Khánh Hoà, Ninh Thuận: Xót xa táo rụng… người dân "bội sầu"
Khánh Hoà: Doanh nghiệp thưởng Tết cao nhất 120 triệu đồng / Khánh Hoà: Đón thêm nhiều đường bay quốc tế mới ngay đầu năm
Cuối năm, có dịp ghé thăm những vườn táo chuẩn bị bán tết của bà con nông dân tại xã Cam Thành Nam (TP. Cam Ranh), chúng tôi mới thực sự ngỡ ngàng và xót xa trước cảnh “vườn không nhà trống”.
Các nhà vườn ở đây cho biết, những vườn táo bỏ công chăm bẵm bấy lâu để chuẩn bị bán tết, bỗng gặp mưa lũ kéo dài hồi cuối năm, khiến quả bị thối, héo, rụng hàng loạt.
Táo đang mùa thu hoạch bán tết bỗng hư thối, rụng đầy vườn
Bà Tư Lành, một lão nông gắn với cây táo hơn chục năm nay, cho biết, năm nay gia đình bà đầu tư non 3 sào táo và khấp khởi khi thấy cây nào cây nấy sai trĩu quả. Ngờ đâu, mưa lũ gây ngập úng làm cho vườn táo bị úa vàng, trái táo căng mọng bỗng thối úng, khô héo, rụng đầy vườn.
“Còn nước còn tát, vợ chồng tui chạy vay mua thuốc bảo vệ thực vật về xử lý nhưng cũng không thể cứu nỗi, giờ gần như 90% táo trong vườn bị hư hỏng, vốn liếng tiêu tan, coi như mất tết”, bà Lành than thở.
Tương tự, vườn táo nhà ông Nguyễn An (xã Cam Thành Nam), đầu tư gần 50 triệu đồng, chưa kể công chăm sóc. Những tưởng Tết này sẽ “bội thu”, ai ngờ… “bội sầu”. Chỉ mới thu hoạch được lứa đầu, chưa đủ tiền giống má, thuốc phân thì nay ngả vàng, héo rũ…
Theo ghi nhận của PV, không riêng gì ở Cam Ranh (Khánh Hoà) mà bà con trồng táo ở các xã Phước Hữu, Phước Vinh, Phước Hậu... huyện Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận) cũng cùng chung số phận. Nhiều vườn táo đang trong thời kỳ thu hoạch bán tết bỗng vàng úa, thối rữa, trái rụng đầy vườn.
Theo bà con, nếu "thuận buồm xuôi gió" như mọi năm, táo ở đây cho năng suất khoảng 6 tấn/sào, với giá bán tết giao động từ 6.000 – 7.000 đồng/kg, thì bà con cũng kiếm được 35 - 40 triệu đồng/sào.
Thế nhưng, thời tiết năm nay bất thường, cuối năm mưa lũ kéo dài, vườn táo ngập úng dài ngày, đến khi thu hoạch thì táo “chết đứng”, trái hư thối, mất trắng gần như 80-90%, khiến bà con thất thu, thậm chí có gia đình mất tết.
Buồn vì mất mùa, nhưng bà con vẫn phải cất công đi hái hết những trái hỏng còn đeo lại trên cành đem cho dê, cừu ăn, để giữ lại giàn cành cho vụ sau.
Dù rất buồn lòng vì thất thu nhưng người dân vẫn phải bỏ công hái hết những quả hư còn "đeo bám" trên cành, để giữ giàn cành cho vụ sau
Trao đổi với PV, ngành chức năng địa phương, cho biết, đa số bà con trồng táo đều chọn vùng trũng, đất imđể phù hợp cho cây táo phát triển và cho năng suất, chất lượng cao. Do đó, khi mưa thường bị ngập và làm hư hỏng.
“Cây táo, sau mưa thường xuất hiện nhiều dịch bệnh, như: Ruồi đục quả, gây hại, dẫn đến thối trái; bệnh phấn trắng tấn công gây hại... Do vậy, bà con chú ý thường xuyên kiểm tra vườn táo, cũng như theo dõi các bản tin, thông báo dướng dẫn của ngành chức năng để sử dụng thuốc bảo vệ thực vật làm sao vừa đảm bảo sản xuất, vừa hướng đến đảm bảo an toàn, bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất và tiêu dùng”, ngành nông nghiệp địa phương, khuyến cáo.
End of content
Không có tin nào tiếp theo