Hy hữu: Vị Giáo sư “người giời” 17 năm không lĩnh lương hưu
Đề xuất thu phí trở lại với đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi / Tổng kiểm tra việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trên cả nước
Câu chuyện của GS Nguyễn Kim Đính không lĩnh lương hưu trong 17 năm được coi là hy hữu lần đầu xảy ra đối với ngành bảo hiểm xã hội.
Vị Giáo sư "người giời"
GS Nguyễn Kim Đính (SN1931) công tác tại Khoa Ngữ Văn, trường Đại học Tổng hợp nay là Trường Đại học Khoa học xã hội Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) từ năm 1963 cho đến khi nghỉ hưu.
Trong đó có thời gian GS Đính làm Chủ nhiệm khoa.
Quãng thời gian công tác, ông được phong Phó Giáo sư, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, được tặng Huân chương Lao động Hạng Nhất.
“Tôi từng là thầy giáo làng và là sinh viên khóa 1 của Trường Đại học Tổng hợp. Đến khi nghỉ hưu cũng là trường hợp đặc biệt khi được nhà trường lưu giữ đến năm 2001, lúc 70 tuổi mới về hưu” – GS Nguyễn Kim Đính nhớ lại.
Nhiều học trò của GS Nguyễn Kim Đính, nay đều là người thành đạt đều nhận xét thầy là người tận tâm tận sức với công việc nghiên cứu, dạy dỗ, hướng dẫn sinh viên.
Giáo sư Nguyễn Kim Đính nghỉ hưu từ năm 2001
Một Giáo sư từng là sinh viên của thầy Đính cho biết, thầy là người không màng đến tiền bạc, danh lợi, chức vị.
Thầy Đính quan niệm việc gì đến sẽ đến nên không bao giờ ganh đua, đòi hỏi chức tước hay phần thưởng cá nhân. Thậm chí được thầy khác nhận xét: “Ông ấy là người giời”.
Gần đây, nhiều học trò bất ngờ khi suốt 17 năm qua – kể từ khi nghỉ hưu, vị Giáo sư, thầy giáo đáng kính chưa từng nhận một đồng lương hưu nào.
Lý do nào khiến vị Giáo sư đáng kính 17 năm không nhận một đồng lương hưu nào?
Liệu có phải do trắc trở về mặt thủ tục hay cơ quan chức năng "quên" không trả lương hưu cho thầy?
Vị Giáo sư già cười trả lời: "Đây là lỗi của tôi, không chịu đi làm thủ tục nhận lương hưu, không phải do Trường cũng không phải do bên BHXH".
Năm 2001, khi nhận quyết định nghỉ hưu ở tuổi 70, mức lương hưu thầy Đính nhận được là gần 900 nghìn đồng/tháng. Thầy Đính không lập gia đình, sống một mình ở khu tập thể của trường, nhu cầu chi tiêu không có gì là nhiều.
"Mức lương hưu lúc đó thấp, tôi vẫn còn dự trữ, mức chi tiêu lại thấp nên lúc đó cảm thấy chưa cần làm thủ tục nhận lương hưu vội" - GS Đính nhớ lại.
Thời gian sau đó, thầy Đính chuyển đến ở cùng các em, các cháu. Các cháu chăm lo cho người bác hết sức chu đáo. Các cháu của đều là những người thành đạt nên chi phí sinh hoạt, ăn mặc, vị Giáo sư 87 tuổi gần như không phải dùng đến tiền.
Chưa hết, thầy Đính còn được nhiều học trò quý mến, thi thoảng lại tặng thầy món quà nhỏ để thầy sử dụng.
"Năm 80 tuổi, nhà trường có tổ chức sinh nhật cho tôi, học trò, người thân tặng nào là áo, nào là quần đến giờ tôi đã dùng hết đâu. Xung quanh tôi, tình cảm lúc nào cũng dư dả" - GS Đính kể.
Đây cũng là lý do thầy Đính bẵng đi việc làm thủ tục nhận lương hưu. Cứ thế, đến nay đã 17 năm trôi qua kể từ ngày GS Nguyễn Kim Đính nhận quyết định nghỉ hưu.
Lần nhận lương đặc biệt
Rồi cũng đến ngày, người thân Giáo sư Đính thắc mắc, sao bao nhiêu năm chưa lần nào thấy ông lĩnh lương hưu?
Vị Giáo sư tìm lại hồ sơ, giấy tờ trước đây rồi tìm hiểu thủ tục nhận lương hưu.
"Tôi không nghĩ sẽ được nhận lương truy lĩnh suốt 17 năm qua" - GS Đính nói.
Cũng may, em GS Đính - nguyên là Viện trưởng Đại học Mở Hà Nội có một nghiên cứu sinh làm trong nghành BHXH. Chị đã liên hệ giúp GS Đính đến BHXH quận Thanh Xuân để làm thủ tục truy lĩnh lương hưu.
GS Nguyễn Kim Đính (thứ hai từ phải sang) cùng các học trò của mình tại Đại học Tổng hợp (cũ). Ảnh FB Mạc Yên.
Bà Lê Ngọc Anh - Giám đốc BHXH quận Thanh Xuân xác nhận: "Việc bác Đính 17 năm chưa nhận lương hưu đúng là trường hợp hy hữu của ngành BHXH. Chúng tôi đã hoàn tất thủ tục để bác có thể nhận khoản lương hưu truy lĩnh trong 17 năm qua và từ tháng 11 nhận lương hưu bình thường".
Theo đó, BHXH quận Thanh Xuân đã đề nghị GS Đính mở tài khoản ngân hàng để chuyển 890 triệu đồng tiền lương hưu 17 năm qua. Hiện GS Đính đã nhận được khoản tiền này.
Từ tháng 11 tới, lương hưu của GS Đính hơn 8 triệu đồng/tháng sẽ đều đặn được chuyển vào tài khoản trên.
"Tôi cũng chưa biết dùng gì với khoản tiền truy lĩnh, cứ để đấy đã. Đối với tôi, Danh và Lợi có thể cần, nhưng không đến mức chi phối được tôi" - GS Đính tiếp tục cười sau khi kể xong câu chuyện 17 năm không nhận lương hưu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo