Tin tức - Sự kiện

Hơn 90% người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội

Năm 2023, hơn 90% người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, phụng dưỡng, chăm sóc kịp thời; 100% đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; 100% người dân bị thiếu đói, thiệt hại do thiên tai, lũ lụt được trợ giúp kịp thời, không người dân nào bị đói...

Đà Lạt tuyên dương 130 gương điển hình tiêu biểu / Đồng Nai: Nhiều lợi ích trong liên kết sản xuất nông nghiệp

Chú thích ảnh
Người cao tuổi nhận tiền từ gói an sinh xã hội của Chính phủ. Ảnh minh họa: Đinh Tuấn/TTXVN

Theo ông Tô Đức, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - LĐTBXH), hơn 90% người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, phụng dưỡng, chăm sóc kịp thời; hơn 90% người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng kịp thời.

Bên cạnh đó, Cục đã chủ động hướng dẫn các địa phương theo dõi, tổng hợp tình hình thiệt hại về người chết, người mất tích, người bị thương; nhà đổ, sập, trôi, cháy, hư hỏng và tình hình thiếu lương thực, nhu yếu phẩm sinh hoạt trong dịp Tết Nguyên đán, mùa giáp hạt, lúc thiên tai… để kịp thời báo cáo cơ quan có trách nhiệm hỗ trợ theo quy định.

Về thực hiện công tác trợ giúp đột xuất, trên cơ sở đề xuất của địa phương, Cục đã tổng hợp, tham mưu để Bộ LĐTBXH trình Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất cấp 21.567 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 20 tỉnh để hỗ trợ cho 256.847 lượt hộ dân với hơn 1,4 triệu lượt người dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và giáp hạt năm 2023.

Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, các cơ quan trung ương, địa phương đã vận động và huy động được 9.500 tỷ đồng, hỗ trợ cho trên 25 triệu lượt đối tượng khó khăn với mức hỗ trợ 300.000-500.000 đồng/đối tượng.

Về thực hiện chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên, đến nay, cả nước đang thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng với 3,3 triệu người, trong đó có 1,4 triệu người cao tuổi, 1,6 triệu người khuyết tật; 21.000 trẻ em đang hưởng chế độ đối với trẻ em mồ côi, mất nguồn nuôi dưỡng; 146.000 trẻ em hưởng chế độ đối với trẻ em dưới 3 tuổi; 84.000 người đang hưởng chế độ người đơn thân nuôi con dưới 16 tuổi; 76.000 đối tượng khác.

 

Đáng chú ý, hiện cả nước có 349.000 hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng hàng tháng.

Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Tô Đức cho biết: Trước mắt tập trung vào hoạt động chăm lo Tết Giáp Thìn với các đối tượng bảo trợ xã hội và người dân. Về nhiệm vụ công tác bảo trợ xã hội năm 2024, Cục sẽ tập trung nghiên cứu, hoàn thiện đề cương luật sửa đổi đối với Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất xây dựng Nghị định về sàn an sinh xã hội quốc gia và quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bộ chỉ số giám sát an sinh xã hội quốc gia.

Đặc biệt, Cục triển khai quy hoạch, phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 nhằm phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội đủ năng lực, quy mô, đáp ứng nhu cầu tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ về trợ giúp xã hội, chăm sóc, nuôi dưỡng cho các đối tượng.

Ngoài ra, nhằm đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo trợ xã hội, Cục Bảo trợ xã hội sẽ đôn đốc, hỗ trợ địa phương thực hiện giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực trợ giúp xã hội trên phần mềm của Bộ và phần mềm dịch vụ công liên thông của Chính phủ; cập nhật bổ sung thường xuyên cơ sở dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và xác thực định danh điện tử.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm