Tin tức - Sự kiện

Không còn '2 trong 1', đề thi THPT quốc gia sẽ ra sao?

Các nhà trường và học sinh thi THPT quốc gia năm nay đang hồi hộp về thay đổi trong đề thi của kỳ thi này sau phát biểu kỳ thi không còn phục vụ mục tiêu '2 trong 1' của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ.

Báo cáo Thủ tướng việc hoàn thiện quy trình tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2019 / Bộ trưởng Giao thông: 'Cao tốc gần 35.000 tỷ đồng chi chít ổ gà do chất lượng thi công'

Cần khẳng định rõ về mục tiêu của kỳ thi

GS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học VN, cho biết ông thấy mừng khi ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, phát biểu rằng năm nay kỳ thi THPT quốc gia sẽ trở về đúng bản chất của nó, nghĩa là không chú trọng phục vụ mục tiêu “2 trong 1” nữa mà chủ yếu để đánh giá chất lượng phổ thông, đề thi vì thế sẽ bám sát với nội dung giáo dục phổ thông để đánh giá 12 năm học tập của học sinh.
Tuy nhiên, GS Dong cho rằng, phát biểu đó của Bộ trưởng cần phải cụ thể hóa bằng việc công bố đề thi minh họa và cách thức tổ chức thi để các nhà trường và giáo viên được biết kỳ thi này có phải là "2 trong 1" nữa không, chứ hiện nay ông vẫn thấy các phát biểu tỏ ra không rõ về mục tiêu của kỳ thi này.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2018 tại TX.Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước).

Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2018 tại TX.Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước).

Cùng quan điểm, bà Ngô Thị Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng kết quả giám sát cho thấy kỳ thi bị chi phối bởi mục tiêu "2 trong 1". Do vậy, một số khâu trong quy trình thi được thực hiện chưa phù hợp (giao việc tổ chức coi thi, chấm thi cho địa phương chỉ phù hợp với thi tốt nghiệp); việc dư luận xã hội băn khoăn nên hay không nên tổ chức kỳ thi để công nhận tốt nghiệp xuất phát từ nguyên nhân do mục tiêu không rõ ràng này.
Theo nhà giáo Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), việc quay về mục tiêu chính là đánh giá chất lượng phổ thông là hoàn toàn đúng với nhiệm vụ chính trị của kỳ thi này là xét tốt nghiệp. Luật Giáo dục hiện hành cũng chỉ quy định tổ chức thi để công nhận tốt nghiệp chứ không quy định thi để tuyển sinh ĐH. Do vậy, ông Hòa đề nghị đề thi cần bám sát mục tiêu này.
Ông Hòa cũng đề nghị đề thi không cần thiết phải “ôm đồm” nội dung, kiến thức của lớp 10, lớp 11 như dự kiến của Bộ GD-ĐT trước đây vì chúng ta vẫn kết hợp đánh giá cuối cấp với đánh giá quá trình. Việc thêm vài chục phần trăm nội dung của lớp 10, lớp 11 không giúp ích gì cho việc dạy học mà chỉ làm khổ học sinh và giáo viên khi dồn sức ôn thi quá nhiều.
Học sinh trung bình phải đạt điểm trung bình

Theo ông Vũ Khắc Ngọc, giáo viên luyện thi ở Hà Nội, một đề thi phân hóa tốt phải là đề thi mà kết quả làm bài của thí sinh phản ánh chính xác năng lực học tập của thí sinh. Em nào học yếu thì 3 - 4 điểm, trung bình thì 5 - 6 điểm, khá thì 7 - 8 điểm, giỏi thì 8 - 9 điểm. Riêng em nào học xuất sắc lắm mới được 9 - 10 điểm (tất nhiên đã tính tới cả khả năng chọn đáp án theo cảm tính). Nhìn vào đề thi năm 2018, có thể thấy 20% câu cuối cùng thực sự quá khó đến mức đánh đố. Do vậy, ông Ngọc kiến nghị Bộ cần giảm bớt số lượng câu hỏi quá khó, chỉ dành 10% đề thi cho việc phân hóa học sinh 9 - 10 điểm.
Một chuyên gia về khảo thí từng công tác tại Hà Nội cho rằng, mục tiêu thế nào sẽ quyết định cách thức ra đề thế đó. Nghĩa là vẫn phải căn cứ trên khoa học đo lường giáo dục trong ra đề, nhưng cũng phải dựa vào kinh nghiệm, làm sao để người kém nhất vẫn làm được một số ý. Nếu để quá nhiều điểm 0, hoặc quá nhiều điểm 10, đều không hay.
Về nguyên tắc ra đề thi nói chung, PGS Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN, khẳng định: Để ra được một đề tốt, nhóm ra đề cần phải xây dựng được bảng ma trận cấu trúc đề thi làm sao đánh giá được kiến thức kỹ năng cơ bản nhất mà cấp học yêu cầu, muốn như thế họ phải bám vào kiến thức kỹ năng cốt lõi. Nội dung các câu hỏi thi phải nằm trong chương trình học của học sinh. Đề thi phải có độ phân hóa, các ý phải có độ khó tăng dần lên, phân loại được học sinh. Nhưng yêu cầu đầu tiên là học sinh trung bình phải đạt điểm trung bình.
Loại bỏ câu hỏi quá khó, sớm công bố đềminh họa

Về kỳ thi THPT quốc gia, giải trình với Quốc hội, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định kỳ thi năm 2019 sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng ngân hàng câu hỏi thi làm cơ sở để xây dựng đề thi đáp ứng tốt hơn mục đích, yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia, đảm bảo tính phân hóa hợp lý để đánh giá học lực của học sinh. Khắc phục việc nội dung đề thi có một số câu quá khó, đảm bảo đề thi phù hợp hơn với tính chất của kỳ thi và thời gian làm bài của thí sinh. Báo cáo của Bộ GD-ĐT còn khẳng định Bộ sẽ sớm công bố đề thi tham khảo để giáo viên và học sinh làm quen với dạng đề trong quá trình dạy học lớp 12 năm học 2018 - 2019 và ôn thi THPT quốc gia năm 2019.
Trong khi đó, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội đề nghị: Để đáp ứng yêu cầu của kỳ thi là đánh giá trình độ, năng lực của học sinh phổ thông, Bộ GD-ĐT cần hoàn chỉnh phương thức thi trắc nghiệm, bảo đảm chất lượng đề thi. Ban hành quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa, đủ lớn, đạt chất lượng. Nghiên cứu, xây dựng các bài thi tổ hợp, đảm bảo kiến thức tổng hợp và khoa học.

Theo thanhnien.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm