Giáo dục

Đại học Ngoại thương xem xét đào tạo khoa học dữ liệu, khoa học máy tính

DNVN - Theo bà Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Đại học Ngoại thương (FTU), nhà trường mong muốn mở lĩnh vực đào tạo mới là đào tạo khoa học dữ liệu, khoa học máy tính trong tương lai.

Tận dụng cơ hội để đổi mới sáng tạo trong các trường đại học, cao đẳng / Tỷ lệ sinh viên Trường Cao đẳng Tây Đô có việc làm đạt trên 90%

Tại chương trình Leader Talk - Journey To Your Future dành cho sinh viên tại Đại học Ngoại thương Hà Nội (FTU) ngày 2/11 vừa qua, ông Nguyễn Thế Phương - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT khẳng định: “Sinh viên FTUcó rất nhiều cơ hội tại tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam và trải nghiệm môi trường làm việc đa quốc gia ở đây”.

Theo ông Phương, hiện FPT có 8.000 nhân viên không học ngành CNTT ở bậc đại học nhưng vẫn làm việc trong những vị trí quan trọng. Cá nhân ông vốn là cựu sinh viên ngành kinh tế đối ngoại hiện đang giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Tài chính tập đoàn. Ông Nguyễn Thế Phương đánh giá sinh viên FTU có khả năng tự học, được rèn luyện tâm thế chủ động khi tiếp nhận cái mới. Đây là điểm mạnh để có thể làm việc tại FPT.

Đại diện FPT và FTU trao đổi tại chương trình.

“FTU ký kết hợp tác với FPT tạo cơ hội để các bạn sinh viên thực tập, thực hành ngay khi còn ngồi trên giảng đường. Sinh viên càng tiếp xúc với môi trường thực tiễn sớm bao nhiêu, càng sớm trưởng thành bấy nhiêu”, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FPT nói.

Theo ông Trần Đăng Hoà - Chủ tịch Công ty Hệ thống Thông tin FPT (cũng là cựu sinh viên FTU), FPT ra đời năm 1988 khi đất nước còn khó khăn. 13 nhà sáng lập mong muốn lập ra doanh nghiệp trước là để có cuộc sống tốt đẹp hơn, sau là góp phần hưng thịnh quốc gia. Sau 35 năm phát triển, FPT có 70.000 nhân viên, hiện diện tại 30 quốc gia trên toàn cầu, hợp tác chuyển đổi số với 30 tỉnh, thành, có hệ thống giáo dục ở 21 tỉnh, thành. Năm 2023, FPT lọt top 15 công ty có giá trị vốn hoá lớn nhất thị trường, đóng góp cho ngân sách nhà nước 76.220 tỷ đồng trong 35 năm. Năm 2023, Tập đoàn FPT đạt chứng nhận và danh hiệu uy tín của Great Place To Work cho “Nơi làm việc xuất sắc”.

“Gia nhập FPT, các sinh viên FTU có cơ hội trải nghiệm môi trường làm việc toàn cầu, cùng học - cùng làm với các chuyên gia hàng đầu, trau dồi về kỹ năng, liên tục cập nhật về công nghệ, khai mở lộ trình phát triển cá nhân. Ở FPT có 3 thứ: đồng nghiệp, khách hàng, người hướng dẫn giỏi. Bên cạnh đó, nếu các bạn có ý tưởng đủ lớn, FPT hỗ trợ để các bạn khởi nghiệp trong lòng doanh nghiệp”, ông Trần Đăng Hoà cho biết.

Phân tích về lợi thế của sinh viên FTU và cơ hội làm việc trong ngành thương mại, ông Phạm Mạnh Hưng - Giám đốc Phụ trách đối tác Synnex FPT đưa ra những ví dụ cụ thể về nhân sự ứng tuyển vào Synnex FPT. Để phát triển nghề nghiệp, theo ông Hưng, ngoài kiến thức, sinh viên cần học các kỹ năng mềm: giao tiếp, thuyết trình, đối mặt với áp lực công việc, quản trị các mối quan hệ.

Tại FPT, các sinh viên có cơ hội ngắn hạn là thực tập có lương và có cơ hội lâu dài được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp ở lĩnh vực thương mại với số lượng giao dịch thương mại khổng lồ để tích lũy kinh nghiệm. Ông Phạm Mạnh Hưng khẳng định, các sinh viên hãy nỗ lực học tập vì kiến thức trên giảng đường FTU sẽ dùng được 80-90% ở FPT.

Trao đổi tại sự kiện, bà Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng FTU chia sẻ, qua khảo sát 54.000 cựu sinh viên FTU, cựu sinh viên của trường thường chọn làm việc trong hai mảng hàng đầu là CNTT và giáo dục đại học. FPT hợp tác với FTU là bước đi đúng đắn của hai bên để mang lại cơ hội trải nghiệm sớm trong môi trường làm việc chuyên nghiệp cho sinh viên nhà trường.

Thời gian tới, FTU mong muốn được chuyên gia công nghệ FPT tư vấn, mang hơi thở công nghệ vào chương trình đào tạo và hướng dẫn sinh viên. FTU cũng mong muốn mở lĩnh vực mới là đào tạo khoa học dữ liệu, khoa học máy tính trong tương lai.

Hoàng Hà
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo