Lại có một cây phượng bật gốc đè trúng xe tải
Hiệu trưởng nhận trách nhiệm vụ cây đè chết học sinh: "Trách nhiệm là trách nhiệm đến đâu?" / Cây đổ đè chết học sinh, đi học mùa mưa cần chú ý gì để tránh gặp nạn?
Sự việc này xảy ra vào chiều 28/5 sau trận mưa lớn kéo dài. Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, lượng mưa tại TP.HCM vào chiều 28/5 dao động trong khoảng 10 - 20mm.
Dù sự cố không gây thiệt hại về người nhưng chiếc xe tải đỗ gần đó đã bị hư hỏng nhẹ. Thời điểm cây phượng bật gốc và đổ xuống, rất may đoạn đường này vắng người qua lại nhưng cũng khiến người dân bất an.
Đây là đoạn đường trồng khá nhiều cây phượng vĩ với tán cây rộng. Được biết, cây phượng bật gốc lần này có bán kính khoảng 0,5m, cao khoảng 5m, cành lá sum sê. Khi ngã đổ, cây phượng này nằm chắn ngang đường, không có dấu hiệu mục ruỗng nhưng ít rễ, rễ bám nông trên mặt đất.
Phần gốc cây phượng ít rễ, rễ bám nông trên mặt đất (Ảnh: VOV Giao thông)
Đây là lần thứ 3 trong tuần xảy ra sự cố cây phượng bật gốc. Trước đó, sáng 26/5, cây phượng bật gốc tại trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP.HCM) đã khiến 1 em học sinh lớp 6 thiệt mạng, hơn 10 em khác bị thương. Ngày 28/5, một cây phượng cao khoảng 10m bất ngờ bật gốc giữa sân trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) nhưng may mắn không gây thương vong.
Liên quan đến vụ cây phượng bật gốc đè trúng nhóm học sinh lớp 6 ở trường THCS Bạch Đằng, theo các chuyên gia, việc trồng cây xanh ở trường học cần có tư vấn chuyên môn, lấy giống từ vườn ươm để đảm bảo bộ rễ phát triển, tránh trường hợp đáng tiếc. Việc cây lớn bị bê tông hóa trong một bồn nhỏ đã khiến bộ rễ cây khó phát triển và nguy cơ ngã đổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhất là phượng vĩ - loài rễ bàng (rễ nổi và thường mọc ngang mặt đất).
End of content
Không có tin nào tiếp theo