Tin tức - Sự kiện

Mở rộng áp dụng biện pháp phòng, chống tham nhũng ra doanh nghiệp

(DNVN) - Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) tại phiên họp sáng 25/10, UBTV Quốc hội đồng ý mở rộng phạm vi áp dụng một số biện pháp phòng, chống tham nhũng ra cả khu vực doanh nghiệp.

Cần minh bạch đấu thầu vật tư y tế để phòng chống tham nhũng / Hội nghị Trung ương 8: Giảm nhiều loại tội phạm, nhưng tội phạm tham nhũng vẫn tăng

Áp dụng các biện pháp phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp
Nhiều ĐBQH tán thành với việc mở rộng phạm vi áp dụng một số biện pháp phòng, chống tham nhũng ra ngoài khu vực nhà nước, trong đó có các tổ chức, doanh nghiệp (DN).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với đề nghị của các ĐBQH, vì trên thực tế, tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang làm ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Việc mở rộng phạm vi như vậy cũng bảo đảm sự đồng bộ với Bộ luật Hình sự (BLHS) đã mở rộng quy định xử lý đối với một số tội phạm về tham nhũng trong mọi tổ chức, DN ngoài nhà nước.
Một số ĐBQH đề nghị rà soát để bảo đảm quy định của Luật bao quát hết các DN ngoài Nhà nước, tổ chức tôn giáo.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện nay, các DN ngoài nhà nước, tổ chức tôn giáo và tổ chức xã hội khác khi thực hiện hoạt động liên quan đến vốn, tài sản của nhà nước hoặc có huy động các khoản đóng góp của nhân dân đều phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật nêu trên và pháp luật khác có liên quan; nếu có hành vi tham nhũng thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Trước mắt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉnh lý dự luật theo hướng quy định cụ thể hơn một số biện pháp phòng, chống tham nhũng như công khai, minh bạch tổ chức và hoạt động, kiểm soát xung đột lợi ích, chế độ trách nhiệm của người đứng đầu.
Các biện pháp phòng, chống tham nhũng này áp dụng đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, tổ chức xã hội. Đây là các DN, tổ chức có huy động vốn đóng góp của nhiều cổ đông, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế hoặc có huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện.
Bỏ dự thảo quy định kiểm soát thu nhập của quản lý doanh nghiệp
Nhiều ĐBQH đề nghị không quy định kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ quản lý, điều hành trong DN, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.
Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã bỏ quy định về minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức danh quản lý, điều hành trong công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, tổ chức xã hội. Việc kiểm soát thu nhập của quản lý DN được thực hiện theo quy định của pháp luật về DN.
Theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) do Chính phủ trình có quy định những người giữ chức vụ quản lý, điều hành trong công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, tổ chức xã hội khu vực ngoài nhà nước phải kê khai, công khai bản kê khai, giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập và bị xử lý về tài sản, thu nhập nếu giải trình không hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm tương tự như đối với khu vực nhà nước là chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và chưa phù hợp với thực tiễn.
Trách nhiệm phải kê khai thu nhập của những người giữ chức vụ quản lý, điều hành trong DN đã được quy định cụ thể trong Luật Doanh nghiệp, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán… đối với mọi loại hình DN mà không chỉ giới hạn ở công ty đại chúng và tổ chức tín dụng như dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, các luật này cũng chỉ buộc người giữ chức vụ quản lý, điều hành phải kê khai thu nhập (khác với cán bộ, công chức, viên chức thì ngoài kê khai thu nhập thì còn kê khai cả tài sản).
Trình tự, thủ tục kê khai, công khai thu nhập của người giữ chức vụ quản lý, điều hành trong DN cũng hoàn toàn khác với quy định về trình tự, thủ tục kê khai, công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.
Hơn nữa, người quản lý, điều hành trong DN, tổ chức khu vực ngoài nhà nước rất đa dạng, trong đó có cả nhà đầu tư nước ngoài, nên việc yêu cầu họ phải kê khai tài sản của họ và của vợ (hoặc chồng), con chưa thành niên ở nước ngoài để kiểm soát tài sản, thu nhập là không khả thi.
Đồng thời, việc coi Ban kiểm soát của công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và Ban kiểm tra của tổ chức xã hội có chức năng như cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập (gồm cả thẩm quyền yêu cầu tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước, cơ quan thuế, quản lý nhà đất... cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập) cũng không phù hợp.
Đối với việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức danh quản lý trong các tổ chức xã hội khu vực ngoài nhà nước cũng có những khó khăn, vướng mắc tương tự như đối với người quản lý, điều hành trong các DN.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm