Kiều bào với khát vọng xây dựng đất nước hùng cường - Bài 1: Nguồn lực to lớn và quý giá
Bão số 3 đã mạnh lên siêu bão, khả năng sẽ càn quét đất liền miền Bắc / EVNCPC: Hướng dẫn an toàn điện cho gần 120.000 khách hàng có nguy cơ cháy nổ cao
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài không chỉ phát triển lớn mạnh về số lượng, vị thế, vai trò ở nước sở tại mà còn có những đóng góp bằng nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả, hướng về quê hương với khát vọng góp phần xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Nhìn lại chặng đường 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài, phóng viên TTXVN thực hiện chùm 5 bài viết “Kiều bào với khát vọng xây dựng đất nước hùng cường”.
Bài 1: Nguồn lực to lớn và quý giá
Đoàn kết là giá trị văn hóa truyền thống quý báu được hình thành, phát triển trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đoàn kết là cội nguồn sức mạnh, đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích vẻ vang.
Như lẽ tự nhiên của “con Lạc, cháu Hồng”, dù sống xa Tổ quốc nhưng ở mọi thời điểm lịch sử của đất nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn gìn giữ và lan tỏa tinh thần đại đoàn kết, yêu nước nồng nàn, hướng về quê hướng, trở thành nguồn lực quý báu trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
“Nhân tâm thiên lý, tình nghĩa một nhà”
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới bà con kiều bào. Người đánh giá rất cao tấm lòng và tình yêu của kiều bào luôn hướng về Tổ quốc. Trong Thư chúc Tết gửi kiều bào năm 1946, Bác khẳng định: “Tổ quốc và Chính phủ cũng luôn luôn nhớ thương các đồng bào, như bố mẹ thương nhớ những người con đi vắng. Đó là nhân tâm thiên lý, đó là tình nghĩa một nhà”…
Từ tư tưởng đại đoàn kết dân tộc, sự quan tâm và chú trọng đến nguồn lực kiều bào của Bác Hồ, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định, người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Đảng, Nhà nước ban hành nhiều nghị quyết, chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, phát huy vai trò của bà con kiều bào. Tiêu biểu là Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài; Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.
Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ “triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn công tác người Việt Nam ở nước ngoài”.
Để góp phần thực hiện thắng lợi tầm nhìn, mục tiêu phát triển đất nước, xuất phát từ những bài học kinh nghiệm được đúc rút trong quá trình triển khai, trong bối cảnh mới của thế giới, trong nước và cộng đồng kiều bào ta ở nước ngoài, Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới đã nhấn mạnh: “Để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, thời gian tới, công tác người Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục được triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn, qua đó phát huy nguồn lực to lớn, tinh thần yêu nước của đồng bào ta ở nước ngoài hướng về quê hương, đất nước; nhận thức và hành động đúng đắn, phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc; đồng thời, thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài”.
Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1334/QĐ-TTg ngày 10/11/2023 phê duyệt Đề án “Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới”, nhằm tạo môi trường, cơ chế trong nước để người Việt Nam ở nước ngoài yên tâm gắn bó, phát huy nguồn lực của mình với đất nước. Xây dựng hành lang pháp lý để người Việt Nam ở nước ngoài cơ bản được hưởng môi trường pháp lý tương đương với người trong nước khi tiến hành các hoạt động đầu tư, kinh doanh, khoa học công nghệ…
Đó còn là tình cảm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước dành cho kiều bào mỗi khi có các chuyến công tác nước ngoài hoặc trong những dịp kiều bào về nước; dành thời gian gặp mặt, trò chuyện thân tình với bà con; lắng nghe bà con chia sẻ về cuộc sống xa xứ. Hiểu hơn những khó khăn, vất cả của bà con, lãnh đạo Đảng, Nhà nước kịp thời động viên bà con nỗ lực vươn lên, hòa nhập với xã hội sở tại, đóng góp cho quê hương, đất nước phù hợp.
Minh chứng rõ ràng nhất là gần đây, hàng loạt những chính sách mới trong lĩnh vực căn cước, đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản… đã được ban hành theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho bà con về nước sinh sống, làm việc, đầu tư, kinh doanh, hướng tới bảo đảm quyền lợi của công dân Việt Nam ở nước ngoài tương đương như người dân trong nước.
Nhiều năm qua, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như chương trình Xuân Quê hương, Đoàn kiều bào dự Giỗ Tổ Hùng vương, thăm quân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, Trại hè Việt Nam, Ngày Tôn vinh tiếng Việt… đưa các thế hệ người Việt xa quê trở về Tổ quốc, góp phần vun đắp tình cảm với quê hương, từ đó thổi bùng khát khao được cống hiến và chung tay góp sức cho sự phát triển của đất nước.
Những đóng góp “không thể cân đong đo đếm”
Từ khi thành lập Đảng và thành lập nước, sự nghiệp cách mạng của đất nước và nhân dân ta đã luôn nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ nhiệt tình và đóng góp nguồn lực quý báu của bà con kiều bào khắp năm châu bốn biển. Nhiều bà con, trí thức, doanh nhân kiều bào đã nghe theo tiếng gọi Tổ quốc và Bác Hồ, phát huy trí tuệ, công sức cho sự nghiệp kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như Giáo sư Trần Đại Nghĩa, Giáo sư Lương Định Của, Giáo sư Trần Hữu Tước…
Trong những năm đầu đổi mới, đóng góp của bà con kiều bào cả về nguồn lực vật chất lẫn tri thức, kinh nghiệm quản lý... góp phần giúp đất nước vượt qua khó khăn để có được thế và lực như ngày nay.
Các quan điểm, chủ trương, chính sách đại đoàn kết dân tộc đối với kiều bào “hợp ý Đảng, lòng dân” đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đồng lòng thực hiện của người dân ở trong và ngoài nước. Công tác đại đoàn kết, vận động, thu hút nguồn lực kiều bào tiếp tục được chú trọng, ngày càng nhiều kiều bào tham gia đóng góp nguồn lực kinh tế, nguồn lực tri thức và nguồn lực “mềm” cho quê hương, đất nước.
Từ khoảng 4,5 triệu người ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2016, đến nay đã có hơn 6 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, số người có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 10%, tương đương 600.000 người. Ở hầu hết các địa bàn có người Việt sinh sống đều đã thành lập tổ chức hội đoàn. Các hội doanh nhân, hội chuyên gia, trí thức người Việt thường xuyên có các hoạt động kết nối với trong nước, tạo thành một mạng lưới rộng khắp, liên kết người Việt cả ở trong và ngoài nước.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhận định: Kiều bào trở thành nguồn lực quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Với thế mạnh là tri thức và kinh nghiệm, kiều bào là nguồn lực chất xám quan trọng đóng góp cho đất nước. Hàng năm có khoảng 500 lượt chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài chủ yếu từ các nước phát triển về nước tham gia tích cực vào các hoạt động xây dựng và hoạch định chính sách, đặc biệt tư vấn cho các ngành, lĩnh vực phát triển mới của Việt Nam. Bà con đóng góp nhiều ý kiến sâu rộng, cụ thể trong các vấn đề lớn của đất nước như: Khoa học công nghệ, kinh tế xanh, môi trường, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo... Nhiều người tích cực kết nối, hợp tác với trí thức trong nước, hình thành nên những mạng lưới các nhà khoa học không chỉ trong phạm vi Việt Nam mà còn là ở phạm vi quốc tế, sẵn sàng nguồn lực hỗ trợ cho Việt Nam khi cần thiết.
Bên cạnh đó, kiều bào đã trực tiếp tham gia vào công tác nghiên cứu, giảng dạy ở trong nước. Các mô hình nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tên tuổi của trí thức kiều bào đã xuất hiện, ghi nhiều dấu ấn trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo của đất nước. Tiêu biểu như: Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành ICISE tại Quy Nhơn (Giáo sư Trần Thanh Vân - kiều bào Pháp); Viện nghiên cứu cao cấp về Toán (Giáo sư Ngô Bảo Châu - kiều bào Mỹ); Viện khoa học và công nghệ tính toán Thành phố Hồ Chí Minh (Giáo sư Trương Nguyện Thành - kiều bào Mỹ); trường Doanh thương Trí Dũng (Tiến sỹ Nguyễn Trí Dũng - kiều bào Nhật)...
Một nguồn lực vô cùng quan trọng khác của kiều bào đóng góp cho sự phát triển của đất nước là nguồn lực về kinh tế. Trong vòng hơn 30 năm qua, tổng lượng kiều hối chuyển về trong nước đạt hơn 200 tỷ USD, tương đương với lượng giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cùng kỳ. Tính đến hết năm 2023, kiều bào đã đầu tư 421 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD; cùng với đó là hàng nghìn doanh nghiệp có vốn đầu tư của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, lượng kiều hối chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh đạt gần 5,2 tỷ USD, bằng 54,7% so với cả năm 2023 và tăng 19,5% so với cùng kỳ. Dòng kiều hối đổ về Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới, nhất là khi Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi vừa có hiệu lực.
Phát huy truyền thống đoàn kết, “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, đồng bào ta ở nước ngoài còn tích cực hỗ trợ, tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo hướng về quê hương, ủng hộ đất nước trong phòng, chống dịch bệnh; giúp đỡ đồng bào trong nước có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng của bão lụt, thiên tai, đồng bào nghèo vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo; hỗ trợ cộng đồng người Việt ở các nước gặp khó khăn...
Song song với đóng góp nguồn lực kinh tế, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tích cực chung tay “xanh hóa” Trường Sa. Từ năm 2012 đến 2023, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã quyên góp ủng hộ đóng một số xuồng chủ quyền, xây dựng một số công trình trên đảo, mua quà tặng hiện vật và nhu yếu phẩm gửi tặng các điểm đảo, Nhà giàn DK1. Tổng số tiền ủng hộ trên 28 tỷ đồng.
Những đóng góp toàn diện trên các lĩnh vực của kiều bào ta ở nước ngoài đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển của đất nước thời gian qua, thể hiện tình yêu quê hương đất nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
“Đó là những con số có thể định lượng, bên cạnh đó còn rất nhiều đóng góp về chất xám, trí tuệ không thể cân đong đo đếm”, ông Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Bài 2: Kiến tạo động lực phát triển mới
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kinh tế 2024- Dự báo 2025: Xuất khẩu thuỷ sản về đích 10 tỷ USD
FPT Nhật Bản đạt danh hiệu nơi làm việc tốt nhất
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội
Quy định mới về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
Thi công thần tốc, gấp rút đưa các dự án FDI vào sản xuất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam