Bài toán phát thải ròng bằng “0” phụ thuộc vào nhiều yếu tố
Miễn học phí đối với học viên ngành Năng lượng nguyên tử / Sắp diễn ra triển lãm chuyên ngành năng lượng hạt nhân
Tháng 11/2021, tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên bố, bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ xây dựng và thực hiện mạnh mẽ các biện pháp giảm phát thải để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 (Net-Zero) vào năm 2050.
Các khoản đầu tư lớn vào cung cấp năng lượng và các hoạt động chuyển đổi sâu sắc tất cả các lĩnh vực, bao gồm giao thông vận tải và công nghiệp, chuyển đổi lao động, an ninh năng lượng, tài sản liên quan đến khí thải là những thách thức lớn cần được tính toán kỹ để đạt được mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Việc tìm kiếm các khoản đầu tư tối ưu và sự kết hợp các nguồn lực và công nghệ để bảo đảm thực hiện khử cacbon cho toàn bộ nền kinh tế vào năm 2050, đồng thời cân nhắc đến các chính sách hiện tại và tương lai, các thách thức về an ninh năng lượng, phát triển kinh tế đất nước đòi hỏi một quy trình phân tích chuyên biệt và sự gắn kết chặt chẽ với các bên hữu quan.
Trong bối cảnh đó, dự án “Nghiên cứu chẩn đoán các kịch bản Net-Zero cho ngành năng lượng Việt Nam” sẽ đánh giá quá trình chuyển đổi của ngành năng lượng Việt Nam sang kịch bản phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Nghiên cứu trên cũng sẽ hỗ trợ Chính phủ hiện thực hóa Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nghiên cứu cũng phù hợp với Chương trình Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Phát biểu tại “Hội thảo nghiên cứu chuẩn đoán các kịch bản Net-Zero cho ngành năng lượng Việt Nam”, ngày 9/5, ông Phạm Hoàng Lương - Trưởng dự án trong nước Dự án “Nghiên cứu chẩn đoán các kịch bản Net-Zero cho ngành năng lượng Việt Nam” đã đánh giá cao ý kiến góp ý của các tư vấn quốc tế và trong nước về số liệu giả định và số liệu dự kiến sẽ được sử dụng để phân tích trong các kịch bản.
Đặc biệt, ông Lương đánh giá cao những đóng góp của cơ quan Năng lượng Đan Mạch (DEA) đã làm tăng tính khả thi trong các kịch bản Net-Zero cho ngành năng lượng Việt Nam.
“Chúng ta cũng đã bám đuổi được và thực hiện đúng mong muốn của dự án là tất cả các giả định, thông số đó có được bổ sung, góp ý, chỉnh sửa từ phía đại diện các cơ quan tổ chức quốc tế, cũng như các bên liên quan để làm cho số liệu giả định vừa bảo đảm tính cập nhật, vừa bảo đảm tính khả thi”, ông Lương nói.
Ông Lương cho rằng, các ý kiến tại hội thảo đã tập trung vào vấn đề chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải ròng bằng “0”. Trong đó, nhấn mạnh phát thải ròng bằng “0” phụ thuộc vào yếu tố công nghệ, chính sách và kinh tế.
Các ý kiến khả thi cần đưa vào dự án để nghiên cứu, đồng thời, dự án cũng cần được bổ sung vấn đề thay đổi giá nhiên liệu sinh khối, công nghệ than sạch (ít nhất vẫn được sử dụng từ nay đến năm 2030).
“Các ý kiến tại hội nghị cho thấy, bài toán giảm phát thải ròng bằng “0” đối với ngành năng lượng Việt Nam cho đến năm 2050 không chỉ thuần túy là tăng dần tỷ trọng năng lượng tái tạo, tăng dần sự thâm nhập của công nghệ năng lượng mà chúng ta còn có đích đến là các dự án chuyển đổi xanh”, ông Lương cho biết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo