Tin tức - Sự kiện

Lao động tự do "ngại" nhận trợ cấp COVID-19?

Với tâm lý "cực chẳng đã", nhiều lao động tự do dường như đang... ngại nhận khoản tiền trợ cấp COVID-19 đúng với quyền lợi của mình.

Tặng 20.000 cuốn sách giáo khoa lớp 1 cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn / Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi thư nhân dịp khai giảng năm học mới 2020-2021

Hết tháng 7/2020, các địa phương đã phê duyệt danh sách các nhóm đối tượng được nhận tiền từ gói hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lên tới 16,8 triệu người. Số tiền giải ngân gói hỗ trợ này hiện nay mới chỉ là gần 12.000 tỷ đồng trên tổng số 62.000 tỷ đồng.

Nếu như nhóm người có công, hộ nghèo - cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội đã sớm hoàn thành việc nhận hỗ trợ thì nhóm còn lại, chủ yếu là lao động tự do, lao động bị ngừng việc, mất việc do dịch…, số lượng hưởng hỗ trợ còn thấp.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Lực lượng lao động phi chính thức hiện nay chiếm khoảng 56% tổng số lao động trong cả nước. Đây là đối tượng chịu nhiều rủi ro, tác động mạnh nhất nhưng lại là nhóm đi làm thủ tục và được nhận hỗ trợ ít nhất. Dịch kéo dài, thu nhập khó khăn, vì sao số lao động tự do đi làm thủ tục hưởng hỗ trợ còn thấp?

Người lao động tự do "ngại" nhận tiền hỗ trợ COVID-19

Theo anh Nguyễn Tiến Cường, một người hành nghề chạy xe ôm ở Hà Nội nhiều năm, anh không muốn về quê để làm hồ sơ nhận trợ cấp vì mất thời gian và đi lại tốn kém. Chia sẻ quan điểm này, bà Vũ Thị Láu, một người hành nghề buôn bán phế liệu nói: "Đi mất thời gian làm thủ tục thì tôi đi làm tiếp còn kiếm bằng thế...".

Nhiều năm buôn bán phế liệu, dù vất vả nhưng mỗi ngày bà Láu cũng kiếm được từ 100.000 - 200.000 đồng. Nhưng từ tháng 3/2020, thu nhập của bà giảm sút vì hạn chế đi lại, rồi phế liệu không nhiều để thu mua. Mặc dù vậy, bà cũng biết "ngại" nhận trợ cấp COVID-19 vì biết câu chuyện của anh Vũ Huy Lâm - một đồng nghiệp ở kế bên nhà bà.

 

Anh Lâm mất 5 ngày để hoàn tất hồ sơ, về nhà rồi lên chỗ thu gom phế liệu để xác minh... rồi chờ hơn 1 tháng sau, anh đã nhận được 1 triệu đồng hỗ trợ. "Biết thế này không đi vì mất thời gian và chờ lâu quá" - anh Lâm nói.

Ngại nhận hỗ trợ COVID-19 là thực tại đối với nhiều lao động tự do. Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Hoái, cán bộ chính sách xã Quỳnh Hồng, Quỳnh Phụ, Thái Bình cho hay: "Quy định người lao động tự do, lao động từ nơi khác đến phải có phiếu xác nhận thu nhập của chính quyền địa phương đang làm khó người trong diện hỗ trợ và khó cho cả chính quyền. Làm thế nào để xác nhận đúng việc làm, thu nhập theo thời gian của các đối tượng này là vấn đề phức tạp.

Trên thực tế, thời gian giãn cách xã hội cũng kéo dài 1 tháng, để lấy được số tiền hỗ trợ là 1 triệu đồng cần làm khá nhiều thủ tục và đi lại nên đa số người lao động tự do có tâm lý ngại đi làm hồ sơ. Đó chính là lý do mà đến nay số lao động tự do nhận gói hỗ trợ còn thấp".

Mất việc vẫn khó nhận trợ cấp?

Người lao động tự do thờ ơ với khoản trợ cấp, với lao động có hợp đồng bị tạm hoãn, nghỉ việc làm không hưởng lương, không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp thì sao? Câu trả lời là họ vẫn mong muốn có một khoản hỗ trợ để vượt qua giai đoạn này. Nhưng nhiều người lại... chưa đủ điều kiện hưởng hỗ trợ, dù thực sự khó khăn do không còn thu nhập.

 

Đó là câu chuyện đang xảy ra với chị Nguyễn Thị Nết, tại Quỳnh Phụ, Thái Bình. Mới đi làm được 6 tháng thì dịch đến và chị Nết bị sa thải. Tròn 4 tháng chị ở nhà vì chẳng xin được việc ở đâu. Không được bảo hiểm bất nghiệp vì đóng chưa đủ 1 năm, chị đi làm thủ tục nhận hỗ trợ COVID-19 từ tháng 6, nhưng đến nay chưa được trả lời.

"Hàng trăm công nhân ở thị trấn Quỳnh Côi mất việc làm kể từ khi dịch xảy ra. Và thực sự rất khó khăn nhưng không ai đủ điều kiện để nhận hỗ trợ khó khăn do COVID-19 gây ra vì họ bị cắt hợp đồng trước ngày 1/4" - chị Nết chia sẻ.

Nới điều kiện nhận trợ cấp cho lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn

Rất khó cho các địa phương trong việc xác định thu nhập của người lao động; một số lĩnh vực vẫn bắt buộc nghỉ trong thời gian xảy ra COVID-19 nhưng không được hỗ trợ do không phải là nhóm đối tượng có trong quy định. Một số địa phương đã đề xuất xuất mở rộng đối tượng thụ hưởng; sửa đổi điều kiện vay vốn, kéo dài thời hạn cho người sử dụng lao động vay đến hết tháng 12/2020 và đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục xác nhận, phê duyệt người sử dụng lao động đủ điều kiện được vay vốn.

Mới đây, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội cũng đã đề xuất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện gói hỗ trợ lần 2 cho doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong bối cảnh hiện nay, việc có thêm một gói hỗ trợ cho người lao động là cần thiết, thứ nhất là cho những người chưa được hưởng hỗ trợ từ đợt trước, thứ hai là cho những nạn nhân mới của dịch COVID-19. Những chính sách cũng cần mang tính dài hơi hơn, chứ không chỉ cho 1 - 2 tháng.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm