Mới có 24,5% lực lượng lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ
Lãnh đạo Việt Nam - Hoa Kỳ: Tôn trọng độc lập, chủ quyền, thể chế chính trị của nhau / Kinh tế số, kinh tế xanh sẽ là lĩnh vực hợp tác tiềm năng của Việt Nam - Hoa Kỳ
Liên quan đến công tác giáo dục nghề nghiệp, ngày 30/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2239 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, mục tiêu của Chiến lược là phát triển nhanh giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn.
Đến năm 2045, giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của một nước phát triển; trở thành quốc gia phát triển hàng đầu về giáo dục nghề nghiệp trong khu vực ASEAN, bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo.
Theo báo cáo từ Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, Việt Nam hiện có 98 triệu dân, 55 triệu lao động nhưng chỉ 64,5% qua đào tạo, trong đó 24,5% có bằng cấp chứng chỉ; tuyển sinh trong giáo dục nghề nghiệp chỉ đạt khoảng 2,2 triệu người/năm, còn quá thấp so với nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề đặc biệt là kỹ năng nghề cao cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và so với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Theo các chuyên gia lao động, hiện nay kỹ thuật, kỹ năng hành vi và các kỹ năng mềm khác của lao động Việt Nam còn yếu. Năng lực của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế; các điều kiện đảm bảo chất lượng còn thấp. Bên cạnh đó, theo phản ánh củamột số cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn than khó trong công tác giáo dục văn hóa cho học sinh trường nghề.
Trong bối cảnh bình thường mới, hiện giáo dục nghề nghiệp gặp nhiều thách thức, nhất là khi các trường đại học đang mở cửa đón thí sinh; các cụm, tuyến khu công nghiệp phát triển, thu hút lực lượng lao động trẻ đến làm việc mà chưa qua đào tạo nghề; việc sắp xếp, sáp nhập các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chính sách… ảnh hưởng đến công tác giáo dục nghề nghiệp.
Do đó, theo các trường cao đẳng, trung cấp, cần có sự liên kết đào tạo nghềgiữa các địa phương; tăng cường công tác truyền thông về giáo dục nghề nghiệp, tổ chức phân luồng học sinh bậc THCS, tăng ngân sách dành cho giáo dục nghề nghiệp, tổ chức các hội thảo về giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, thậm chí các tỉnh cần thành lập Hội đồng giáo dục nghề nghiệp để tham mưu lãnh đạo tỉnh thực hiện tốt công tác giáo dục nghề nghiệp.
Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp,giai đoạn tới, giáo dục nghề nghiệp vừa phải đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề cao cho các ngành kinh tế mũi nhọn, vùng kinh tế trọng điểm; vừa đào tạo phục vụ chuyển dịch cơ cấu lao động (đặc biệt là ở nông thôn), vừa đào tạo lại cho người lao động trong doanh nghiệp để thích ứng với sự thay đổi, dưới tác động của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
End of content
Không có tin nào tiếp theo