Những "Làng mùa xuân" ở miền Tây
Số F0 trong cộng đồng ở các tỉnh miền Tây tiếp tục tăng cao / Các tỉnh miền Tây đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, điều trị F0 tại nhà
Làng thú kiểng Chợ Lách
Huyện Chợ Lách (Bến Tre) vốn nổi tiếng là “Vương quốc” của cây giống và hoa kiểng ở miền Tây, với khoảng 2.800 hộ sản xuất, kinh doanh, thu hút trên 5.000 lao động. Hiện nhiều chủ vườn đang tất bật uốn, tỉa, ghép hình để tung ra nhiều loại sản phẩm mới nhằm phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán năm nay. Trong đó, sản phẩm kiểng thú hình cọp được nhà vườn đẩy mạnh sản xuất, bởi đây là linh vật của năm.
Những kiểng thú tạo hình tại khu vườn nghệ nhân Năm Công.
Ghé vào địa điểm làm kiểng thú bằng cây si, chúng tôi gặp được chủ cơ sở là ông Nguyễn Văn Công (Năm Công, ngụ xã Hưng Khánh Trung B). Gắn bó với nghề làm kiểng tạo hình hơn 42 năm nay, nghệ nhân Năm Công cho biết, ông mê cây kiểng từ khi còn rất trẻ. Lúc đầu, chủ yếu trồng hoa kiểng và các loại cây ăn trái. Tuy nhiên thấy tình hình thị trường bất ổn, giá cả bấp bênh nên ông chuyển hưởng đi sâu vào làm kiểng thú. Lúc đầu, ông chỉ chọn những loại cây um tùm như mai chiếu thủy để làm, nhưng do khó uốn nắn, tạo hình nền sau đó chọn nguyên liệu là cây si.
Tác phẩm đầu tay của ông mà nhiều người biết đến là bộ kiểng hình rồng. Sau đó, ông tiếp tục nghiên cứu tạo hình ra các loài thú khác. Nổi bật nhất phải kể đến bộ kiểng hình 12 con giáp. Theo ông Công, để cho ra những tác phẩm kiểng tạo hình phải chọn nhánh cây si chiết ra có chiều dài từ 1,5 - 2m. Các nhánh này được cho vào bịch đất để nuôi dưỡng, sau đó sẽ tiếp tục công đoạn uốn, tạo hình dựa trên khung sắt đã hàn sẵn. Việc tạo hình đòi hỏi các nghệ nhân phải khéo tay, có mắt thẩm mỹ, uốn các nhánh cây si cho đầy đặn, hình dáng phải giống với con vật thật.
Cơ sở của ông Năm Công làm kiểng quanh năm nhưng sôi động nhất là mùa Tết, bởi nhận nhiều đơn hàng linh vật. Năm nay, kiểng cọp được đặt vài tráng trước. Do vậy dù cơ sở có đến 20 người thợ nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu. “Tết năm nào thì lấy con đó làm chủ lực. Năm Nhâm Dần này tôi đang cho “ra lò” nhiều tác phẩm hình cọp. Mỗi sản phẩm có giá từ vài triệu cho đến vài chục triệu”, ông Năm Công chia sẻ.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện tại vườn ông có đến hàng chục loại thú được tạo hình. Mỗi loại động vật có những đường nét, dáng đứng khác nhau nhưng vẫn tôn lên được cái thần vốn có của loài vật.
Với hơn 40 năm làm nghề, nghệ nhân Năm Công vẫn miệt mài nghiên cứu để tạo ra chục hàng ngàn tác phẩm độc đáo. Gần đây, ông cho ra đời nhiều kiểu dáng nhà mái lục giác, bát giác và kiểng hình như bình bông, hồ lô, kim tự tháp… rất ấn tượng. Nhờ uy tín, sản phẩm làm ra đều đạt chất lượng cao nên làm bao nhiêu cũng không đủ bán, ông chuyển qua sản xuất theo đơn đặt hàng. Ngoài ra, sản phẩm ở cơ sở Năm Công còn được đưa đi “xuất ngoại”, trong đó có Úc, Singapore, Campuchia…
Đang bận bịu tạo ra những sản phẩm độc đáo cung ứng cho các đơn đặt hàng, anh Lê Văn Trí (43 tuổi, ngụ ấp Phú Long, xã Hưng Khánh Trung B) có 20 năm kinh nghiệm làm kiểng thú cho biết: “Nắm bắt nhu cầu của thị trường nên Tết năm con gì tôi sẽ cho ra mắt những kiểng thú mang hình con giáp ấy. Năm nay, tôi sản xuất 20 cặp kiểng quất cọp lớn và 10 cặp kiểng quất chuột nhỏ. Hiện cọp lớn có giá 7 - 10 triệu đồng/cặp, còn nhỏ 2 - 3 triệu đồng/cặp”.
Theo lời anh Trí, việc tạo hình quất kiểng hình cọp khó hơn chó, heo, gà và vì thế giá sẽ cao hơn. Cuối tháng 2 âm lịch là thời điểm anh bắt đầu chiết quất thành nhánh, rồi cho vào bầu bó lại để ươm. Đến tháng 10 lịch sẽ bắt đầu dồn những giỏ quất đạt chất lượng vào khung sắt để tạo hình. Cứ 20 giỏ (mỗi giỏ 3 - 4 nhánh) quất sẽ cho ra 1 con cọp kiểng. Đối với cọp nhỏ mỗi công nhân làm ngày chỉ con, còn cọp lớn phải mất đến 2 ngày. Nếu tính các công đoạn như vô bầu, uốn khung sắt, tạo hình khoảng 5 ngày mới cho ra một sản phẩm. Mỗi năm, việc sản xuất kiểng thú trừ hết chi phí đem lại nguồn lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng cho gia đình.
Làng bưởi tạo hình ven sông Hậu
Huyện Châu Thành (Hậu Giang) là vùng chuyên canh trái cây lớn nhất của tỉnh. Toàn huyện có khoảng 1.300ha bưởi. Đến đây vào thời điểm này vô cùng nhộn nhịp bởi thương lái nhiều nơi đến đặt hàng mua sản phẩm, nhà vườn ra sức bảo vệ trước nạn “bưởi tặc”. Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm gặp ông Võ Trung Thành (ngụ ấp Phú Trí A, xã Phú Tân), bởi từ lâu người này được biết đến là “cha đẻ” củabưởi tạo hình.
Bưởi tạo hình của nhà vườn miền Tây.
Ông Thành kể, trước đây ông là một giáo viên, rồi chuyển qua làm nhân viên công ty rau quả, đến chạy xe ôm. Dù làm đủ thứ nghề nhưng cái nghèo vẫn đeo bám. Cách nay hơn 10 năm, ông quyết định trở về bám mảnh vườn để kiếm kế mưu sinh. Một lần, ông Thành ra vườn hóng mát nhìn thấy một trái bưởi mắc kẹt giữa 2 nhánh cây, với hình thù kỳ lạ. “Lúc đó, tui cũng không để ý nhiều. Sau đó, tôi tình cờ xem trên phim thấy có xuất hiện chiếc bình hồ lô nên đã nảy ra ý tưởng tạo hình bưởi”, ông Thành nhớ lại.
Từ đó, ông Thành bắt tay tạo ra 3 hình mẫu cho quả bưởi gồm: hình vuông, hình con gấu và hình hồ lô. Sau thời gian thử nghiệm, ông chọn hình quả bưởi hồ lô có 2 chữ “Tài - Lộc” nổi trên bề mặt, vì các hình kia không có ý nghĩa gì trong mâm ngũ quả ngày Tết. Từ một nông dân làm ăn nhỏ lẻ, từ khi sáng tạo ra trái bưởi hồ lô, ông Thành tạo công ăn việc làm cho nhiều người địa phương.
Đến nay ông Thành đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) sản xuất trái cây tạo hình ấp Phú Trí A với hàng chục hộ tham gia. Để có nguồn bưởi tốt, đủ sức tăng trưởng đáp ứng được việc tạo hình, khắc chữ, các thành viên trong CLB phải tìm sang các vườn ở tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng… mua hoặc hợp tác sản xuất với chủ vườn. Mỗi năm, CLB cung ứng cho thị trường cả nghìn quả bưởi tạo hình, với giá bán từ 1 - 2,5 triệu đồng/cặp.
Ông Thành cho biết thêm: “Ngoài các sản phẩm truyền thống như bưởi hồ lô Tài - Lộc, thư pháp, thỏi vàng đồng tiền, dịp Tết Nguyên đán này, CLB sẽ có mẫu mới là bưởi thỏi vàng nén, bưởi hồ lô có 3 chữ Phúc - Lộc - Thọ. Hiện nhiều nơi đã đến đặt hàng mua sản phẩm”.
Tương tự, 3 năm nay, nhà của anh nông dân xứ dừa Huỳnh Thanh Tâm (ngụ ấp 2, xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) trở thành địa điểm quen thuộc của thương lái những ngày cận Tết. Anh Tâm là người được “cha đẻ” bưởi tạo hình chia sẻ kinh nghiệm và thành công với bưởi vuông, bưởi thỏi vàng.
Anh Tâm cho biết: “Nối tiếp thành công từ việc tạo hình năm trước, Tết Nguyên đán này, cơ sở sẽ cung ứng cho thị trường bưởi thỏi vàng, bưởi tròn in chữ thư pháp Tài - Lộc, bưởi vuông 6 mặt. Điểm đặc biệt bưởi tạo hình của cơ sở năm nay là kích cỡ, trọng lượng bưởi tạo hình lớn hơn các năm trước”.
Được biết, bưởi anh Tâm chọn để tạo hình là bưởi da xanh - một loại đặc sản có giá trị cao và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho tỉnh Bến Tre. Nói về lý do chọn loại này để tạo hình, anh Tâm chia sẻ: “Từ trước đến nay chưa có ai tạo hình trên bưởi da xanh. Bởi loại này có vỏ sần sùi, không được bóng như những loại khác và kích cỡ giữa các trái không đồng đều. Chính vì vậy, tôi muốn tạo ra một loại trái cây mới lạ, mang nét độc đáo riêng và không đụng hàng. Tuy nhiên việc tạo hình vô cùng khó khăn và phức tạp, phải mất hơn 1 năm thử nghiệm mới thành công”.
Theo anh Tâm, một trái bưởi da xanh thường có trọng lượng khá lớn, từ 2 - 3kg. Do đó, tạo hình được một trái bưởi vuông hay bưởi thỏi vàng đòi hỏi phải có khuôn cố định với sức nén cực đại mới ra sản phẩm như mong muốn. Trải qua nhiều lần thử nghiệm thất bại, chàng trai xứ dừa đã thành công với trái bưởi thỏi vàng và bưởi vuông.
“Lò" sản xuất mai nguyên thủy
Tết Nguyên đán đang cận kề cũng là lúc làng mai kiểng Phú Hưng (xã Đông Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) tất bật chăm sóc để phục vụ người dân đón năm mới. Mỗi năm, làng mai nơi đây cung cấp cho thị trường hơn 15.000 chậu.
Những năm gần đây, nhu cầu thị trường tập trung vào cây mai nguyên thủy, không còn chuộng mai ghép cành. Nắm bắt được thị hiếu đó, Hợp tác xã (HTX) mai vàng Phú Hưng đã được thành lập với 31 thành viên cùng với quyết tâm trồng, chăm sóc, tạo dáng từ những cây mai nguyên thủy. Đến nay, HTX này là nơi duy nhất trên địa bàn tỉnh Hậu Giang sản xuất mai kiểng phục vụ cho thị trường các tỉnh lân cận.
Nhà vườn đang tất bật tạo hình cho bưởi để bán trong dịp Tết.
Ghi nhận tại đây, hàng ngàn chậu mai được bố trí dọc 2 bên đường, chật kín sân nhà và nhiều xe tải đến vận chuyển hàng. Theo nhận định của các hộ trồng mai, năm nay thời tiết khá thuận lợi, dự báo sản phẩm mai sẽ đạt chất lượng tốt, đồng đều. Bà Lê Thị Đen, thành viên HTX mai vàng Phú Hưng chia sẻ: “Trong dịp Tết năm nay, tôi dự kiến sẽ đưa ra thị trường khoảng 500 chậu. Hiện đã xong công đoạn rửa gốc mai và đang bắt tay vào chăm sóc để có thể cho ra sản phẩm tốt. Ngoài việc chăm sóc mai tôi cũng chuẩn bị phương pháp xử lý nếu thời tiết bất thường xảy ra, không để mai nở sớm”.
Ông Lê Văn Ky - Giám đốc HTX mai vàng Phú Hưng cho biết, thời điểm này để chuẩn bị cho thị trường tết thì nhà vườn tại đây đã tất bật rửa mai, tạo tán, chỉnh sửa dáng cây, chuẩn bị xử lý ra hoa vào đúng dịp Tết Nguyên đán. Đến khoảng mùng 9 tháng 12 âm lịch sẽ lặt lá, xử lý bông. Dự kiến dịp xuân Nhâm Dần 2022, HTX cho lên chậu hơn 15.000 cây mai vàng loại 8 - 12 cánh. Giá mỗi chậu dao động từ 2 cho đến 200 triệu đồng.
Do đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng nên thị trường tiêu thụ mai của HTX Phú Hưng khá rộng. Cụ thể sản phẩm nơi đây được thương lái ở các tỉnh như: An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau lấy về bán theo hợp đồng đặt hàng sẵn, số mai còn lại bán lẻ ở Cần Thơ. Hiện số lượng lớn mai tại đây đã được thương lái đặt hàng và HTX cũng đang chuẩn bị xuất bán, hứa hẹn vụ mai Tết năm nay sẽ rất hứng khởi.
Được biết, HTX Hưng Phú có tổng diện tích trồng mai gần 5ha, trong đó có 50% được trồng tự nhiên, 10.000 cây được trồng trong chậu, hơn 1.000 cây có đuổi đời trên 20 năm tuổi. Mỗi năm, doanh thu từ mai vàng mang về trên 5 tỷ đồng. Nhờ sản xuất hiệu quả, HTX mang lại nguồn thu nhập cao cho các thành viên và người lao động tại địa phương.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Thụy Sĩ tham dự Hội nghị WEF Davos lần thứ 55
Đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ phát triển nông nghiệp bền vững
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đường hoa xuân Menas Mall 2025: Hành trình gắn kết, khơi nguồn thịnh vượng
Đà Nẵng: Phẫu thuật laser bóc u tuyến tiền liệt nặng 120g cho cụ ông 95 tuổi