Sở GD-ĐT Đà Nẵng: Học sinh phải học trực tuyến kéo dài sẽ bị căng thẳng, ức chế
'Ngọn hải đăng' hay khách sạn trá hình ? / Đà Nẵng lên phương án mở rộng cầu Hòa Xuân
Chỉ dạy – học trực tuyến kéo dài sẽ khó phát huy hiệu quả tối đa
Ngày 12/8, Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng Lê Thị Bích Thuận cho hay đang phối hợp chuẩn bị kịch bản khai giảng năm học mới 2021 - 2022 như năm học 2020 - 2021 theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Cụ thể, lúc 7h ngày 5/9/2021, chương trình Chào năm học mới sẽ được phát trên sóng Đài Phát thanh – Truyền hình Đà Nẵng (DanangTV); lúc 07h30, chương trình Khai giảng trực tuyến do các trường thực hiện.
Học sinh phải học trực tuyến kéo dài sẽ có ảnh hưởng tâm lý, gây căng thẳng, ức chế
Về vấn đề dạy học sau khai giảng, Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng cho biết đã chỉ đạo các trường học triển khai cho các tổ biên soạn chương trình, lập kế hoạch từng môn học theo hướng dẫn, nhưng do học sinh chưa thể đến trường nên phải nghiên cứu đến việc tổ chức dạy – học trực tuyến.
Tuy nhiên việc tổ chức dạy – học trực tuyến còn nhiều bất cập. Tính đến ngày 12/8, TP Đà Nẵng có 8 giáo viên, 96 học sinh là F0; 24 giáo viên, 187 học sinh là F1; 107 giáo viên, 427 học sinh là F2; 1.560 giáo viên, 20.207 học sinh ở khu vực cách ly y tế.
Do có nhiều giáo viên và học sinh thuộc diện F0, F1 đang điều trị hoặc cách ly tập trung, chưa kể hàng ngàn giáo viên, học sinh đang ở các khu cách ly y tế nên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc tổ chức dạy - học vào đầu năm học, đặc biệt khi giáo viên không được trực tiếp gặp gỡ học sinh và phải áp dụng hình thức trực tuyến.
Bên cạnh đó, theo Sở GD-ĐT Đà Nẵng, điều kiện của mỗi khu vực dân cư, mỗi cấp học, mỗi trường, mỗi lớp, mỗi học sinh khác nhau nên khó áp dụng đồng bộ một phương pháp. Hơn nữa, phương pháp này cũng gây nhiều băn khoăn, lo lắng trong việc quản lý, hỗ trợ con cái của phụ huynh, đặc biệt là với học sinh nhỏ tuổi.
“Dạy – học không chỉ là việc truyền đạt kiến thức mà còn nhiều vấn đề kết hợp như cảm xúc, kỹ năng, phương pháp…, cho nên nếu chỉ dạy – học trực tuyến kéo dài sẽ khó phát huy hiệu quả tối đa. Việc học sinh phải học trực tuyến kéo dài ít nhiều sẽ có ảnh hưởng tâm lý, gây căng thẳng, ức chế cho học sinh. Vấn đề này đã có nhiều báo cáo khoa học chứng minh” – Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng nhấn mạnh.
Sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc dạy – học bài mới trực tuyến
Chính vì vậy, nhận thấy dạy – học trực tuyến là hình thức hỗ trợ chứ không phải là hình thức chủ đạo nên Sở GD-ĐT Đà Nẵng xác định thời gian đầu sau khai giảng (khoảng 2 tuần), việc dạy – học trực tuyến chủ yếu là giới thiệu chương trình, SGK, phương pháp học tập và củng cố kiến thức cũ.
“Sau đó, nếu tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP vẫn chưa được kiểm soát, học sinh vẫn chưa thể đến trường thì Sở GD-ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc dạy – học bài mới trực tuyến cho học sinh trên cơ sở quy định, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT”, bàLê Thị Bích Thuận cho biết.
Cụ thể, đối với giáo dục mầm non sẽ thông tin đến cha, mẹ trẻ các nội dung chăm sóc và giáo dục trẻ bằng hình thức trực tuyến như hướng dẫn cha, mẹ trẻ các nội dung kĩ năng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho trẻ và thực hiện chế độ các bữa ăn ở gia đình để bổ sung dinh dưỡng phù hợp giúp trẻ khỏe mạnh và có sức đề kháng, an toàn hơn trong mùa dịch; hướng dẫn trẻ đeo khẩu trang đúng cách, rèn cho trẻ có thói quen rửa tay bằng xà phòng đúng thao tác; hướng dẫn trẻ tập thể dục hay vận động phù hợp để cơ thể trẻ khỏe mạnh.
Đối với giáo dục phổ thông, trong tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài, học sinh không thể đến trường nên các đơn vị, trường học chủ động xây dựng kế hoạch dạy học trực tuyến. Trước mắt, trong 02 tuần đầu, hướng dẫn học sinh làm quen với trường, lớp, thầy cô, bạn bè; làm quen với chương trình, SGK; hướng dẫn học sinh phương pháp học tập; hướng dẫn học sinh ôn tập, củng cố kiến thức cũ.
Riêng đối với lớp 1, tổ chức “Tuần lễ làm quen”; trong đó nhà trường chỉ đạo các giáo viên lựa chọn những nội dung kiến thức, kĩ năng cốt lõi, cần thiết, hướng dẫn phụ huynh tổ chức giáo dục học sinh ở nhà phù hợp với điều kiện của gia đình, nhằm chuẩn bị cho học sinh sẵn sàng vào học lớp 1.
Cụ thể là hướng dẫn học sinh tư thế ngồi học, cách cầm bút, đặt bút, nối nét, cách cầm sách đọc; làm quen với các loại sách giáo khoa, vở, đồ dùng học tập...; đọc các âm trong bảng chữ cái, đọc các số từ 0 đến 10...; hướng dẫn học sinh kĩ năng giao tiếp, cách diễn đạt, trình bày với thầy cô, bạn bè, cha mẹ...
Sau tuần làm quen, khi vào chương trình nhưng học sinh vẫn chưa được đến trường do tình hình dịch bệnh thì các trường hướng dẫn giáo viên điều chỉnh kế hoạch, nội dung phù hợp, soạn bài dạy học qua Internet phù hợp với thực tế, chú trọng đến đọc, viết và tính toán cho học sinh.
Đồng thời, thực hiện Công văn số 1156/BGDĐT-GDTH ngày 24/3/2021 của Bộ GD-ĐT về triển khai giải pháp dạy học Tiếng Việt lớp 1 trên truyền hình, giáo viên thông báo và hướng dẫn học sinh học Tiếng Việt qua các chủ đề tại chuyên mục “TIỂU HỌC – Tiếng Việt lớp 1”, kênh Youtube VTV7.
End of content
Không có tin nào tiếp theo