi? Hiện Việt Nam đang phải nhập khẩu 2/3 nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhưng nếu đảo ngược được tình thế này, sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ thay đổi như thế nào?
Xung quanh các vấn đề trên, chương trình Vấn đề hôm nay với sự tham gia của ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam đã có những phân tích, bình luận chi tiết!
End of content
Không có tin nào tiếp theo