Giáo dục

“Kỷ niệm cuộc đời” của Giáo sư Lê Viết Ly: Quê Thanh luôn trong trái tim tôi!

DNVN- “Tôi đã viết bằng trí nhớ, bằng sự chân thành và tôn trọng với thế hệ con cháu và những người bạn chân tình”. Đó là những tâm sự mộc mạc, chân thành của GS Lê Viết Ly trong cuốn sách "Kỷ niệm cuộc đời", do ông viết, cuốn sách là những câu chữ mộc mạc mà giàu cảm xúc về tấm lòng của ông và gia đình với quê hương Thanh Hóa.

Chủ tịch HĐQT Sun Group: “Xã hội hóa công tác quảng bá sẽ đem đến những hiệu quả mới cho ngành du lịch” / Sun Group - Doanh nghiệp có môi trường làm việc tốt nhất Châu Á 2019

Giáo sư Lê Viết Ly tặng cuốn sách “Kỷ niệm cuộc đời” cho Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng.

Giáo sư Lê Viết Ly tặng cuốn sách “Kỷ niệm cuộc đời” cho Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng.

Cuốn Kỉ niệm cuộc đời của giáo sư Lê Viết Ly thực sự có sức cuốn hút đối với người đọc ở nhiều lứa tuổi và trình độ khác nhau trong đó có những thế hệ học trò. Với chất văn giản dị, nhẹ nhàng và hóm hỉnh, những trang văn đã tái hiện chân dung của một con người đáng kính mà rất đời thường. Nhưng giá trị của cuốn sách không dừng lại ở đó mà thông qua những câu chuyện có vẻ giản đơn và đời thường, tác phẩm đã dựng lên bức tranh của cả một thời đại với những biến động lịch sử.

Quá khứ của quê hương Thanh Hóa như được thức dậy qua những trang sách. Đó là cảnh nạn đói năm 1945 do chính sách nhổ lúa trồng đay của Phát-xít Nhật, chuyện các quan chức xứ ta, xứ Mường, cảnh nhân dân nổi dậy giành chính quyền, cảnh máy bay Mỹ rải thủy lôi từ cầu Hàm Rồng đến tận làng quê, rồi không khí lao động xây dựng Chủ nghĩa xã hội trên quê hương…Cũng qua đó người đọc thấy hiện lên lần lượt chân dung của Những người muôn năm cũ: Ông giáo làng đáng kính, bà mẹ tần tảo buôn bán chợ quê, người chị chịu đựng hy sinh hết lòng thương em…rồi cả chân dung của những anh hùng quê hương Thanh Hóa: Chị Tuyển, chị Hằng, tiểu đội lão dân quân Hoằng Trường…

Đọc sách, người đọc có lúc cảm thấy hài hước thú vị bởi những trò trẻ con ngây ngô phá phách của đám học trò, có lúc thấy rưng rưng bởi tình cảm quê hương gia đình, có lúc dâng lên niềm tự hào về một miền quê anh hùng bên dòng sông Mã…. Chính sự hòa trộn đó đã làm nên những trang văn phập phồng hơi thở cuộc sống mà có sức truyền cảm hứng mãnh liệt đối với người đọc.

Thạc sỹ phạm Thị Lịch và GS Lê Viết Ly trong ngày ra mắt cuốn sách “Kỷ niệm cuộc đời”.

Thạc sỹ Phạm Thị Lịch và GS Lê Viết Ly trong ngày ra mắt cuốn sách “Kỷ niệm cuộc đời”.

GS Lê Viết Ly và gia đình có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp khuyến học, khuyến tài của tỉnh Thanh Hóa.

GS Lê Viết Ly và gia đình có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp khuyến học, khuyến tài của tỉnh Thanh Hóa.

Lối viết hồi kí kết hợp tùy bút tạo một hành văn linh hoạt và tác giả có điều kiện “tạt ngang” nói vê những vấn đề phong phú trong đời sống xã hội. Lối viết Tùy bút cộng với vốn kiến thức sâu rộng đủ để tác giả khái quát về Lịch sử, Địa lí, Văn hóa của dân tộc đôi khi chỉ trong một hiện tượng đời sống rất đỗi bình thường: từ chân dung một người con gái chùa Hương mà tác giả có thể nói về lịch sử của dân tộc hàng nghìn năm trước, từ một hình ảnh ở Hoàng thành Thăng Long tác giả có thể nói về lịch sử văn hóa của triều đại Lý, Trần, Lê; từ chuyện đi bắt mạch bốc thuốc mà nói đến chuyện xưng hô đồng chí là một từ ngữ mang tính chính trị bị kiêng kị lúc bấy giờ tại Trung Quốc.

Để rồi từ đó, tác giả lại liên tưởng đến câu nói của Erenbua: Không có một dân tộc nào sinh ra để làm kẻ thù của dân tộc khác, lòng hận thù chỉ có trong đầu các nhà chính khách, còn nhân dân lúc nào, ở đâu cũng chỉ muốn sống trong hòa bình, hữu nghị.. Lối viết theo hướng tùy bút cũng tạo điều kiện cho tác giả bên cạnh việc tái hiện lại những kỉ niệm cuộc đời còn bày tỏ những cảm nghĩ tương đối tự do hoặc kèm theo lời bình hài hước tạo độ “mềm” đầy hấp dẫn cho những trang hồi ký: Tôi bé nhất nhà nên phải mang chiếu ra trải trên sàn…các anh lớn bị 2-3 roi và đến tôi thì chỉ còn 1 roi chẳng biết vì tôi bé nhất nhà hay vì tôi có công trải chiếu và cuộn chiếu nữa. Người đọc vừa buồn cười vì cái suy nghĩ ngô nghê của 1 cậu bé vừa thấy rưng rưng như gặp tuổi thơ của mình trong đó.

Cuốn sách cũng cho thấy vẻ đẹp tâm hồn văn chương của tác giả. Nói như vậy có vẻ hơi ngớ ngẩn bởi người ta có thể cho rằng không có tâm hồn văn chương sao có thể viết văn. Nhưng thực tế nhiều tác giả khi viết hồi kí chỉ đơn thuần là kể chuyện đời tư. Trong cuốn sách Kỉ niệm cuộc đời người đọc có thể cảm nhận được nhiều giá trị nội dung rất phong phú. Bên những trang đời của một cá nhân là những trang sử của quê hương, dân tộc, và đặc biệt có cả những lời bình thơ, những cảm nhận về Truyện Kiều, về thơ Đường, thơ Bà Huyện Thanh Quan, thơ Yến Lan,Nam Trân … và bài thơ Màu tím hoa sim của Hữu Loan.

Tình yêu đối với đất nước, quê hương cũng được bộc lộ cảm động và sâu sắc. Tác giả từng bồi hồi xúc động sau những năm đi lưu học Trung Quốc: bước xuống đò qua Sông Mã, lòng thấy xúc động bởi đây là con sông tuổi thơ tôi…Từ trên đê cao ngắm bên này là con sông Mã, có cầu Hàm Rồng, bên kia là các rặng dừa…”,” cái vườn trước nhà vẫn như xưa, vẫn xanh mướt mát và gần gũi, nhắc nhở bao kỉ niệm mà ba chị em tôi đã trải qua”… Những câu văn thức dậy trong lòng người tình yêu quê hương, gia đình, thức dậy những kỉ niệm về những năm tháng tuổi thơ.Và điều đáng quý là tình yêu nước của tác giả không đơn thuần bộc lộ bằng cảm xúc mà thể hiện bằng những việc làm cụ thể và thiết thực: những hợp tác Quốc tế, những, những định hướng cho chăn nuôi bò sữa ở Tây Nguyên…là những cống hiến to lớn của tác giả cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

Một điểm “tiếc nuối” đối với người đọc là dường như tác giả rất kiệm lời khi nói về gia đinh và bản thân. Điều này không giống với những trang hồi kí thông thường. Người đọc sẽ có cảm giác hơi hẫng nếu muốn biết rõ hơn về dòng họ Lê Viết vốn nổi tiếng danh gia vọng tộc đất Thanh Hóa. Tác giả không kể nhiều về cụ Lê Viết Tạo (ông nội), cũng không kể nhiều về tài năng bản thân, và cũng bỏ qua cả việc nói về những đóng góp to lớn của bản thân và gia đình cho ngành giáo dục tỉnh nhà. Đó là sự khiêm tốn của một con người có tấm lòng cao cả, cái khiêm tốn nâng tầm nhân cách!

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Viết Ly sinh năm 1937, nguyên là Phó viện trưởng Viện Chăn nuôi quốc gia; sinh ra và lớn lên trên quê hương có truyền thống hiếu học ở làng Nguyệt Viên, xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa (nay là thành phố Thanh Hóa). Ông được Quỹ Crawford (một tổ chức phi chính phủ của Australia) vinh danh vì những đóng góp to lớn trong việc nâng cao năng lực nghiên cứu về các hệ thống chăn nuôi ở Việt Nam.

Tính đến nay, học bổng của gia đình Giáo sư Lê Viết Ly đã trao cho hàng chục ngàn HS, SV, với số tiền học bổng gần 15 tỷ đồng. Gia đình giáo sư còn hỗ trợ kinh phí cho một số địa phương để xây dựng trường học và mua sắm trang thiết bị dạy và học.

Trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam về cuốn sách “Kỷ niệm cuộc đời” của ông, GS Lê Viết Ly luôn kể về những kỷ niệm, ký ức và tình cảm với quê hương Thanh Hóa. Ông nói: “Quê Thanh luôn trong trái tim tôi”. “Kỷ niệm cuộc đời” được Nhà xuất bản Dân trí xuất bản năm 2019. Cuốn sách là những câu chuyện cuộc đời được ông kể lại rất dung dị, mộc mạc và chân thành. Bài viết giới thiệu về cuốn sách “Kỷ niệm cuộc đời” của Thạc sỹ Phạm Thị Lịch, trường THPT Đào Duy Từ (Thanh Hóa).

Thạc Sỹ Phạm Thị Lịch – Trường THPT Đào Duy Từ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm