Tin tức - Sự kiện

Lý do nào khiến bệnh bạch hầu trở nên nguy hiểm?

Đặc tính của bệnh bạch hầu là vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc, các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi trùng gây nên.

Truy thu hơn 12 tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội / Hà Nội xảy ra 204 vụ cháy làm 6 người chết, 12 người bị thương

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo bác sĩ Nguyễn Đông Bảo Châu - Phòng Chỉ Đạo Tuyến, Bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nhóm B do vi khuẩn Bạch hầu có tên khoa học là Corynebacterium diphtheria thuộc họ Corynebacteriaceae gây ra. Đây là tình trạng nhiễm khuẩn cấp tính tạo ra giả mạc ở tuyến hạnh nhân (amidan), hầu họng, thanh quản, mũi.

Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Đặc tính của bệnh là vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc, các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi trùng gây nên. Bệnh có thể phát triển thành dịch nhất là ở nhóm trẻ dưới 15 tuổi chưa được tạo miễn dịch đầy đủ với vi khuẩn bạch hầu.

Bệnh Bạch hầu lưu hành ở mọi nơi trên thế giới và đã gây nên các vụ dịch nghiêm trọng, nhất là ở trẻ em trong thời kỳ chưa có vaccine. Theo số liệu được cung cấp bởi Cục Y tế Dự phòng Việt Nam, khu vực Tây Thái Bình Dương, những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, hàng năm có trên 13.000 trường hợp bạch hầu, đến năm 1990 giảm xuống 1.130 trường hợp và năm 1994 còn 614 trường hợp. Hiện nay, số mắc bệnh bạch hầu hàng năm đã giảm rõ rệt do hiệu quả của việc tiêm phòng bạch hầu cho trẻ em ở các nước.

Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bạch hầu năm 1985 là 3,95/100.000 dân. Nhờ thực hiện tốt Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia nên vào năm 2000 tỷ lệ mắc chỉ còn 0,14/100.000 dân.

 

Bệnh bạch hầu được lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu. Bệnh còn có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.

Người bệnh bạch hầu có triệu chứng viêm họng, mũi và thanh quản, họng đỏ, đau khi nuốt, da xanh, mệt mỏi, nổi hạch dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ. Trong vòng 2 - 3 ngày, giả mạc bắt đầu xuất hiện, thường có màu trắng ngà hoặc màu xám, dính chặt vào xung quanh tổ chức viêm, nếu bóc ra sẽ bị chảy máu.

Bạch hầu thanh quản là thể bệnh nặng ở trẻ em, biểu hiện tại chỗ là giả mạc thanh quản và biểu hiện toàn thân là nhiễm độc thần kinh, liệt thần kinh sọ não, thần kinh cảm giác, thần kinh vận động ngoại biên và viêm cơ tim, có thể gây tử vong trong vòng 6 - 10 ngày. Tỷ lệ tử vong do bệnh là 5 - 10%.

Tiêm vaccine ngừa bệnh bạch hầu là biện pháp được cho thấy rất hiệu quả trong phòng bệnh. Đối với trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 1 tuổi, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được tư vấn và tiêm ngừa đầy đủ các liều cơ bản cũng như các liều vaccine nhắc lại nhằm phòng ngừa bệnh bạch hầu tốt nhất cho trẻ. Nhóm trẻ lớn hơn, dù đã được tiêm ngừa đầy đủ các mũi vaccine kết hợp có ngừa bệnh bạch hầu ở giai đoạn dưới 2 tuổi vẫn nên được đánh giá tiêm chủng nhắc lại để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh cho trẻ.

Hiện nay tại Việt Nam, có nhiều loại vaccine có thể ngừa được bệnh bạch hầu cho cả người lớn và trẻ em. Đối với trẻ em, vaccine kết hợp ngừa được bệnh bạch hầu (vaccine dịch vụ và tiêm chủng mở rộng) có thể bắt đầu sử dụng từ lúc trẻ 2 tháng tuổi.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm