Liên kết "3 nhà" trong phát triển nông nghiệp chưa như kỳ vọng
DNVN - Phát biểu tại Hội thảo “Chuyển đổi số nông nghiệp - nông thôn trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, ông Nguyễn Duy Hưng- Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Mối liên kết "3 nhà" (Nhà nước- Nhà nông- Doanh nghiệp) trong phát triển nông nghiệp Việt chưa như kỳ vọng.
Bí thư Vương Đình Huệ kêu gọi nhà đầu tư vào nông nghiệp sạch ở Ba Vì / Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Cần có thêm những “làn gió mới” trong nghiên cứu khoa học nông nghiệp
Chưa có cách tiếp cận mới
Hội thảo “Chuyển đổi số nông nghiệp - nông thôn trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với các bộ, ngành tổ chức, chiều 17/11.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Diễn đàn cao cấp về Công nghiệp 4.0 - Industry Summit 4.0, với sự tham gia của khoảng 50 đại biểu trực tiếp tại điểm cầu Trung tâm Hội nghị quốc tế cùng hơn 300 đại biểu trực tuyến là các chuyên gia, các nhà khoa học, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp...
Toàn cảnh buổi Hội thảo.
Ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, diễn giả tại hội thảo sẽ được Tổ biên tập Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tiếp thu, tổng hợp đầy đủ để xây dựng Đề án trình Ban Chấp hành Trung ương vào năm 2022.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Duy Hưng- Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, hơn 10 năm qua, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đã có bứt phá mạnh mẽ với nhiều thành tựu to lớn.
Nền nông nghiệp phát triển mạnh, chuyển nhanh sang nông nghiệp hàng hóa cạnh tranh quốc tế, phát huy lợi thế, sản xuất theo nhu cầu thị trường, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, thu nhập, đời sống người nông dân được cải thiện rõ rệt, nông thôn Việt Nam thay đổi không ngừng.
Tuy nhiên, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại: Phát triển chưa bền vững, chưa vững chắc. Năng suất lao động, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản vẫn còn thấp. Sản xuất quy mô nhỏ vẫn chiếm tỷ trọng cao, chưa gắn chặt với thị trường tiêu thụ. Liên kết chuỗi giá trị, công nghệ cao ứng dụng trong sản xuất, chế biến nông sản còn hạn chế…
Chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn vẫn chưa đồng bộ, chưa hình thành những yếu tố cơ bản của nông nghiệp số, nông thôn số.
Nông nghiệp, nông thôn Việt Nam hiện chưa có nền tảng số, chuỗi kết nối số, chưa có cách tiếp cận mới và toàn diện theo yêu cầu của chuyển đổi số, thiếu cơ sở dữ liệu lớn cho sản xuất. Nông nghiệp thiếu kết nối chia sẻ đồng bộ thông tin của tất cả các khâu sản xuất, quản lý, logistics, thương mại nông sản. Chưa tạo ra cơ hội cho nông sản vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn kết nối trực tiếp với hệ thống thương mại toàn cầu và chia sẻ dữ liệu cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.
Tuy khẳng định về cơ hội của chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp, nhất là khi Việt Nam có đội ngũ doanh nghiệp, giới khởi nghiệp năng động sáng tạo, nhưng Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương thừa nhận: “Thực tế mối liên kết 3 nhàtrong phát triển nông nghiệp của Việt Nam dù vẫn đang được coi là trọng tâm, nhưng chưa thực sự đạt nhiều kết quả như kỳ vọng”.
Ông Nguyễn Văn Châu- Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cũng đưa ra những khó khăn vướng mắc của tỉnh nhà trong việc kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Có 60.228 ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm 20% diện tích canh tác của Lâm Đồng, tỷ trọng nông nghiệp công nghệ cao chiếm 38,4% trong ngành nông nghiệp tỉnh, nhưng đây vẫn chưa đủ yếu tố để Lâm Đồng thu hút nhà đầu tư.
Nguyên nhân mà ông Châu đưa ra là dự án đầu tư cần diện tích đất lớn và giá thành sản xuất còn cao. Công tác quan lý Nhà nước về vật tư nông nghiệp, quản lý quy hoạch chưa bảo đảm, dẫn đến tình trạng phát triển nông nghiệp công nghệ cao một cách tự phát, thiếu tôn trọng quy định về sở hữu trí tuệ.
Đừng coi nông nghiệp là một ngành truyền thống
Chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo, Đại sứ Isarel - ngài Nadav Eshar cho biết, ông đã đến Đồng bằng sông Cửu Long và thấy nơi này có dư địa lớn để ứng dụng công nghệ nông nghiệp vào nuôi trồng thủy sản.
Đại sứ Isarel tại Việt Nam Nadav Eshar chia sẻ tại hội thảo
Theo Đại sứ Isarel, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không cần nuôi tôm trong lồng kính. Khu vực này có thể ứng dụng các giải pháp để kiểm soát bệnh tật, bảo đảm môi trường sống thuận lợi nhất cho thủy sản. Quan trọng nhất là con đường từ trang trại đến bàn ăn được kiểm soát chất lượng, người nông dân không cần phải lo quá nhiều.
Kinh nghiệm của Isreal trong phát triển ngành nông nghiệp là trên cơ sở phát huy mối liên hệ tương hỗ giữa người nông dân - nhà nghiên cứu và ngành nông nghiệp, gồm doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tại Isreal, 50% nguồn vốn đầu tư vào công nghệ nông nghiệp của Israel là từ bên ngoài, từ các quỹ đầu tư.
“Vai trò của Chính phủ rất lớn trong chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào ngành công nghệ phục vụ nông nghiệp, đặc biệt là các quỹ đầu tư mạo hiểm. Đừng coi ngành nông nghiệp là một ngành truyền thống như trước. Khi thu hút đầu tư vào ĐBSCL, phải đặt trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ngập mặn... để có quyết sách phù hợp”, Đại sứ Israel tại Việt Nam nói.
Cùng chủ đề này, bà Dina Umail- Deiginger, Giám đốc thực hành nông nghiệp, thực phẩm toàn cầu khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (Ngân hàng Thế giới) đã chia sẻ kinh nghiệm một số quốc gia khu vực châu Phi đã thực hiện thông qua việc tổ chức các cuộc thi sáng tạo chuyển đổi số cho nông nghiệp.
Các chính phủ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp thắng cuộc trong các cuộc thi này ứng dụng vào thực tế. Các đầu bài cũng được thiết kết trên cơ sở các nút thắt của ngành, ví dụ như kết nối người nông dân với thị trường... Kenia đã tìm được doanh nghiệp thắng cuộc giải bài toán này, như mô hình uber trong kết nối cung - cầu của nông nghiệp.
“Để khuyến khích các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, khởi nghiệp tham gia vào phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao, cần môi trường chính sách thuận lợi, khuyến khích chuyển đổi số, thu hút không chỉ các nhà sáng tạo, các nhà khởi nghiệp mà các quỹ đầu tư mạo hiểm. Việc khuyến khích người dân tham gia cũng cần vai trò của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của Nhà nước. ”, bà Dina Umail- Deiginger khuyến nghị.
Hà Anh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Thụy Sĩ tham dự Hội nghị WEF Davos lần thứ 55
Đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ phát triển nông nghiệp bền vững
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đường hoa xuân Menas Mall 2025: Hành trình gắn kết, khơi nguồn thịnh vượng
Đà Nẵng: Phẫu thuật laser bóc u tuyến tiền liệt nặng 120g cho cụ ông 95 tuổi
Cột tin quảng cáo