Hàng loạt tỉnh, thành phố công bố cấp độ thích ứng an toàn dịch COVID-19
Mưa lũ làm 3 người chết, 3 người mất tích / Hơn 700 mẫu thử nghiệm vaccine COVIVAC giai đoạn 2 đã được gửi sang Canada
Triển khai thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", nhiều địa phương đã xác định, công bố cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn.
Ghi nhận tại các địa phương, đến 19h ngày 17/10, đã có 18 tỉnh xác định, công bố cấp độ dịch là cấp 1; có 12 tỉnh, thành phố: cấp độ 2. Nhiều tỉnh, thành chưa chính thức ban hành văn bản xác định, cấp độ dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP nhưng đã có hướng dẫn, triển khai các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt trong phòng, chống dịch để ổn định đời sống và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Cụ thể, 18 địa phương xác định, công bố cấp độ dịch là cấp 1 gồm: Lai Châu, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Điện Biên, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Phú Yên, Đồng Nai, Bến Tre, Bình Thuận, Sóc Trăng.
Riêng với Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố đánh giá cấp độ dịch trên địa bàn Hà Nội với các tiêu chí 1 (về tỷ lệ mắc mới tại cộng đồng/dân số/thời gian); tiêu chí 2 (về độ bao phủ vaccine) ở cấp độ 1.
Nhóm địa phương công bố "bình thường mới" - cấp độ 1
UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành Quyết định số 3696/QĐ-UBND ngày về việc công bố mức độ dịch COVID-19 hiện tại trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mức độ dịch COVID-19 tại tỉnh hiện nay là cấp độ 1: Nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh. Để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với điều kiện thực tiễn, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo điều chỉnh, bổ sung một số biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn. Lào Cai cũng có quy định ở mức độ cao hơn đối với quy định của Chính phủ. Tỉnh yêu cầu người từ vùng có dịch (vùng đỏ) đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phải thực hiện cách ly tập trung 7 ngày (lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR ngày đầu và ngày thứ 7). Với người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine phòng COVID-19, thực hiện cách ly tập trung 14 ngày (khác với quy định của Chính phủ yêu cầu chỉ tự theo dõi sức khỏe tại nhà). Các quy định trên được thực hiện từ 0 giờ ngày 17/10/2021.
Thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Nam Định cho biết, tỉnh đã đánh giá, xác định cấp độ dịch trên địa bàn tỉnh thuộc cấp độ 1 (bình thường mới). Cụ thể, 226/226 xã, phường, thị trấn và 10/10 huyện, thành phố thuộc cấp độ 1.
Từ ngày 16/10, người vào tỉnh Nam Định không phải xuất trình kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2. Người đến, về từ vùng cấp độ 4 (nguy cơ rất cao, tương ứng với màu đỏ) hoặc các khu vực đang phong tỏa để phòng, chống dịch COVID-19 nếu đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19, thực hiện cách ly tại nhà 7 ngày, xét nghiệm 2 lần. Những trường hợp chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 phải cách ly tập trung 7 ngày, sau đó theo dõi sức khỏe tại nhà thêm 14 ngày, xét nghiệm 3 lần. Đối với trường hợp người già yếu, bệnh lý nặng, trẻ nhỏ cần có người chăm sóc, áp dụng cách ly y tế tại nhà hoặc cơ sở y tế 14 ngày, sau đó tiếp tục theo dõi sức khỏe 7 ngày, xét nghiệm 3 lần.
Người đến, về từ vùng cấp độ 3 (nguy cơ cao, tương ứng với màu cam), vùng cấp độ 2 (nguy cơ trung bình, tương ứng với màu vàng) và vùng cấp độ 1 (nguy cơ thấp, tương ứng với màu xanh) đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19, đã khỏi bệnh COVID-19 (có xác nhận của cơ sở y tế) hoặc chưa tiêm, tiêm chưa đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà 7 - 14 ngày, xét nghiệm, khai báo y tế, thực hiện các biện pháp phòng dịch 5K.
Riêng đối với các trường hợp công vụ, đoàn ngoại giao, nhà đầu tư, chuyên gia, quản lý, công nhân tay nghề cao đi, về từ vùng cấp độ 3, 2 (màu cam, vàng) làm việc tại tỉnh có thời hạn phải có kế hoạch cụ thể, thành phần, thời gian vào tỉnh, lịch trình công tác, địa điểm làm việc cụ thể, thực hiện nghiêm theo lịch trình công tác và các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; đồng thời phải tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng COVID-19 (trong đó mũi tiêm cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 (có giấy xác nhận khỏi bệnh hoặc giấy ra viện); có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên trong vòng 72 giờ thì tự theo dõi sức khỏe, thường xuyên khai báo y tế, thực hiện nghiêm yêu cầu 5K kể từ ngày về tỉnh.
Hoạt động vận tải hành khách lưu thông nội tỉnh Nam Định vẫn duy trì. Ảnh minh họa.
Các trường hợp đến, về trên các chuyến bay thương mại nội địa; đến, về tỉnh bằng vận tải hành khách đường bộ, đường sắt, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo Quyết định 1776/QĐ-BGTVT ngày 8/10/2021; Quyết định 1782/QĐ-BGTVT ngày 11/10/2021 của Bộ Giao thông Vận tải.
Việc cách ly tại nhà chỉ thực hiện khi địa điểm cách ly đáp ứng yêu cầu theo quy định của Bộ Y tế. Trường hợp không đủ điều kiện cách ly tại nhà phải thực hiện cách ly y tế tập trung theo quy định.
Các cơ quan, công sở, trường học ở Nam Định vẫn hoạt động bình thường, đảm bảo quy định phòng, chống dịch, thực hiện khai báo y tế, quét mã QR-code. Từ ngày 16/10, tỉnh Nam Định cho phép các cửa hàng ăn uống, cơ sở kinh doanh cà phê hoạt động trở lại, tạm thời phục vụ tối đa 50% công suất. Tạm thời tỉnh chưa xem xét đến việc hoạt động trở lại các dịch vụ: karaoke, quán bar, vũ trường, xông hơi, massage; các điểm cung cấp trò chơi điện tử, điểm truy cập internet công cộng.
Lãnh đạo tỉnh Nam Định khẳng định, tỉnh thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP, song do tỷ lệ tiêm vaccine hiện đạt thấp nên Nam Định đã xây dựng và thực hiện lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 phù hợp với thực tế tại địa phương.
Toàn tỉnh đã tiêm 398.866 mũi vaccine phòng COVID-19; trong đó, 323.636 người đã tiêm mũi 1 (chiếm trên 24% dân số từ 18 tuổi trở lên); 75.230 người đã tiêm mũi 2 (khoảng 6% dân số từ 18 tuổi trở lên).
Tại Thái Bình, theo Thông báo số 118 ngày 16/10 của Sở Y tế, có 260 xã, phường, thị trấn, 8 huyện, thành phố và tỉnh Thái Bình đang ở cấp độ dịch là cấp 1.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Trọng Diện thông tin, tỉnh được xếp vào "vùng xanh" an toàn, cấp độ 1 về dịch COVID-19 ở cả ba cấp tỉnh, huyện, xã. Lãnh đạo địa phương yêu cầu việc kiểm soát thông tin người ra, vào tỉnh qua các trạm, chốt trong giai đoạn này cần ứng dụng triệt để công nghệ thông tin.
Từ 0h ngày 17/10, tỉnh Phú Yên áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn theo Nghị quyết số 128/NQ-CP, chi tiết các hoạt động tương ứng cấp độ 1. Mặc dù là địa bàn "vùng xanh" nhưng hiện nay Phú Yên đang áp dụng việc học trực tuyến. Các huyện, thị xã, thành phố chưa cho phép dạy - học trực tiếp.
Theo Sở Y tế Bình Thuận, dựa vào tiêu chí đánh giá nguy cơ dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 128/NQ-CP, Bình Thuận được phân loại dịch cấp độ 1 (nguy cơ thấp). Từ ngày 17/10, tỉnh cho phép Sở Giao thông Vận tải tổ chức thí điểm 2 tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh. Cụ thể, tuyến 1: Phan Thiết (Bến xe Bắc Phan Thiết) - Thành phố Hồ Chí Minh (Bến xe Miền Đông cũ) và ngược lại, tần suất 2 chuyến/ngày; tuyến 2: Tuy Phong (Bến xe Tuy Phong) - Thành phố Hồ Chí Minh (Bến xe Miền Đông cũ) và ngược lại, tần suất 2 chuyến/ngày. Bình Thuận dừng hoạt động tất cả các chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 liên ngành trên đường bộ từ ngày 17/10. Việc đi lại của người dân diễn ra bình thường theo đúng quy định phòng, chống dịch.
Đối với cấp tỉnh, Sóc Trăng xác định cấp độ dịch ở mức cấp 1 - nguy cơ thấp (vùng xanh). Tuy nhiên, Sóc Trăng đã phân loại cấp độ dịch COVID-19 để áp dụng các biện pháp hành chính "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" trên địa bàn tỉnh. Cụ thể: đối với cấp xã, có 89/109 xã, phường, thị trấn ở cấp 1- nguy cơ thấp (vùng xanh); 13 đơn vị mức cấp độ 2, tức nguy cơ trung bình (vùng vàng) và 7 đơn vị mức nguy cơ cấp 3-nguy cơ cao (vùng cam); không có đơn vị nào vùng đỏ-nguy cơ rất cao. Đối với cấp huyện, trong tổng số 11 huyện, thị, thành phố thì ở mức cấp 1 có 8 đơn vị, cấp 2 có 2 đơn vị là huyện Mỹ Tú và thị xã Vĩnh Châu, mức độ cấp 3 có 1 đơn vị là huyện Trần Đề. Thời gian áp dụng thực hiện theo Nghị quyết 128 của Chính phủ tại địa bàn tỉnh Sóc Trăng từ 8 giờ ngày 17/10/2021. Riêng đối với các đơn vị cấp xã nếu chuyển từ cấp độ dịch thấp sang cao hơn, thời gian áp dụng sau 48 giờ so với thời gian của quy định này.
Các tỉnh, thành phố xác định mức độ nguy cơ trung bình - cấp độ 2
Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La vừa ban hành Quyết định số 2526/QĐ-UBND áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo cấp độ 2 trên địa bàn. Hoạt động giáo dục, đào tạo đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế; tỉnh khuyến khích các phương pháp dạy học trực tuyến và qua truyền hình, thiết bị hỗ trợ thông minh.
Hoạt động đi lại của người dân đến từ các địa bàn khác tuân thủ điều kiện về tiêm chủng, xét nghiệm, cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trường hợp phải thực hiện cách ly tại nhà nhưng địa phương có địa điểm cách ly tập trung đảm bảo an toàn và được cá nhân người thuộc diện cách ly có đơn xin cách ly tập trung thì có thể tổ chức cách ly tập trung thay vì cách ly tại nhà...
Tối 17/10, ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hải Dương cho biết: Theo Nghị quyết số 128/NQ-CP và Quyết định số 4800/QĐ-BYT thì Hải Dương đang tương đương ở cấp độ dịch là cấp 2. Hải Dương được phân loại ở cấp độ 2 do lượng vaccine phòng COVID-19 được cung ứng mới đáp ứng cho tiêm chủng khoảng 50% dân số. Tỉnh đã xây dựng kế hoạch, tăng nhanh tỷ lệ tiêm vaccine để đảm bảo phòng, chống dịch và phát triển kinh tế, xã hội. Lãnh đạo tỉnh giao các cơ quan chức năng, địa phương đánh giá cấp độ dịch và tình hình dịch trên địa bàn để công bố cấp độ dịch tại địa bàn trong thời gian sớm nhất. Hiện người dân ở các vùng có dịch ở cấp độ 3, 2, 1 khi vào tỉnh không phải xuất trình kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 (đối với người đến, về từ "vùng đỏ" và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ vùng cam phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ); giảm 50% lực lượng tại các chốt kiểm soát dịch COVID-19 cấp tỉnh.
Hải Dương là một trong những địa phương xác định mức độ nguy cơ trung bình - cấp độ 2. Ảnh minh họa.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang Trần Thanh Thảo đã ký văn bản số 1528/QĐ-SYT ngày 16/10, về việc công bố cấp độ dịch COVID-19 quy mô cấp xã, phường, thị trấn và quy mô cấp huyện trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Theo đó, Tiền Giang có cấp độ quy mô dịch cấp 2 dựa trên các tiêu chí sau: Số ca mắc mới tại cộng đồng trong 2 tuần gần đây là 196, trong đó có 5 ca mắc mới tại cộng đồng; tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1 ở người trên 18 tuổi là dưới 70%; tỷ lệ tiêm đủ vaccine ở người trên 65 tuổi là dưới 80%. Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang có văn bản chấp thuận chủ trương hoạt động kinh doanh xổ số kiến thiết truyền thống trở lại từ ngày 22/10/2021. Tuy nhiên, do tỷ lệ tiêm vaccine cho người bán vé số lưu động chưa cao, do đó trước mắt, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang chỉ cho phép thực hiện bán lẻ vé số tại các điểm, bàn cố định và chưa cho phép bán lẻ xổ số lưu động trên địa bàn tỉnh.
Sở Y tế thành phố Cần Thơ cho biết, căn cứ hướng dẫn xác định cấp độ dịch theo Nghị quyết số 128/NQ-CP, thành phố thuộc cấp độ 1. Tuy nhiên, do chưa đạt được chỉ số trên 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vaccine nên theo quy định của hướng dẫn tạm thời, thành phố phải tự nâng lên 1 cấp độ dịch là cấp 2.
Phó Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ Phạm Phú Trường Giang cho biết, thành phố đã từng bước kiểm soát được dịch COVID-19 khi số ca mắc trong cộng đồng giảm dần, các ca mắc mới những ngày gần đây chủ yếu phát hiện trong các khu cách ly, phong tỏa, người từ vùng dịch trở về. Cũng theo ông Giang, nguy cơ lây lan dịch bệnh trên địa bàn vẫn còn do Cần Thơ là trung tâm về kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và thương mại, lượng người giao thương hàng hóa từ các tỉnh lân cận, người dân từ vùng dịch trở về là khá lớn… Trong khi đó, tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn còn thấp so với yêu cầu cần có để đạt miễn dịch cộng đồng.
Dịch tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội ở cấp độ nào?
Tại Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP đánh giá cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn đáp ứng ở cấp độ 1, nguy cơ thấp và ở trạng thái "bình thường mới". Hai tiêu chí được đánh giá gồm: tỷ lệ mắc mới tại cộng đồng/dân số/thời gian và độ bao phủ vaccine. Hà Nội đang trong tiến trình mở cửa từng bước một. Ngày 15/10, TP Hà Nội cho hoạt động lại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (trừ cơ sở kinh doanh rượu, bia, bia hơi) phục vụ tại chỗ, không quá 50% công suất và phải đảm bảo khoảng cách hoặc có vách ngăn/tấm chắn.
Hà Nội cho phép cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ tại chỗ, không quá 50% công suất và phải đảm bảo khoảng cách hoặc có vách ngăn/tấm chắn. Ảnh minh họa.
Trong khi đó, đến chiều 17/10, UBND TP Hồ Chí Minh cũng chưa chính thức công bố cấp độ dịch theo Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, Thành phố đang nghiên cứu để cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ với việc thành lập Tổ công tác với sự tham gia của cơ quan chức năng và các chuyên gia nhằm đánh giá tình hình tại thành phố đang ở cấp độ dịch nào theo hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Y tế và tổ chức các hoạt động theo các cấp độ cho phù hợp.
Theo lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh, Thành phố đang áp dụng các bộ tiêu chí trong các lĩnh vực như sản xuất, giao thông - vận tải, công thương, du lịch… làm cơ sở để các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động. Từ hướng dẫn tạm thời của Nghị quyết 128, Thành phố sẽ cập nhật và có sự điều chỉnh cho phù hợp với từng lĩnh vực.
Ông Phan Văn Mãi cho biết, dự kiến trong tháng 10/2021, Thành phố sẽ tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng, chống trong đợt dịch lần thứ 4, triển khai công tác phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế thời gian tới, đồng thời cụ thể việc triển khai thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ. Hiện Thành phố vẫn phải tiếp tục các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch.
Chia sẻ về việc phân cấp độ dịch của Thành phố hiện nay, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thông tin: Theo 3 tiêu chí đánh giá của Nghị quyết 128/NQ-CP về quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" Thành phố Hồ Chí Minh đang ở tạm mức 3 – vùng cam và có thể sẽ chuyển xuống cấp độ mức 2 - vùng vàng trong vài 3 ngày tới.
"TP Hồ Chí Minh chưa thể chuyển sang trạng thái bình thường mới bởi mới cơ bản kiểm soát được dịch và bước qua cấp độ thấp hơn (từ cấp độ 4 xuống cấp độ 3). Vì thế, rất cần tiếp tục có sự chung sức của người dân cùng có ý thức tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, giúp Thành phố sớm bước sang cấp độ 2, rồi mới tiến tới mức độ thấp nhất là mức độ 1 – bình thường mới", ông Tăng Chí Thượng nhận định.
Thời gian tới, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh sẽ ban hành hướng dẫn các quận, huyện, phường, xã tiêu chí phân loại cấp độ để đánh giá và áp dụng các biện pháp phòng dịch theo từng địa phương.
Linh hoạt thực hiện phòng, chống dịch
Đại diện UBND tỉnh Bình Dương cho biết đang yêu cầu các sở, ngành tham mưu phương án để thục hiện phù hợp theo Nghị quyết 128/NQ-CP. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đang xem xét quyết định các tiêu chí phân loại và cấp độ dịch linh hoạt với diễn biến dịch, độ bao phủ vaccine. Từ đó, tỉnh Bình Dương có cơ sở để cho phép các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giáo dục được hoạt động trở lại.
Theo đó, đến nay tỉnh vẫn đang duy trì trạng thái "bình thường mới" trong điều kiện thực hiện các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch trên địa bàn.
Ngày 16/10, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Nguyễn Hồng Chương ký văn bản khẩn liên quan tới nội dung công văn số 2628 hướng dẫn về việc theo dõi người cách ly tại nhà và cách ly y tế đối với các trường hợp nguy cơ vào địa bàn tỉnh do Sở ban hành vào ngày 15/10. Theo nội dung văn bản mới này, người nước ngoài nhập cảnh; các trường hợp đủ điều kiện xuất viện, hoàn thành thời gian điều trị COVID-19, trường hợp tiếp xúc gần với F0 từ các tỉnh, thành phố khác đến tỉnh Bình Dương… thuộc diện áp dụng cách ly y tế. Các trường hợp còn lại từ các tỉnh, thành phố khác đến Bình Dương thực hiện theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ.
Tỉnh Bình Phước chưa công bố cấp độ nguy cơ dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 128/NQ-CP. Theo đánh giá của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước, tỷ lệ bao phủ vaccine trên địa bàn còn thấp và theo hướng dẫn phân loại đánh giá cấp độ dịch của Bộ Y tế, tất cả các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh đang ở mức nguy cơ trung bình (màu vàng) trở lên.
Từ 0h ngày 17/10, những trường hợp đến từ vùng có nguy cơ dịch ở các cấp độ 1, 2, 3 đáp ứng các yêu cầu sau sẽ được vào địa bàn tỉnh Bình Phước: Người đã tiêm đủ 2 liều vaccine phòng COVID-19 (liều thứ 2 đã qua 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về Bình Phước. Người đã tiêm 1 liều vaccine (đã qua 14 ngày) có chứng nhận xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ tính đến thời điểm vào tỉnh và tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày. Người chưa tiêm vaccine phải có chứng nhận xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ tính đến thời điểm vào tỉnh; đồng thời, cách ly tại nhà, nơi lưu trú, hoặc cách ly tập trung 14 ngày. Trường hợp này chỉ được vào tỉnh qua các chốt kiểm soát dịch trên Quốc lộ 13, Quốc lộ 14, ĐT741, ĐT751 và ĐT752. Đối với những trường hợp đến từ khu vực có dịch ở cấp độ 4 hoặc vùng phong tỏa, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi đi cho phép di chuyển: Phải có chứng nhận xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ tính đến thời điểm vào tỉnh và thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú hoặc cách ly tập trung 14 ngày theo đúng quy định.
Tại Ninh Thuận, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, đã giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố căn cứ văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của Tỉnh ủy và tình hình thực tế tại địa phương, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" để trình UBND tỉnh ban hành Quyết định.
Ninh Thuận vẫn duy trì hoạt động chốt kiểm soát dịch trên các tuyến quốc lộ ra, vào tỉnh và ga Tháp Chàm. Nhiều trường học vẫn còn trưng dụng để làm khu cách ly tập trung cho những công dân trở về từ các tỉnh, thành phố phía Nam. Tỉnh chưa cho phép mở cửa hoạt động trở lại. Hiện trong tỉnh còn 5 khách sạn, cơ sở lưu trú vẫn dùng phục vụ cách ly tập trung theo nhu cầu (có thu phí).
Bà Rịa-Vũng Tàu đã cho phép người dân tắm biển. Ảnh minh họa.
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng chưa ban hành văn bản xác định cấp độ dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP. Tỉnh đang duy trì các chốt kiểm tra người, phương tiện ra, vào tỉnh bằng quét mã QR.
Đến chiều 17/10, tỉnh Kiên Giang không áp dụng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 nào khác với quy định chung của Chính phủ và đang xây dựng kế hoạch để thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP.
Đối với giao thông đường biển, tỉnh cho phép hoạt động thí điểm từ ngày 15 - 25/10, vận tải tuyến từ bờ ra đảo, vận tải hành khách ven biển, quanh các đảo trên địa bàn, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và sau đó có quyết định cuối cùng. Phương tiện hoạt động vận chuyển không quá 50% số ghế, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định như: Hành khách phải xuất trình đủ các loại giấy tờ có liên quan; lực lượng chức năng kiểm soát chặt người xuống tàu; sát khuẩn tay, đo thân nhiệt, yêu cầu hành khách khai báo y tế, quét mã Code; yêu cầu 100% hành khách trên tàu thực hiện "5K"…
Huyện đảo Kiên Hải phối hợp với Công ty cổ phần tàu cao tốc Superdong Kiên Giang tổ chức chuyến tàu miễn phí đưa 160 cán bộ, giáo viên, học sinh, người dân có hoàn cảnh khó khăn do mất việc làm đang bị mắc kẹt ở đất liền về lại các xã đảo trên địa bàn huyện.
Tỉnh thành lập Ban vận động quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 thuộc Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Kiên Giang, nhằm tổ chức vận động, huy động sức mạnh đại đoàn kết và các nguồn lực xã hội của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài tỉnh để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Chiều 17/10, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định 2222/QĐ-UBND về việc Quy định tạm thời ‘‘Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19’’; trong đó quy định biện pháp áp dụng phòng, chống dịch theo từng cấp độ cụ thể.
Qua đánh giá, phân loại cấp độ dịch COVID-19 theo tiêu chí 1 và 2 với quy mô 101/101 xã, phường và thị trấn thì tỉnh có 97 đơn vị ở mức độ cấp 1, 3 đơn vị mức cấp độ 2 và 1 đơn vị mức nguy cơ cấp 3, không có đơn vị nào vùng đỏ-nguy cơ rất cao. Đánh giá, phân loại cấp độ dịch COVID-19 theo tiêu chí 1, 2 và 3 thì Cà Mau có 101 xã, phường và thị trấn ở mức độ 2 - nguy cơ trung bình (vùng vàng).
Trên cơ sở quy định cấp độ dịch COVID-19 quy mô cấp xã, phường, thị trấn của Sở Y tế tỉnh Cà Mau (ban hành kèm theo Quyết định 2995/QĐ-STY của Sở Y tế tỉnh), Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2222 thay thế Quyết định 2195 ban hành ngày 15/10/2021. Theo Quyết định của tỉnh, thời gian áp dụng thực hiện theo Nghị quyết 128 của Chính phủ trên phạm vi địa bàn tỉnh từ ngày 16/10/2021; đồng thời tạm dừng thực hiện các nội dung mà UBND tỉnh đã chỉ đạo trước đây trái với nội dung quyết định này.
Hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố cũng đang xem xét điều chỉnh biện pháp phòng, chống dịch linh hoạt phù hợp với tình hình thực tế địa phương cũng như quy định của Chính phủ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo