Tin tức - Sự kiện

Miền Tây Nam Bộ: Tình trạng thiếu hụt xăng dầu tại các cửa hàng nhỏ do tâm lý găm hàng trục lợi

DNVN - Những ngày qua, tại các tỉnh, thành phía Nam, nhất là miền Tây Nam Bộ có hiện tượng một số cửa hàng xăng dầu ngừng bán hàng với lý do thiếu nguồn cung, không có nhân viên phục vụ, sang nhượng cửa hàng cho đơn vị khác…

Bộ Quốc phòng và Y tế cử đoàn công tác giúp các tỉnh miền Tây chống dịch / Bắt quả tang nhiều cá nhân, doanh nghiệp vi phạm về môi trường ở một số tỉnh miền Tây

Đồng loạt kiểm tra

Chiều 8/2, ông Huỳnh Ngọc Hồ- Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) An Giang cho biết, đơn vị đã yêu cầu các Đội QLTT trên địa bàn tỉnh phối hợp lực lượng chức năng các huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh tăng cường kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm các trường hợp có dấu hiệu đầu cơ, găm hàng trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Lực lượng chức năng kiểm tra bồn chứa xăng, dầu của một cửa hàng tại An Giang.

Lực lượng chức năng kiểm tra bồn chứa xăng, dầu của một cửa hàng tại An Giang.

Theo Cục QLTT tỉnh An Giang, trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã xuất hiện nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa, tạm ngưng hoạt động chưa đúng quy định. Cụ thể, tính từ ngày 29/1 - 7/2, có 23 cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở 5 huyện Thoại Sơn, Phú Tân, Châu Thành, Châu Phú, An Phú ngưng hoạt động. Lý do, các cửa hàng hết xăng do thiếu nguồn cung, không có nhân viên phục vụ, sang nhượng cửa hàng cho đơn vị khác…

Theo thông tin, tạm ngưng hoạt động nhiều nhất là các cửa hàng kinh doanh xăng dầu thuộc hệ thống của PVOil cung ứng. Theo đó, PVOil đã gửi thông báo đến các đại lý này với nội dung: “Do tàu xăng dầu không về kịp, kho An Giang dừng cung cấp xăng A95 cho đến khi có thông báo mới; dầu DO và E5 vẫn cung cấp bình thường”.

Cục QLTT tỉnh An Giang yêu cầu các Đội QLTT kịp thời phát hiện, làm rõ từng cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa không hoạt động, cần thiết thì phối hợp các cơ quan chức năng kiểm tra thực tế hàng hóa tại cửa hàng, nếu vi phạm phải xử lý nghiêm. Cùng với đó, xác minh lại thông tin các cửa hàng xăng dầu đóng cửa, tạm ngưng hoạt động thời gian qua, nếu có vi phạm trong quá trình tạm ngưng hoạt động thì phối hợp kiểm tra để xử lý nghiêm theo quy định.

Nhiều cửa hàng treo bảng thông báo tạm ngưng hoạt động.

Nhiều cửa hàng treo bảng thông báo tạm ngưng hoạt động.

Chiều cùng ngày, Bộ Công Thương thông tin, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang tiến hành kiểm tra, giám sát tổng cộng 433/597 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh; không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Qua rà soát, thống kê trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hiện có tổng cộng 597 cửa hàng kinh doanh xăng dầu thuộc 7 thương nhân đầu mối, 6 tổng đại lý và 453 đại lý kinh doanh xăng dầu.

Trong đợt ra quân đồng loạt từ ngày 29/1 - 8/2, Cục QLTT Tiền Giang đã tiến hành giám sát 433/597 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn toàn tỉnh (chiếm 72,5% tổng số cửa hàng). Kết quả, các cửa hàng này hoạt động bình thường, chưa phát hiện tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

Ngày 7/2, đơn đã kiểm tra đột xuất đối với 1 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn xã Bình Đông, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang do ngừng kinh doanh mặt hàng xăng. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế do không còn hàng nên cửa hàng ngừng bán. Đến chiều ngày 8/2, cửa hàng đã nhập 6.000 lít xăng để cung cấp cho người tiêu dùng.

Tại Cà Mau, Sở Công Thương cho biết: Đơn vị đã có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị hỗ trợ cung ứng xăng dầu. Theo đó, tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh Cà Mau đang hết sức khó khăn. Các doanh nghiệp (DN) phân phối xăng dầu không mua được xăng dầu từ các DN đầu mối, nên không bảo đảm việc cung cấp kịp thời, đủ lượng xăng dầu cho các cửa hàng, đại lý bán lẻ.

 

Còn tại Hậu Giang, ông Huỳnh Thanh Phong- Giám đốc Sở Công Thương xác nhận, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Sở đã phối hợp Cục QLTT tỉnh kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật và thời gian kinh doanh tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đoàn đã phát hiện và lập biên bản 3 cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa ngừng kinh doanh khi chưa được sự chấp thuận của cơ quan quản lý và không có lý do chính đáng. Cuối tuần này Sở sẽ làm việc với 3 đơn vị nói trên để có hướng xử lý theo quy định.

Xử lý nghiêm trường hợp găm hàng trục lợi

Chiều 8/2, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì cuộc họp về tình hình sản xuất, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước. Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Hiện nay dự trữ trong nước đủ lớn, đáp ứng đủ xăng dầu cho tiêu dùng và sản xuất. Bộ Công Thương không để thiếu xăng dầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, đồng thời thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi găm hàng nhằm trục lợi”.

Phó Thủ tường Lê Văn Thành yêu cầu xử lý nghiêm nếu phát hiện các trường hợp găm hàng nhằm trục lợi.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu xử lý nghiêm nếu phát hiện các trường hợp găm hàng nhằm trục lợi.

 

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, sự việc này đã được Bộ Công thương chỉ đạo kiểm tra, theo đó hầu hết các cửa hàng xăng dầu ngừng bán hàng do lấy nguồn hàng từ các DN kinh doanh xăng dầu nhỏ. Ngoài ra, một số DN có hiện tượng hạn chế bán hàng để chờ tăng giá. Các bộ, ngành, DN đầu mối cũng khẳng định, tình trạng thiếu hụt xăng dầu chỉ xảy ra cục bộ tại cửa hàng đại lý của các DN nhỏ, do tâm lý găm hàng nhằm trục lợi.

Lãnh đạo Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí cho biết: Những vướng mắc trước mắt của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đã được tháo gỡ, từ giữa tháng 2, nhà máy sẽ dần khôi phục lại sản xuất như bình thường. Từ trước tết, Nhà máy lọc dầu Bình Sơn đã nâng công suất lên 103%, từ ngày 7/2 đã nâng công suất lên 105%.

Qua đó, Bộ Công Thương cũng khẳng định: Hoạt động giám sát, theo dõi, nắm tình hình, kiểm tra việc chấp hành các quy định trong kinh doanh xăng dầu sẽ tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới; không để xảy ra tình trạng găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu; góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thái Cường - Hòa Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm