Giáo dục

Nhiều thí sinh đạt từ 29,5 điểm trở lên trượt đại học là bình thường hay bất thường?

DNVN - Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, có tổng số hơn 1 triệu thí sinh tham gia dự thi trong đó có 61 thí sinh đạt từ 29,5 điểm trở lên không trúng tuyển nguyện vọng nào, trong đó có 57 em là thí sinh tự do. Nhiều chuyên gia cho rằng việc này là hết sức bình thường và hoàn toàn có thể giải thích được.

Đà Nẵng đã tiêm gần 91% số vaccine phòng COVID-19 do Bộ Y tế phân bổ / Cần Thơ phát hiện chùm 3 ca bệnh là nhân viên Trạm Y tế phường

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm nay, cả nước có 30 mã ngành lấy điểm chuẩn cao hơn năm 2020 từ 9-11 điểm, có 265 ngành tăng từ 5 điểm trở lên, chiếm 8%. Mức tăng này gây sốc với nhiều thí sinh bởi 26 - 27 điểm vẫn có thể rớt hàng chục nguyện vọng.

Nhiều ngành tại các trường ĐH top đầu trên cả nước tiếp tục có điểm đầu vào ở mức "chạm trần", nhiều ngành lấy trên 29, thậm chí là tuyệt đối 30/30 điểm, cá biệt có ngành trên 30 điểm.

Theo đó, dù đạt tới 10 điểm tuyệt đối ở cả ba môn của tổ hợp xét tuyển đại học với mức tối đa 30 điểm, thí sinh vẫn sẽ trượt nguyện vọng một vào ngành học minh đăng ký nếu không có điểm cộng ưu tiên. Việc này đang gây ra nhiều sự khó hiểu và sự quan tâm đặc biệt của xã hội. Bên cạnh đó, việc con em mình mặc dù đạt điểm cao gần như tuyệt đối mà vẫn trượt nguyện vọng đã làm cho không chỉ thí sinh dự thi mà cả phụ huynh cũng cảm thấy “sốc”.

Cũng theo Bộ GD-ĐT, số thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có tổng điểm thi ở mọi tổ hợp đạt từ 27 điểm trở lên chiếm 4,7%. Trong số các thí sinh có điểm xét từ 29,5 trở lên thì có 69 em trượt nguyện vọng 1 nhưng đã đỗ vào các nguyện vọng khác còn lại 61 em không đỗ nguyện vọng nào.

Trong số các em không trúng tuyển nguyện vọng nào, có 60 em chỉ đặt duy nhất nguyện vọng 1, chỉ có 1 em đặt 2 nguyện vọng. Và có 59 em có nguyện vọng 1 vào các trường công an, quân đội và đều chỉ có 1 nguyện vọng, trong đó 57 em đã tốt nghiệp từ năm 2019 trở về trước (có thể thuộc đối tượng đã đi nghĩa vụ nay được cử đi thi).

Năm học 2021-2022 có 61 thí sinh đạt từ 29,5 điểm trở lên không trúng tuyển nguyện vọng nào, trong đó có 57 em là thí sinh tự do.

Năm học 2021-2022 có 61 thí sinh đạt từ 29,5 điểm trở lên không trúng tuyển nguyện vọng nào, trong đó có 57 em là thí sinh tự do.

Theo phân tích từ lãnh đạo Bộ GD-ĐT: các trường “top” trên điểm chuẩn tăng không nhiều lắm, chỉ tiêu không tăng, số thí sinh còn lại vào các trường top giữa tăng vọt. Từ đó đã dẫn tới hiện tượng điểm chuẩn ở các trường, nhóm ngành top giữa bứt phá mạnh. Bên cạnh đó, vị này cũng nhận định, số thí sinh đạt tổng điểm từ 27 trở lên (ở tất cả tổ hợp) chiếm 4,7% cũng là điều hết sức bình thường.

PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, có nhiều lý do dẫn tới điểm chuẩn của các trường tăng cao như: mức độ đề thi chưa có tính phân hóa cao; thí sinh tăng nguyện vọng vào các trường top, ngành hot; các trường cũng bắt đầu tăng chỉ tiêu tuyển sinh riêng, xét tuyển kết hợp khiến tỷ lệ chỉ tiêu cho việc xét điểm thi tốt nghiệp THPT giảm, từ đó khiến điểm chuẩn tăng cao. Từ đó, theo ông Triệu, thời gian tới các trường sẽ tính đến việc giảm sự phụ thuộc vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thay vào đó, sẽ chủ động đưa ra các phương thức tuyển sinh riêng để đảm bảo yêu cầu của từng trường.

Còn GS.TSKH Nguyễn Đình Đức khi trả lời báo chí ông cho biết, việc tăng điểm trúng tuyển năm nay là có lý do rất khách quan và cũng là tín hiệu đáng mừng khi việc lựa chọn trường, chọn ngành dần dần đi vào quy luật cung - cầu, ngành tốt, trường tốt thì điểm sẽ rất cao. Cũng theo ông Đức, việc thì sinh đạt 30 điểm vẫn trượt đại học là hoàn toàn giải thích được và không có gì là ngạc nhiên.

Mặc dù các lãnh đạo, các nhà chuyên môn đánh giá việc thí sinh đạt 30 điểm trượt đại học là bình thường thì sự việc này lại đang gây nên nhiều ý kiến trái chiều của xã hội và cộng đồng mạng. Bên cạnh những ý kiến cho rằng do đề năm nay quá dễ nên việc có nhiều thí sinh đạt điểm tuyệt đối là điều dễ hiểu thì cũng nhiều người cho rằng đây là một điều hêt sức vô lý phải xem là một sự bất thường trong giáo dục để có những phương án điều chỉnh phù hợp. “Liệu con em mình có thật sự giỏi”; “phương pháp tuyển sinh 2 trong 1 liệu có thực sự phù hợp”; “việc ra đề thi trong các kỳ tuyển sinh liệu đã phân hóa được trình độ học sinh”… là những thắc mắc của nhiều người trước những bất cập của điểm thi xét tuyển đại học năm nay.

Năm học 2021-2022, Học viện Chính trị Công an nhân dân là trường trong khối công an có nhiều thí sinh đạt từ 29,5 điểm nhưng trượt vào trường nhất. Cụ thể, có 67 thí sinh đạt từ 29,5 điểm trở lên đăng ký nhưng trượt vào trường, trong đó 17 em đã đỗ nguyện vọng khác, 50 thí sinh không đỗ nguyện vọng nào. Điều này là do trường có 800 thí sinh đăng ký, trong khi chỉ có 50 chỉ tiêu.

Trường ĐH Hồng Đức có 2 ngành điểm chuẩn ≥ 29,5 đều là ngành Sư phạm chất lượng cao (Ngữ văn lấy 30,5 điểm và Lịch sử lấy 29,75 điểm). 22 thí sinh đạt từ 29,5 điểm trở lên trượt vào những ngành này.

Tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội có 2 ngành điểm chuẩn ≥ 29,5 là Hàn Quốc học (30 điểm khối C00, chiếm 10/40 chỉ tiêu) và Đông Phương học (29,8 điểm khối C00 với 15/40 chỉ tiêu).

Trường ĐH Ngoại thương có ngành Ngôn ngữ Trung Quốc lấy điểm chuẩn 39,35/40 (môn tiếng Trung nhân hệ số 2), chỉ tiêu còn 30 cho điểm thi tốt nghiệp THPT trên tổng số 90 chỉ tiêu (60 chỉ tiêu xét theo phương thức khác). Có 14 thí sinh trượt vào ngành này nhưng đã đỗ nguyện vọng khác.

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm