Nhiều mô hình trồng rau, hoa thu nhập hàng trăm triệu đồng
Những sân bay nào được định hướng xã hội hóa đầu tư nâng cấp? / Sắp khởi công, khánh thành nhiều dự án giao thông
Phát huy tiềm năng, lợi thế cùng với định hướng đúng đắn của Chương trình số 04-CTr/TU về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2021 – 2025; trong đó, coi trọng phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên canh, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, mang lại giá trị kinh tế cao, trên địa bàn Hà Nội đã hình thành nhiều mô hình trồng rau cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng mỗi năm.
Ông Nguyễn Mạnh Hồng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát ở xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì (Hà Nội) cho biết, năm 2016, được sự hỗ trợ của UBND huyện Thanh Trì và UBND xã Yên Mỹ, hợp tác xã đã mạnh dạn trồng rau thủy canh theo công nghệ Israel với diện tích 2.600m2. Qua áp dụng công nghệ sản xuất mới, những loại rau, quả trái vụnhư rau cải các loại, muống, cà chua, dưa lưới... được nuôi trồng trong mô hình nhà lưới đều đem lại năng suất cao Sản phẩm rau của hợp tác xã cung cấp cho các bếp ăn tập thể, trường học trên địa bàn, mỗi năm cho thu nhập từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng...
Theo Phòng Kinh tế huyện Thanh Trì, toàn huyện có 140,5ha được thành phố cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, tập trung ở 2 xã: Duyên Hà, Yên Mỹ; trong đó, diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 109ha.
Để phát huy hiệu quả vùng trồng rau an toàn và nâng cao đời sống cho người dân ở vùng đất bãi, ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cho biết, huyện tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng sản xuất 140,5ha rau; trong đó, nâng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo đó, huyện sẽ hỗ trợ cho hợp tác xã, người dân về kinh phí thực hiện các mô hình ứng dụng công nghệ cao như: trồng rau thủy canh, rau hữu cơ. Bên cạnh đó, huyện tăng cường kiểm tra, giám sát quy trình sản xuất rau an toàn của người dân để bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật.
Tại thị xã Sơn Tây, người dân nơi đây cũng đang khai thác tốt lợi thế của từng vùng đất để phát triển nông nghiệp, xây dựng được nhiều mô hình như trồng sâm Bố Chính công nghệ cao, cúc chi hữu cơ tại xã Thanh Mỹ; trồng hoa, rau an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP (quy trình thực hành nông nghiệp tốt) tại phường Viên Sơn; trồng đu đủ đực khai thác hoa tại xã Cổ Đông; trồng nho Hạ đen ở các xã Đường Lâm, Xuân Sơn... Những mô hình này đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân, với doanh thu từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng/ha/năm.
Bà Bùi Thị Hiếu, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Tiêu thụ nông sản sạch Viên Sơn cho biết, từ năm 2016, phường Viên Sơn (thị xã Sơn Tây- Hà Nội) đã triển khai đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, với diện tích 20ha; trong đó, có 8ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Hợp tác xã cung cấp sản phẩm rau an toàn cho các bếp ăn tập thể như trường học, đơn vị quân đội trên địa bàn thị xã, đưa vào tiêu thụ tại các chuỗi siêu thị sạch của Hà Nội, như: Biggreen, Sói Biển, Big C, Winmart... với sản lượng gần 2.000kg/ngày. Mô hình rau an toàn, VietGAP ở phường Viên Sơn cho doanh thu khoảng 500-600 triệu đồng/ha/năm.
Đến tham quan trang trại hoa lan của anh Nguyễn Tiến Dũng, ở thôn Nội Đồng, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh (Hà Nội) được xây dựng khá hiện đại, với hệ thống chăm sóc hoa lan khép kín. Các công đoạn như tưới nước, nhân giống, tạo thế hoa đều được thực hiện trong nhà màng với tiêu chuẩn cao để hoa phát triển và nở đúng dịp. Các yếu tố nhiệt độ, ánh sáng và nguồn nước được kiểm soát tối ưu giúp cho sự sinh trưởng của hơn 50.000 gốc hoa.
Nhờ ứng dụng công nghệ trong sản xuất hoa lan, giúp cho cây hoa phát triển tốt, trang trại lanđãphát huy hiệu quả kinh tế, mang lại doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, trang trại còn tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động, với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng- anh Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.
Anh Nguyễn Tiến Dũng, đại diện trang trại Mê Linh F-Farm cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu ứng dụng để nâng cao chất lượng các loại hoa, thảo dược đang được trồng tự nhiên. Anh cũng kỳ vọng có thể phát triển Mê Linh F-Farm trở thành điểm du lịch sinh thái ấn tượng của huyện Mê Linh và Hà Nội.
Mê Linh là một huyện có diện tích trồng hoa đứng đầu các địa phương phía Bắc của Việt Nam, với khoảng 1.200ha; trong đó, chủ yếu là hoa hồng và hoa lan. Nhờ ứng dụng công nghệ cao vào trồng hoa lan đã đem lại hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho người dân nơi đây, góp phần nâng cao đời sống, phát triển kinh tế của địa phương.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết, nhân dân huyện Mê Linh có truyền thống canh tác nông nghiệp, đặc biệt là hoa - cây cảnh và rau màu. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện luôn quan tâm, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mà mô hình trang trại Mê Linh F-Farm là một điển hình.
Trong thời gian tới, huyện Mê Linh sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên canh, tập trung. Nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị kinh tế từ đất, cải thiện thu nhập cho người dân…" - ông Hoàng Anh Tuấn thông tin.
Theo ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, hiệu quả từ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã thấyrõ nhưng để thu hútđược các doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, Hà Nội cần thực hiện tích hợp các chính sách, từ đầu tư hỗ trợ giống, sản xuất tới đào tạo, chuyển đổi số, bảo vệ môi trường, chính sách về đất đai… Nếu thực hiện từng chính sách riêng sẽrất tản mạn, tách rời nhau gây lãng phí và khó hoàn thành mục tiêu của thành phố là xây dựng các vùng nông nghiệp tập trung, vùng sản xuất giống, xây dựng các khu công nghệ cao…
"Đặc biệt, rất cần có chính sách khuyến khích để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn Hà Nội, vì lĩnh vực này có tính rủi ro cao và nếu không có doanh nghiệp đầu tư, nông nghiệp không thể phát triển được"- ông Nguyễn Tiến Dĩnh nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo