Tin tức - Sự kiện

Giảm gánh nặng chứng chỉ cho công chức, viên chức: Quyết định rất đúng đắn và hợp lòng dân

Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, giảm gánh nặng chứng chỉ là cần thiết bởi quy định quá nhiều chứng chỉ đã "làm khổ" công chức, viên chức nhiều năm nay.

An Giang: Nam thanh niên dương tính với SARS-CoV-2 từ Campuchia trốn về thăm vợ, hàng chục người phải đi cách ly / Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Không cần thiết phải đeo 2 khẩu trang/lần

Theo Thông tư Bộ Nội vụ mới ban hành, từ 1/8 tới đây sẽ chính thức bãi bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học của công chức chuyên ngành hành chính và văn thư.

Sau đây là cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam về vấn đề này:

Phóng viên Quỳnh Trang: Thưa Luật sư Nguyễn Văn Chiến, ông đánh giá thế nào về các quy định hiện hành trong yêu cầu chứng chỉ khi tuyển dụng,quản lý và bổ nhiệm công chức, viên chức hiện nay?

Luật sư Nguyễn Văn Chiến: Việc lâu nay công chức, viên chức muốn thăng hạng nâng ngạch hay bổ nhiệm phải có những chứng chỉ về Ngoại ngữ, Tin học và chức danh nghề nghiệp đã thực sự gây khó cho không ít công chức viên chức (CCVC).

Là một đại biểu Quốc hội, tôi thường xuyên nhận được những câu hỏi thắc mắc trăn trở của rất nhiều cử tri, đặc biệt là những cử tri làm việc trong ngành giáo dục. Họ phản ánh về việc quy trình bổ nhiệm, nâng ngạch cứng nhắc đòi hỏi nhiều chứng chỉ dẫn đến việc "làm khổ" CCVC.

Quy định yêu cầu CCVC phải luôn nâng cao trình độ là việc làm thiết thực bởi điều đó có tác dụng trực tiếp đối với công việc của CCVC đó đang đảm nhiệm. Tuy nhiên, quy định bắt buộc CCVC phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp để thăng hạng, nâng ngạch hoặc bổ nhiệm là điều không hợp lý.

Giảm gánh nặng chứng chỉ cho công chức, viên chức: Quyết định rất đúng đắn và hợp lòng dân - Ảnh 1.
Ảnh minh họa.

Phóng viên Quỳnh Trang: Vậy theo ông, quy định nhiều chứng chỉ trong tuyển dụng, nâng ngạch, bổ nhiệm công chức, viên chức gây ra những bất cập gì?

Luật sư Nguyễn Văn Chiến: Thứ nhất, chúng ta chỉ kiểm tra được phần ngọn, không kiểm tra được phần gốc. Câu hỏi đặt ra là thực tế chúng ta có kiểm tra được năng lực thực sự khi sử dụng tin học cũng như ngoại ngữ của các CCVC hay không. Tôi tin là chúng ta chưa làm được điều này mà mới chỉ dừng lại ở góc độ tạm chấp nhận những chứng chỉ đã có trong hồ sơ. Vô hình chung CCVC sẽ bằng mọi cách để thi lấy chứng chỉ, thậm chí có thể mua bán chứng chỉ để hợp pháp hóa vào hồ sơ của mình.

Trên thực tế, đại đa số CCVC đều sử dụng thành thạo Tin học hoặc Ngoại ngữ trong công việc bởi đây là yêu cầu căn bản trong tuyển dụng và trong quá trình làm việc. Có một số ít các ngành nghề đặc thù hoặc giáo viên dạy môn thể dục thì không nhất phải biết sử dụng Tin học hoặc Ngoại ngữ trong công việc nên việc yêu cầu họ phải có các chứng chỉ này chỉ có thể được xem là "hình thức" chứ chưa thể đánh giá thực chất.

Điều bất cập tiếp theo là chúng ta dường như đang áp dụng một tiêu chuẩn chung cho hầu hết các ngành nghề và lĩnh vực. Năng lực và trình độ sử dụng các kỹ năng này là cần thiết nhưng ở vị trí việc làm nào thì phải đáp ứng yêu cầu của vị trí đó. Ví như công chức làm hợp tác quốc tế thì yêu cầu phải khác với làm văn thư lưu trữ. Quan trọng nhất là phải xuất phát từ nhu cầu tự thân, muốn hoàn thành nhiệm vụ thì phải có trình độ, phải học hỏi.

Thứ ba, đối với các gia đình hai vợ chồng làm CCVC, việc cùng một lúc phải đi học lấy các loại chứng chỉ này tốn không biết bao nhiêu thời gian và tiền bạc. Đặc biệt, với mức lương của CCVC của Việt Nam hiện nay, để chi phí cho sinh hoạt gia đình đã là cả một vấn đề, chưa kể lại thêm những chi phí để học tập lấy những chứng chỉ này quả là một gánh nặng đối với CCVC.

 

Thứ tư là vấn đề làm giả bằng cấp chứng chỉ. Trên thị trường cứ có cung là ắt có cầu. Thời gian qua, biết bao nhiêu những trung tâm mọc lên để chiêu sinh, đào tạo cấp chứng chỉ tin học, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp… và đã xuất hiện hàng loạt các chứng chỉ giả mà cơ quan an ninh điều tra đã làm rõ gây dư luận không tốt trong xã hội; chưa kể nhiều trường hợp mua thẳng để rút ngắn thời gian cũng như để kịp cơ hội cho bản thân.

Phóng viên Quỳnh Trang: Bộ Nội vụ vừa ban hành Thông tư chính thức bãi bỏ quy định về chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học đối với tất cả ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư bắt đầu có hiệu lực từ 1/8/2021. Bộ cũng đề xuất với Chính phủ cắt giảm 17 chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn ngạch đối với công chức và 87 chứng chỉ bồi dưỡng đối với các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành. Ông nghĩ sao về đề xuất này?

Luật sư Nguyễn Văn Chiến: Đó là một quyết định rất đúng đắn và hợp lòng dân. Đề xuất này không chỉ góp phần loại bỏ những quy định mang tính hình thức, thủ tục và gây tốn kém cho CCVC, mà còn giúp họ được "cởi trói" và giảm thiểu tiêu cực cho ngành giáo dục hiện nay.

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh việc bỏ các điều kiện chứng chỉ không có nghĩa là CCVC không cần trình độ Ngoại ngữ, Tin học và nó cũng đặt ra thách thức với các cơ sở giáo dục trong việc tìm ra các giải pháp nâng cao hai kỹ năng này một cách thực chất và thúc đẩy tinh thần tự học, tự bồi dưỡng của CCVC.

Chính phủ đang chỉ đạo sát sao Bộ Nội vụ rà soát tiến tới bỏ dần những giấy phép con không cần thiết trong mọi ngành nghề, trong đó có CCVC. Tuy nhiên, theo tôi, Bộ Nội vụ nên phối hợp với các bộ ngành liên quan nhằm rà soát lại toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật xem còn những yêu cầu nào về chứng chỉ không cần thiết và phù hợp để xem xét loại bỏ. Đây là mong mỏi của rất nhiều cử tri trên cả nước, đặc biệt là đội ngũ CCVC.

 

Phóng viên Quỳnh Trang: Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm