IMF: Việt Nam là một trong những nền kinh tế có thành tích tốt nhất châu Á - Thái Bình Dương
Cao điểm Tết, sân bay Đà Nẵng có 230 – 250 chuyến bay cất, hạ cánh mỗi ngày / Hà Nội bán hàng đa kênh phục vụ Tết Nguyên đán
Việt Nam là một trong những nền kinh tế có thành tích tốt nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là nhận định của Phó Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bà Antoinette Monsio Sayeh, đang có chuyến thăm làm việc đầu tiên tới Việt Nam.
Phóng viên VTV đã có cuộc trao với bà Sayeh về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm nay, cũng như những khuyến nghị của IMF đối với chính sách tiền tệ và tài khóa của Việt Nam để vượt qua thách thức.
PV: Xin chào bà, cảm ơn bà đã tham gia chương trình. Bà đánh giá như thế nào về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2023?
Bà Antoinette Sayeh, Phó Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Bà Antoinette Sayeh, Phó Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF):Việt Nam đã làm tốt và là một trong những quốc gia đạt thành tựu tốt nhất trong khu vực, với mức tăng trưởng khoảng 8% trong năm 2022 và lạm phát duy trì dưới mục tiêu 4% của Ngân hàng Nhà nước. Chúng tôi kỳ vọng điều này sẽ tiếp diễn trong năm 2023.
Chúng tôi ước tính Việt Nam có thể sẽ tăng trưởng khoảng 5,8% trong năm nay, mức tăng trưởng này vẫn rất đáng kể so với các nước trong khu vực và so với nhiều quốc gia trên thế giới.
PV: Đâu là những thách thức chính mà Việt Nam phải đối mặt trong năm nay? IMF có những khuyến nghị gì để Việt Nam có thể vượt qua những thách thức đó?
Bà Antoinette Sayeh, Phó Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF):Chúng tôi dự đoán tốc độ tăng trưởng ở các đối tác thương mại chính của Việt Nam sẽ chậm lại, ví dụ như ở Mỹ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc. Và tất nhiên, sự chậm lại đó sẽ đồng nghĩa với việc xuất khẩu của Việt Nam bị giảm. Đồng thời điều kiện tài chính toàn cầu sẽ tiếp tục thắt chặt, điều này có thể sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất tại Việt Nam.
Về chính sách tiền tệ, do lạm phát gia tăng, lời khuyên tốt nhất của chúng tôi là thắt chặt hơn nữa thông qua tăng lãi suất có thể sẽ giúp bảo đảm kiềm chế lạm phát.
Về chính sách tài khóa, chúng tôi khuyến khích các cơ quan chức năng đảm bảo rằng các khoản đầu tư công của họ vào cơ sở hạ tầng và lĩnh vực kỹ thuật số, thực sự được xúc tiến và triển khai. Với tất cả những điều đó, chúng tôi rất kỳ vọng rằng Việt Nam sẽ vượt qua giai đoạn bất ổn này, một giai đoạn có thể rất khó khăn và các bạn sẽ vượt qua một cách tốt đẹp.
PV: Một lần nữa xin cảm ơn bà!
End of content
Không có tin nào tiếp theo