Thu ngân sách tăng 4,5% dự toán nhưng giảm so với cùng kỳ năm ngoái
Đà Lạt tuyên dương 130 gương điển hình tiêu biểu / Đồng Nai: Nhiều lợi ích trong liên kết sản xuất nông nghiệp
Trong đó, ngân sách Trung ương tăng 4,6%; ngân sách địa phương tăng 4,4%. “Năm 2024, Bộ Tài chính sẽ phấn đấu thu đạt mức cao nhất, góp phần đảm bảo nguồn thực hiện các nhiệm vụ theo dự toán, dành nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương, xử lý các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách phát sinh, tăng chi cho đầu tư phát triển”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết.
Ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã rà soát các nguồn thu, tăng cường quản lý thu các lĩnh vực, ngành hàng, địa bàn trọng điểm, hoạt động thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới, chuyển nhượng bất động sản, rà soát giá tính thuế bất động sản để sát giá thị trường,...; phấn đấu tăng thu ở các lĩnh vực, địa bàn có điều kiện để bù đắp số giảm thu do thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất.
Bộ Tài chính cũng chỉ đạo quản lý, điều hành chi ngân sách Nhà nước (NSNN) chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; ưu tiên bố trí tăng chi đầu tư phát triển ngay từ khâu phân bổ dự toán và phân bổ các nguồn tăng thu, tiết kiệm chi của ngân sách Trung ương, nhất là đầu tư phát triển hệ thống đường cao tốc, giao thông kết nối liên vùng...
Về chi NSNN, ước đến ngày 31/12, chi ngân sách đạt khoảng 1,73 triệu tỷ đồng, bằng 83,4% dự toán; trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 79,8% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 81,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao tăng 33% so cùng kỳ năm 2022; chi thường xuyên ước đạt 90,3% dự toán, đảm bảo chi trả kịp thời, đầy đủ các khoản nợ đến hạn, kinh phí thực hiện cải cách tiền lương từ 01/7/2023 (đã dành khoảng 470 nghìn tỷ đồng của ngân sách các cấp để thực hiện cải cách chính sách tiền lương), thực hiện các chính sách an sinh xã hội đã ban hành.
Cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương các cấp được đảm bảo. Lũy kế đến ngày 25/12, đã phát hành được 296,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, bằng 74,2% kế hoạch đầu năm, kỳ hạn phát hành bình quân 12,54 năm, lãi suất bình quân 3,21%/năm, góp phần bù đắp bội chi và trả nợ các khoản nợ gốc ngân sách Trung ương đến hạn.
Về công tác hỗ trợ người nộp thuế (NNT), Bộ Tài chính tiếp tục triển khai có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng các sản phẩm hỗ trợ NNT theo phương thức điện tử, mang lại hiệu quả cao trong việc hướng dẫn NNT thực hiện thủ tục hành chính thuế cũng như tiếp cận chính sách thuế.
Năm 2023, các cơ quan đã cung cấp thông tin thông qua hình thức thư điện tử cho hơn 5,3 triệu lượt NNT; thực hiện hỗ trợ cho hơn 260.000 lượt NNT thông qua Zalo, Fanpage của các cục thuế; tổ chức trên 620 buổi đối thoại với 135.000 lượt NNT tham gia; tổ chức 630 lớp tập huấn về các chính sách mới với 112.000 NNT tham dự. Tại bộ phận “một cửa”, cơ quan thuế đã trực tiếp hướng dẫn cho khoảng 802.000 lượt NNT và có 26.000 văn bản trả lời vướng mắc của NNT.
Kết quả quản lý đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh qua sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) như sau: đã thực hiện rà soát đối với 5.826 doanh nghiệp và 23.192 cá nhân. Số thuế kê khai thường xuyên (không phân biệt hoạt động kinh doanh TMĐT hay truyền thống) của các doanh nghiệp và cá nhân có hoạt động kinh doanh trên sàn 10 tháng đầu năm 2023 tăng 318 tỷ đồng so với bình quân 10 tháng năm 2022.
Đến nay, cơ quan thuế đã tiến hành truy thu, xử lý vi phạm đối với 179 doanh nghiệp và 1.061 cá nhân có hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT với số tiền khoảng 275 tỷ đồng.
Những nỗ lực trong đổi mới phương thức, hình thức tuyên truyền, hỗ trợ của cơ quan thuế và cơ quan hải quan đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của NNT, từ đó tăng thu NSNN.
End of content
Không có tin nào tiếp theo