Phát triển văn hóa, con người Đồng bằng sông Cửu Long gắn với mục tiêu bền vững
Cần định vị thương hiệu và tạo sự khác biệt đối với du lịch Vĩnh Long / Cần Thơ: Kết nối các tuyến đường cao tốc để đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội
Sáng ngày 29/9, Trường Đại học Cần Thơ tổ chức tọa đàm SDMD với chủ đề “Văn hóa, kinh tế xã hội và nhân văn ĐBSCL - Đặc trưng, đổi mới và phát triển”. Đây là tọa đàm lần thứ 7 do trường tổ chức kể từ tháng 3/2022 đến nay trong khuôn khổ Diễn đàn phát triển bền vững vùng ĐBSCL tầm nhìn 2045 (SDMD 2045).
GS.TS Hà Thanh Toàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ phát biểu khai mạc tọa đàm.
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, GS.TS Hà Thanh Toàn – Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ nhấn mạnh, phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thật sự trở thành sức mạnh nội sinh phát triển đất nước bảo vệ Tổ quốc, đã được xác định là một trong những phương hướng quan trọng trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Với ĐBSCL, vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, giàu truyền thống và bản sắc băn hóa dân tộc, trong quy hoạch phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2050 theo Quyết định số 287 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định, đến năm 2050, ĐBSCL có trình độ phát triển khá so với cả nước. Đồng thời, là nơi đáng sống, là điểm điểm đến hấp dẫn của du khách và nhà đầu tư, các cộng đồng dân cư thịnh vượng. Do vây, hướng tới khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bản sắc văn hóa phong phú đa dạng để phát triển kinh tế xã hội bền vững.
Diễn đàn phát triển bền vững ĐBSCL tầm nhìn đến năm 2045, được triển khai theo chủ trương của Chính phủ do Trường Đại học Cần Thơ chủ trì từ năm 2022 nhằm kết nối các bên liên quan trong nước và quốc tế. Góp phần đề xuất các định hướng giải pháp cho Chính phủ, các cơ quan ban ngành, thúc đẩy hợp tác xây dựng và phát triển các chương trình, dự án thiết thực nhằm phát triển bền vững ĐBSCL.
Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho biết, trải qua 57 hình thành và phát triển, nhà trường cam kết sẽ đẩy mạnh cùng các đơn vị trong nước và quốc tế nỗ lực hơn nữa trong đào tạo, nghiên cứu khoa học phục vụ cho cộng đồng ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng và hiệu quả. Một trong những dự án mà Trường Đại học Cần Thơ hiện đang theo đuổi đó là xây dựng Bảo tàng lịch sử tự nhiên ĐBSCL, được tài trợ bởi Chính phủ Hoa Kỳ. Tuy nhiên do dịch COVID 19 bị gián đoạn, trường đang cố gắng kết nối lại các tổ chức của Chính phủ Hoa kỳ để hỗ trợ xây dựng Bảo tàng lịch sử tự nhiên ĐBSCL”.
Tại tọa đàm, nhiều ý kiến, tham luận đi sâu phân tích các giá trị văn hóa, con người vùng ĐBSCL - đặc trưng và động lực phát triển bền vững; các giải pháp phát triển văn hóa, con người ĐBSCL tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững; định hướng và phát triển du lịch ĐBSCL…
TS Lê Thanh Hòa - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho biết, ĐBSCL chiếm 19% dân số cả nước, đến năm 2020 đóng góp khoảng 12% GDP của cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 56 triệu đồng, bằng 69% so với trung bình cả nước (81,6 triệu đồng).
Ký biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển bền vững vùng ĐBSCL.
Trải qua hơn 300 năm khai phá, ĐBSCL có nền văn hóa dân tộc phong phú, đa dạng, nổi bật là nền văn hóa sông nước, kiến trúc chùa chiền khác lạ, độc đáo từ nhiều nền mỹ thuật khác nhau trên thế giới. Bên cạnh đó là hơn 300 làng nghề truyền thống và có khoảng 30 làng nghề hình thành hơn 100 năm.
Theo TS Hòa, sự hình thành và phát triển các làng nghề ở ĐBSCL đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông thôn theo hướng giảm nhanh tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị sản xuất công nghiệp và dịch vụ nông thôn, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều người lao động, thu nhập của lao động tham gia vào các làng nghề tăng gấp 3 - 4 lần so với làm nông nghiệp. Đồng thời tạo nên nét văn hóa làng nghề độc đáo vùng ĐBSCL.
Liên quan đến văn hóa, con người ĐBSCL, TS Bùi Thanh Thảo - Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, văn hóa và con người ĐBSCL chính là động lực, nguồn lực nội sinh đối với sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của vùng. Đặc trưng con người và văn hóa ĐBSCL là nghĩa khí, hào hiệp; tình cảm, bao dung; năng động, sáng tạo; phóng khoáng, tự do, trách nhiệm; yêu đời, tình nghĩa, mến khách. Con người và văn hóa đồng bằng là chìa khóa quyết định sự phát triển kinh tế xã hội bền vững.
“Vấn đề đặt ra là tận dụng, phát huy các phẩm chất, tính cách văn hóa tốt đẹp, cải thiện những mặt còn hạn chế trong con người ĐBSCL để biến nó thành nguồn lực nội sinh cho phát triển” - TS Thảo gợi ý.
Để phát triển văn hóa, con người ĐBSCL tạo động lực cho sự phát triển bền vững cần nâng tầm đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa; tăng cường các nguồn lực cho văn hóa và giáo dục, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn đầu tư phát triển văn hóa xây dựng con người;
Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi về đất, tín dụng, thuế và phí đối với các cơ sở đào tạo và thiết chế văn hóa do khu vực tư nhân đầu tư. Xây dựng một số công trình văn hóa trọng điểm; nâng cao khả năng dự báo và định hướng phát triển văn phát triển kinh tế xã hội hài hòa với văn hóa và môi trường động lực cho phát triển bền vững ĐBSCL.
Nhân dịp này, Trường Đại học Cần Thơ đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong các lĩnh vực để phát triển ĐBSCL với Trường Đại học khoa học nhân văn TP Hồ Chí Minh (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) và Hiệp hội Du lịch ĐBSCL.
End of content
Không có tin nào tiếp theo