Tin tức - Sự kiện

Hậu Giang: Dự kiến hỗ trợ 30 tỷ đồng cho người lao động tự do gặp khó khăn do COVID-19

DNVN - Chiều 18/7, UBND tỉnh Hậu Giang đã công bố kế hoạch về thực hiện hỗ trợ người lao động tự do gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh theo quy định tại điểm 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính Phủ.

Người lao động tự do ở Cần Thơ vui mừng chờ đón gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ / Cần Thơ: Vắng vẻ trong ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội

Theo kế hoạch, những người lao động được hưởng hỗ trợ là người không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) đang cư trú hợp pháp tại địa bàn tỉnh Hậu Giang và thời điểm mất việc có thu nhập thấp hơn 1,3 triệu đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị; 1 triệu đồng/người/tháng đối với khu vực nông thôn.

Thực hiện hỗ trợ cho những người làm công việc không ổn định như: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định, mua bán phế liệu lưu động, bốc vác tại các chợ, vận chuyển hàng hóa bằng xe thô sơ, lái xe ôm, bán vé số dạo, tự làm hoặc làm việc tại các cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, cắt, uốn tóc... Mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/người/ lần.

UBND tỉnh Hậu Giang dự kiến sẽ hỗ trợ 20.000 người với tổng kinh phí là 30 tỷ đồng, số kinh phí này sẽ được điều chỉnh thực tế theo tình hình diễn biến của dịch bệnh COVID-19. Nguồn kinh phí được trích từ nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Riêng đối tượng người bán vé số dạo, kinh phí hỗ trợ sẽ được chi từ nguồn kinh phí hoạt động của Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh Hậu Giang

Người lao động tự do đang từng ngày mong chờ nhận được gói hỗ trợ

Người lao động tự do đang từng ngày mong chờ nhận được gói hỗ trợ.

Để được nhận hỗ trợ, người lao động cần gửi đề nghị hỗ trợ và chứng minh nhân dân đến UBND cấp xã. Trong 3 ngày, UBND cấp xã dưới sự giám sát của đại diện Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội sẽ tổ chức rà soát, lập danh sách người lao động có đủ điều kiện nhận hỗ trợ để gửi lên UBND cấp huyện. Trong 2 ngày tiếp theo, huyện sẽ thẩm định tờ trình và gửi đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh và Sở Lao động - Thương Binh và Xã Hội. Sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ phê duyệt danh sách hỗ trợ và thực hiện chi trả hỗ trợ trong vòng 2 ngày. Trường hợp không phê duyệt, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trước đó, ở một số tỉnh khác của miền Tây cũng đã có kế hoạch thực hiện hỗ trợ người lao động nghèo khó khăn trong mùa dịch COVID-19, như:

Tỉnh Sóc Trăng quyết định hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người đối với những lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 trong các ngành, nghề: Thu gom rác, phế liệu; giúp việc, trông giữ trẻ, bốc vác, vận chuyển hàng hóa, lái xe ôm, tài xế lái xe dịch vụ; lái đò; bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, bảo vệ, dịch vụ nhỏ lẻ; các cơ sở giáo dục công lập, tư thục; chăm sóc sức khỏe (massage, xoa bóp y học, châm cứu); nghề làm đẹp (cắt tóc, gội đầu, làm móng).

Riêng nhóm đối tượng là người bán vé số lẻ, tiền hỗ trợ là 60.000/ngày/người (trong 15 ngày), trích từ nguồn kinh phí của Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Sóc Trăng.

Tại tỉnh Đồng Tháp, Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đã ký quyết định về việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng (lao động tự do) gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Quyết định này xác nhận hỗ trợ những lao động tự do bị mất việc bởi dịch COVID-19, làm việc trong nhóm ngành, nghề, lĩnh vực: Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa (tại các chợ, bến tàu, bến xe, bến cảng, nhà kho); lái xe mô tô 2 bánh chở khách; người tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú (phục vụ bàn ăn uống, đầu bếp, phục vụ bếp, lễ tân, tạp vụ); chăm sóc sức khỏe (massage, xoa bóp y học, châm cứu)... có cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh. Mỗi người được hỗ trợ với mức 1.500.000 đồng/lần.

Đối với người bán vé số lẻ, Công ty xổ số kiến thiết Đồng Tháp đề xuất mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/người, số lượng khoảng 8.600 người, tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 12,9 tỷ đồng.

Bên cạnh đó các tỉnh như: Cần Thơ, Bạc Liêu, Bến Tre cũng thực hiện hỗ trợ đối với người bán vé số dạo gặp khó khăn bởi dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh với số tiền 50.000 đồng/ngày/người; Riêng Trà Vinh, mức hỗ trợ là 60.000 đồng/ngày/người. Thời gian hỗ trợ từ 15 -18 ngày (tùy theo địa phương).

Kim Cương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm