Tin tức - Sự kiện

Làm cho thế giới sạch hơn - Bài 2: Đề cao đạo đức môi trường

Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2023 với chủ đề: “Chung tay hành động cho thế giới sạch hơn”, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, cộng đồng trong việc bảo vệ, giữ gìn, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Phát triển văn hóa, con người Đồng bằng sông Cửu Long gắn với mục tiêu bền vững / Tái cơ cấu các dự án nghìn tỷ đang đúng hướng

Nhiều hoạt động hưởng ứng

Chú thích ảnh
Ngày hội tái chế thu gom túi nylon đã qua sử dụng được làm sạch và các vật dụng tái chế, tại chợ Tam Thanh, huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận). Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Hưởng ứng Chiến dịch, nhiều địa phương trên cả nước đã đồng loạt ra quân, đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường trong những ngày qua.

Cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh và mở rộng thành phố, Hà Nội đã trở thành một trong 17 đô thị lớn nhất thế giới đang phải đối mặt những tác động tiêu cực do ô nhiễm môi trường, biến đối khí hậu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống, phát triển bền vững. Trước thực trạng đó, thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là hạn chế nguồn phát sinh chất gây ô nhiễm không khí.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang quản lý 34 trạm quan trắc không khí và một xe quan trắc không khí lưu động tự động liên tục tại khu xử lý chất thải Nam Sơn. Thành phố đưa vào vận hành 6 trạm quan trắc nước mặt, giám sát chất lượng môi trường khí thải, nước thải các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất.

Đáng chú ý, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã và quận Hà Đông tăng cường các biện pháp quản lý đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định, giải quyết dứt điểm tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch; xóa được hơn 99% số lượng bếp than tổ ong và xóa bỏ hàng trăm lò gạch thủ công…

Hưởng ứng “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn”, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề nghị các cấp, ngành, địa phương tiếp tục phát động các phong trào cộng đồng như: Ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng cây, cải thiện, phục hồi môi trường tại các đô thị, khu dân cư và vùng lân cận, nhất là trên các hồ, sông, kênh, mương...; trong đó, tập trung vào việc thu gom, thu hồi các sản phẩm làm từ nhựa, bao bì, túi nilon khó phân hủy và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định.

 

Nhằm xây dựng ý thức của người dân trong việc hạn chế sử dụng rác thải nhựa, ngày 24/9, tại chợ Đông Ba (thành phố Huế), Dự án Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam tổ chức phát động Tuần lễ không túi nilon. Trong các ngày từ 23 - 30/9, người dân và du khách được khuyến khích hạn chế dùng túi nilon bằng cách mang theo túi cá nhân hoặc tái sử dụng túi nilon khi đi mua sắm ở chợ; sử dụng các chai, hũ thủy tinh hoặc tái sử dụng chai, hũ nhựa để đong, mua hàng. Các quầy tính tiền của các siêu thị Co.opmart Huế và Central Retail GO! Huế sẽ không phát túi nilon đựng hàng trong vòng hai giờ mỗi ngày suốt tuần lễ, trong các khung giờ từ 9-11 giờ và 13-15 giờ.

Tại xã An Hòa Hải (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên), ngày 17/9, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức các hoạt động ra quân Ngày Chủ nhật xanh đồng loạt toàn quốc lần thứ IV, hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2023. Tỉnh Phú Yên là đơn vị được chọn tổ chức điểm để lan tỏa thông điệp “Chung tay hành động cho thế giới sạch hơn” trên phạm vi toàn quốc với các hoạt động: Ra quân trồng 5.200 cây xanh tại xã An Hiệp và xã An Hòa Hải; khánh thành một công trình thanh niên “Tuyến đường Sáng - xanh - sạch - đẹp - văn minh - an toàn” tại thôn Phú Thường, xã An Hòa Hải; ra quân “Hãy làm sạch biển”; tặng túi lưới đi chợ cho đoàn viên, thanh niên, người dân địa phương; tổ chức hoạt động đổi rác thải nhựa tái chế lấy cây xanh gồm các loại cây ăn trái cóc, ổi, xoài…; thăm tặng quà, tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân tại bãi biển thôn Phú Thường, xã An Hòa Hải.

Trước đó, sáng 16/9, tại Khu di tích Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Bắc Ninh phối hợp tổ chức Lễ phát động Quốc gia Chiến dịch "Làm cho thế giới sạch hơn" năm 2023. Chiến dịch "Làm cho thế giới sạch hơn" được phát động với chủ đề "Chung tay hành động cho thế giới sạch hơn". Lễ phát động nhằm truyền tải thông điệp cùng hành động, xây dựng lối sống bền vững, thân thiện với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu; khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững đất nước; thực thi có hiệu quả chính sách chống rác thải nhựa.

Lối sống hài hòa với thiên nhiên

Chú thích ảnh
Thùng rác công nghệ trên đường phố Hà Nội.Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Không chỉ đợi đến khi có các phong trào, chiến dịch bảo vệ môi trường mới hành động, nhiều địa phương trên cả nước đã có các cộng đồng dân cư, lối sống, mô hình sống xanh - sạch - đẹp, hài hòa với thiên nhiên từ nhiều năm qua. Một trong những điển hình là thói quen bảo vệ rừng Trâm hàng trăm năm tuổi tại thôn Ninh Hải thuộc xã đảo Minh Châu, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.

 

Theo người già trên đảo, rừng trâm đã có từ lâu từ khi những ngư dân đầu tiên đặt chân khai phá hòn đảo này, gắn liền với quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của xã đảo Minh Châu. Kéo dài hơn 1,5km và có diện tích khoảng 7 ha, khu rừng là một dải chắn cát, chắn gió vô cùng quan trọng đối với người dân thôn Ninh Hải, xã Minh Châu. Đối với mỗi người dân trong thôn, rừng trâm chính là “báu vật” truyền đời mà ai cũng phải có trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ rừng cũng là bảo vệ ngôi nhà mình đang sống.

Ông Nguyễn Văn Tý, 85 tuổi, người dân thôn Ninh Hải cho biết, hàng trăm năm nay, khu rừng được mỗi người dân trong thôn chung tay gìn giữ từ đời này sang đời khác. Từ đời ông, cha đến này luôn nghiêm cấm, nhắc nhở con cháu không được chặt cành, hái quả, chặt cây hay thậm chí nhặt lá rụng, củi mục trong rừng về nhóm bếp... Khu rừng như một khu vực thiêng bất khả xâm phạm mà mỗi người dân trong thôn được truyền dạy chỉ được phép gìn giữ chứ không được lấy đi bất cứ thứ gì của nó.

Trâm là loại cây thân gỗ to, khả năng tái sinh tốt, có thể mọc nhiều nhánh đan xen với nhau. Gỗ trâm tốt chỉ đứng sau: Lim, gụ, sến... Mặc dù chỉ cao khoảng 10m, nhưng rừng trâm có mật độ dày, đan chặt với nhau nên tạo thành một bức tường vững chắc chắn cát di chuyển, chắn gió bảo vệ làng xóm trước những trận bão biển lớn.

Xã đảo Minh Châu cũng thuộc Vườn quốc gia Bái Tử Long. Theo Ban quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long, khu rừng trâm có diện tích khoảng 7 ha, có ý nghĩa rất lớn đối với người dân xã đảo Minh Châu, có tác dụng chắn cát bay, là rừng phòng hộ chắn xâm thực của biển đối với thôn Ninh Hải.

Còn tại xã Liêm Phong, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, xã nông thôn mới kiểu mẫu củ tỉnh, môi trường là tiêu chí nổi trội tại đây. Xã đã tuyên truyền, vận động từng hộ gia đình, khu dân cư chỉnh trang khuôn viên khang trang, đồng bộ, xây dựng cảnh quan môi trường theo tiêu chí “sáng, xanh, sạch, đẹp”. Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, xã triển khai đề án phân loại rác thải tại gia đình. Kết quả, hơn 97% hộ đã áp dụng và tổ chức phân loại theo quy định. Rác thải hữu cơ được xử lý làm thức ăn chăn nuôi và ủ thành phân bón. Rác tái chế như giấy báo, vỏ hộp sữa, vỏ chai… được gom bán cho cơ sở thu mua phế liệu. Lượng rác còn lại được thu gom và vận chuyển về nhà máy xử lý rác. Thực hiện phân loại rác thải tại nguồn đã giảm khoảng 50% lượng rác thải so với trước đây, góp phần giảm áp lực cho tổ thu gom rác cũng như việc xử lý rác của địạ phương.

 

Bà Phạm Thị Châm, xã Liêm Phong cho biết, trước đây, nhà bà chỉ có một thùng chứa rác thải. Sau khi được tuyên truyền, vận động thực hiện đề án phân loại rác tại nguồn của xã, gia đình bà tích cực thực hiện và thấy việc phân loại rác không khó. Giờ đây, việc phân loại rác trở thành thói quen của tất cả thành viên trong gia đình.

Cũng tại tỉnh Hà Nam, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng đã triển khai phân loại rác sinh hoạt tại gia đình đến từng tổ dân phố từ năm 2021. Theo đó, mỗi hộ dân được trang bị 2 thùng đựng rác hữu cơ và vô cơ. Đơn vị thu gom định kỳ 2 - 3 lần/tuần, vận chuyển rác đưa về bể trung chuyển, tập kết rác. Tại các bãi chứa, rác thải chờ xử lý được phân thành 2 khu riêng biệt. Rác vô cơ được Công ty Cổ phần Môi trường Hà Nam bốc xúc vào các ngày thứ 4 và Chủ nhật hằng tuần; rác hữu cơ thu gom tại mỗi hộ dân chuyển về bể chứa, được xử lý thành phân bón cho cây trồng.

Thị trấn Ba Sao có nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân thực hiện như hỗ trợ thùng phân loại rác ban đầu, tuyên dương gia đình làm tốt, nhắc nhở hộ chưa thực hiện… Đến nay, tỷ lệ gia đình đã thực hiện phân loại rác thải của Ba Sao đạt trên 97%.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Đức Vượng, thời gian tới, cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị xử lý rác thải sau phân loại, tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành đồng của cộng đồng về phân loại rác thải tại nguồn. Bên cạnh đó, các địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn và xây dựng mô hình về phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt ngay từ gia đình; khuyến khích cơ quan, đơn vị, người dân hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, tập trung thu gom, phân loại và tái sử dụng rác.

Bài cuối: Hướng tới mục tiêu cải thiện chất lượng môi trường

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm