Tin tức - Sự kiện

Kids Plaza và Bibo Mart sử dụng bản đồ sai lệch chủ quyền biển đảo Việt Nam

DNVN - Trên trang web của Hệ thống cửa hàng Mẹ Bầu và Em Bé Kids Plaza (thuộc Công ty Cổ phần Kids Plaza) và Bibo Mart (thuộc Công ty cổ phần Bibo Mart TM) hiện đang sử dụng bản đồ thể hiện sai lệch chủ quyền lãnh thổ, biển đảo Việt Nam.

Hơn 4.500 lượt tàu thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền / Triển lãm bản đồ về Trường Sa, Hoàng Sa

Những dấu hỏi với Kids Plaza và Bibo Mart

Tìm kiếm vị trí cửa hàng của Kids Plaza trên bản đồ trong trang web có địa chỉ: https://www.kidsplaza.vn/he-thong-cua-hang, vào lúc 9h sáng ngày 7/6/2024 người dùng khi zoom vào bản đồ sẽ dễ dàng nhận thấy hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không được thể hiện rõ ràng.

Bản đồ trong website của Kids Plaza không thể hiện quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Cụ thể, đối với quần đảo Hoàng Sa, bản đồ trong trang web của Kids Plaza thể hiện bằng tiếng Anh: Paracel Islands.

Điều đáng nói hơn, khi zoom thêm một chút nữa vào vị trí của quần đảo Hoàng Sa, người dùng sẽ thấy hiển thị tên đảo Tri Tôn của Việt Nam sang tên tiếng Trung là đảo Trung Kiến. Đảo Tri Tôn nằm cách đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi chỉ 121 hải lý. Đảo có địa hình là một cồn cát rộng, dài gần 2km, nằm trong nhóm đảo lớn ở quần đảo Hoàng Sa.

Hình ảnh quần đảo Hoàng Sa (ảnh vuông - Paracel Islands) và đảo Tri Tôn của Việt Nam được thể hiện bằng tên “Trung Kiến” (khoanh tròn).

Chưa dừng lại ở đó, trên đá Chữ Thập (quần đảo Trường Sa) của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo phi pháp, thực thể này được thể hiện với chú thích “Nansha District” hay “quận Nam Sa”. Đây vốn là đơn vị hành chính trái phép do Trung Quốc thành lập và Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối mạnh mẽ.

Bản đồ trong trang web của Kids Plaza hiển thị “Nansha Districst”.

Một điều rất khó hiểu, đó là trên trang web Kids Plaza đã bỏ cả tên huyện Hoàng Sa khỏi ô tìm kiếm. Cụ thể, khi tìm kiếm Hệ thống cửa hàng Kids Plaza bằng thanh công cụ được xổ xuống bên cạnh bản đồ, sẽ không có huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng).

Trong thanh công cụ này chỉ hiển thị 7 quận, huyện của Đà Nẵng, bao gồm: Cẩm Lệ, Hải Châu, Liên Chiểu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Hòa Vang. Trong khi đó, ngày 11/12/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành quyết định số 194-HĐBT về việc thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Quyết định nêu rõ: "Thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng bao gồm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trước đây thuộc huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng".

Trang web của Kids Plaza không thể hiện huyện Hoàng Sa trong menu tìm kiếm địa điểm.

Hiện nay, Hoàng Sa vẫn là đơn vị hành chính cấp huyện của thành phố Đà Nẵng. Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa là ông Võ Ngọc Đồng.

Có thể hiểu rằng, huyện Hoàng Sa là nơi chưa có cửa hàng của Kids Plaza hoặc vì lý do nào đó họ chưa có dịch vụ ở đây. Tuy nhiên, việc không hiển thị địa danh huyện Hoàng Sa khỏi thanh công cụ tìm kiếm trên trang web là khó chấp nhận. Điều này khiến người dùng thắc mắc tại sao lại không có huyện Hoàng Sa trong khi đây vẫn là một đơn vị hành chính cấp huyện của Đà Nẵng.

Hơn nữa, việc không hiển thị huyện Hoàng Sa lâu dần sẽ dẫn tới những nguy hại về nhận thức chủ quyền lãnh thổ cũng như hành chính. Đối với huyện đảo Trường Sa của Khánh Hòa, người dùng lại có thể tìm thấy trong thanh công cụ. Điều này gây khó hiểu khi hai huyện đảo này đều là các địa danh hành chính đã tồn tại từ lâu, có ý nghĩa đặc biệt về chủ quyền quốc gia nhưng lại không được thể hiện một cách rõ ràng.

Đối với Bibo Mart, cũng tương tự như Kids Plaza.

Trang web của Bibo Mart có địa chỉ: https://bibomart.com.vn/. Tại đây, khi người dùng truy cập vào phần hệ thống cửa hàng lúc 9h05 ngày 7/6/2024 và zoom bản đồ trong trang web cũng có thể thấy hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được thể hiện bằng tiếng Anh, tương ứng là Paracel Island và Spratly Islands.


Bản đồ trong trang web của Bibo Mart không thể hiện tên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Nếu người dùng zoom thêm vào vị trí của quần đảo Trường Sa, sẽ thấy tên các đảo thuộc quần đảo này hiển thị bằng tiếng Anh. Ví dụ cụm đảo Sinh Tồn được hiển thị là Union Banks; Cụm đảo Nam Yết (Tizard Bank); Kiêu Ngựa (Ardasier Bank)… và rất nhiều đảo, cụm đảo của Việt Nam khác.

Khi zoom sâu vào bản đồ, sẽ thấy tên các đảo, cụm đảo ở quần đảo Trường Sa được thể hiện hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, thậm chí bản đồ được Bibo Mart sử dụng còn không hiển thị bất kì tên một đảo, cụm đảo nào. Tất cả chỉ gói gọn bằng dòng chữ Paracel Islands.

Thậm chí, với quần đảo Hoàng Sa, trang web của Bibo Mart còn không hiển thị tên bất kì hòn đảo nào.

Tương tự Kids Plaza, khi tìm kiếm địa danh trên thanh công cụ được gắn trên trang web, nếu chọn tỉnh/ thành phố là Đà Nẵng, sẽ chỉ hiển thị 7 quận, huyện nhưng không hề có huyện đảo Hoàng Sa. Nhưng với tỉnh Khánh Hòa, người dùng có thể tìm thấy huyện Trường Sa trên thanh công cụ xổ xuống.

Bibo Mart cũng không thể hiện huyện Hoàng Sa trong thanh tìm kiếm địa chỉ.

Có thể thấy, việc thể hiện chủ quyền quốc gia trên hai trang web của Kids Plaza và Bibo Mart đều có những sự thiếu cẩn trọng nếu không nói là thiếu trách nhiệm đối với bờ cõi Tổ quốc.

Theo tìm hiểu, Kids Plaza sử dụng bản đồ có dữ liệu từ OpenStreetMap. Đây là là dữ liệu mở được Quỹ OpenStreetMap (OSMF) phát hành theo Giấy phép Cơ sở dữ liệu Mở của Open Data Commons (ODbL). Còn Bibo Mart sử dụng dữ liệu bản đồ từ TerraMetrics.

Liên hệ với Kids Plaza qua số điện thoại 1800.6608 để xác minh thêm thông tin, phóng viên được nhân viên phận chăm sóc khách hàng thông báo tiếp nhận thông tin và sẽ gửi đến các phòng ban để phản hồi báo chí.

Đối với số điện thoại 0247.309.1168 của hệ thống Bibo Mart, phóng viên làm theo hướng dẫn nhưng chỉ nhận được thông báo "để lại lời nhắn".

Tuy nhiên đáng chú ý, tại thời điểm 15h15 ngày 7/6/2024, tại địa chỉ https://www.kidsplaza.vn/he-thong-cua-hang không hiển thị bản đồ.

Bản đồ tại website của Kids Plaza bất ngờ "biến mất" chiều ngày 7/6/2024 sau cuộc gọi phản ánh của phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam vào sáng cùng ngày.

Bài học chưa được tiếp thu

Trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp ở cả trong nước và nước ngoài đã vướng phải những lùm xùm liên quan tới việc thể hiện chủ quyền của Việt Nam, tập trung ở việc thể hiện hình ảnh, tên gọi hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Có thể kể tới một số cái tên như: Grab, Yody, Mixue, Ninja Van, TCL, Apple, Công ty Cổ phần sự kiện Peak (đơn vị tổ chức Giải Bơi lội quốc tế ngoài trời Oceaman năm 2023)… Những doanh nghiệp này đã bị cộng đồng lên án, đồng thời các cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý nghiêm hành vi vi phạm.

Grab đã bị xử phạt 60 triệu đồng vì hành vi bản đồ trong ứng dụng không có Trường Sa và Hoàng Sa.

Pháp luật đã có những quy định rất rõ về sử dụng bản đồ, xuất bản phẩm. Theo đó, việc sử dụng bản đồ nhưng không có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa có thể được xem là hành vi lưu hành sản phẩm đo đạc và bản đồ, xuất bản phẩm bản đồ liên quan đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia mà không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền, biên giới quốc gia theo quy định của pháp luật về đo đạc và bản đồ.

Do đó, nếu doanh nghiệp thực hiện hành vi vi phạm này có thể bị xử lý theo điểm b khoản 7 Điều 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử:

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Tuyên truyền, kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm chủ quyền quốc gia; xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

8. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng Giấy phép thiết lập mạng xã hội từ 22 tháng đến 24 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 5, 6 và 7 Điều này;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm b, g, h và q khoản 3, điểm a khoản 4 và khoản 7 Điều này.

9. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 4 và điểm a khoản 5 Điều này;

b) Buộc thu hồi đầu số, kho số viễn thông do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;

c) Buộc thu hồi tên miền do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều này.

Do đó, các doanh nghiệp cần lưu ý nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật trong lĩnh vực cung cấp, sử dụng bản đồ để tránh những trường hợp thể hiện sai lệch chủ quyền quốc gia, gây tổn hại uy tín của doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng tới hoạt động bảo vệ chủ quyền đất nước.

Duy Khánh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm