Tin tức - Sự kiện

Lâm Đồng: Điểm du lịch canh nông không được kinh doanh dịch vụ lưu trú tại chỗ

DNVN – Theo quy chế tạm thời của tỉnh Lâm Đồng, điểm du lịch canh nông phải có diện tích tối thiểu 5.000m2 (đối với địa bàn TP. Đà Lạt) và 10.000m2 trở lên (đối với các huyện và TP. Bảo Lộc). Tuy nhiên, tuyệt đối không được đầu tư, kinh doanh dịch vụ lưu trú tại chỗ.

Lâm Đồng cung ứng gần 800.000 tấn rau cho thị trường Tết / Bí thư Lâm Đồng: Xuất hiện nhiều “Nông dân thế hệ mới” mạnh dạn ứng dụng khoa học và công nghệ

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp vừa ký quyết định ban hành Quy chế tạm thời về đầu tư và quản lý hoạt động kinh doanh du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh với nhiều quy định mới.

Theo đó, du lịch canh nông phải đảm bảo tối thiểu 4 yếu tố: Sự kết hợp giữa ngành du lịch và nông nghiệp; thu hút du khách đến tham quan các hoạt động nông nghiệp; mua bán sản phẩm nông nghiệp để gia tăng giá trị sản phẩm du lịch và tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp; mang đến tính giải trí, giáo dục và các hoạt động nâng cao tri thức cho du khách…

Du lịch canh nông góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng thu nhập của người nông dân, tăng giá trị tổng hợp của ngành nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng.

Du lịch canh nông góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng thu nhập của người nông dân, tăng giá trị tổng hợp của ngành nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng.

Các hoạt động du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng bao gồm: Tham quan, tìm hiểu quy trình và tham gia trải nghiệm cùng người nông dân về trồng trọt, chăn nuôi, nông lâm kết hợp và thu hoạch, chế biến nông sản tại địa phương.

Chủ thể hoạt động du lịch canh nông là các tổ chức bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã. Điểm du lịch canh nông phải có diện tích tối thiểu 5.000m2 (đối với địa bàn TP. Đà Lạt) và 10.000m2 trở lên (đối với các huyện và TP. Bảo Lộc). Tuyệt đối không được đầu tư, kinh doanh dịch vụ lưu trú tại chỗ.

Các tổ chức khi sử dụng đất vào mục đích xây dựng các công trình du lịch tại điểm du lịch canh nông cần phải lập dự án đầu tư theo quy định; phải thực hiện các thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để đầu tư, kinh doanh du lịch canh nông.

Để được công nhận là điểm du lịch canh nông, tổ chức tham gia đầu tư và kinh doanh phải đảm bảo các điều kiện theo quy định của quy chế này; đảm bảo hạ tầng kết nối giao thông; đảm bảo điều kiện kinh doanh và các quy định khác của pháp luật có liên quan; đáp ứng tiêu chí điểm du lịch canh nông.

 

Điểm du lịch canh nông phải có không gian thoáng mát, xanh, sạch, đẹp; khu vực để xe, khu vực dành riêng cho khách trải nghiệm, khu vực đón tiếp, trưng bày giới thiệu sản phẩm; khu vực canh tác, chế biến nông sản phục vụ khách tham quan; nhân viên thuyết minh đã được qua đào tạo về nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch…

Sản phẩm du lịch canh nông phải dựa vào sản xuất nông nghiệp theo một trong các phương thức: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và nông nghiệp hữu cơ.

Trường hợp điểm du lịch canh nông không đưa vào hoạt động khai thác hoặc kinh doanh không đúng mục đích được phê duyệt thì cơ quan chức năng thu hồi nội dung chấp thuận cho chuyển mục đích sử dụng đất và đầu tư, xây dựng điểm du lịch canh nông.

Đồng thời, buộc tháo dỡ vô điều kiện, di dời các vật kiến trúc đã xây dựng để hoàn trả diện tích đất canh tác nông nghiệp như trước khi được chấp thuận thực hiện dự án du lịch canh nông.

Du lịch canh nông là loại loại hình du lịch phục vụ du khách dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp theo phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại (giá trị cốt lõi), với mục tiêu giải trí, giáo dục và nâng cao tri thức. Khách tham gia du lịch canh nông sẽ được tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu quy trình canh tác cây trồng, chăm sóc vật nuôi và thu hoạch, mua, chế biến các sản phẩm nông nghiệp.

 

Năm 2015, UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng các mô hình du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh. Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh đã có 33 điểm du lịch canh nông được công nhận, với diện tích triển khai hơn 300ha, tổng vốn đầu từ gần 400 tỷ đồng.

Nhiều mô hình du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã thu hút được sự quan tâm của du khách đến tham quan, trải nghiệm, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng thu nhập của người nông dân, tăng giá trị tổng hợp của ngành nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thí điểm thiếu các hướng dẫn cụ thể từ các bộ, ngành Trung ương nên phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện mô hình du lịch canh nông; một số quy định trong Bộ tiêu chí đã ban hành không còn phù hợp với quy định hiện hành, nhất là vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng các công trình phụ trợ kèm theo phục vụ các khu du lịch canh nông.


Viên Hữu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm